Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Oan Hồn Đòi Mạng

Nguyễn Thị Mộng Thu
 

Vinh và Lộc là đôi bạn thân, quen biết và chơi với nhau từ nhỏ, từ thuở còn lang thang trên khắp các ngả đường phố thị Sài Gòn với thùng đồ nghề đánh giày mang trước ngực.
Cả hai đều có hoàn cảnh gần giống như nhau: cha mẹ chia tay, mỗi người đều tìm cho mình một hạnh phúc mới, chỉ có đứa trẻ là thật sự bơ vơ, vì nó không chịu đựng được sự ghẻ lạnh, hà khắc của dì hoặc dượng ghẻ. Thế là hai đứa trẻ bỏ nhà ra đi, sống một cuộc sống lắt lay nơi đầu đường xó chợ.
Tình bạn giữa Vinh và Lộc gắn bó keo sơn hơn mười năm trời. Những lúc Lộc bị người khác hà hiếp, Vinh luôn là kẻ đứng ra bênh vực và bảo vệ cho bạn. Vinh to con, mạnh khỏe, khác với dáng vẻ mảnh mai yếu đuối của Lộc.
Hồi nhỏ, hai đứa thường ngủ qua đêm ở các mái hiên, cổng chùa hoặc các sạp hàng trong các ngôi chợ nhỏ. Nhưng lớn lên một chút, không làm nghề đáng giày nữa, Vinh và Lộc làm đủ thứ nghề, bất cứ việc nào được người ta thuê mướn là hai đứa bắt tay vào, cốt kiếm được đồng tiền lương thiện. Vinh và Lộc thuê một căn phòng trọ nhỏ xíu để có nơi chốn ổn định mà chui ra chui vào.
Kể ra, hai đứa trẻ không được giáo dục đàng hoàng, bao nhiêu năm lăn lóc giữa chợ đời mà vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp cũng là một điều hiếm có.
Một buổi chiều tháng mười gió thổi se se lạnh, Vinh ngồi bó gối trước cửa nhà, đôi mắt mơ màng tưởng nhớ tới một thời xa lắc. Cái thời mà gia đình Vinh còn đoàn tụ, vui vẻ bên nhau, những mùa chướng về là Vinh vui mừng lắm. Gió lạnh về, Vinh được mẹ sắm cho áo mới, được tíu tít đi xem lễ Giáng sinh, được đứng trước cổng nhà mình mà suýt xoa chiêm ngưỡng cây thông Noel mà cả nhà quây quần cùng nhau trang trí gần hết một buổi sáng. Và gió lạnh về cũng báo hiệu một năm sắp sữa trôi qua, cái tết sắp đến…
Vậy mà giờ đây, Vinh lại ngồi lặng lẽ một mình trong căn nhà ọp ẹp, tồi tàn. Nỗi nhớ bỗng nhiên trào dâng mãnh liệt trong lòng Vinh.
Lâu lắm rồi, hình như đã mấy năm rồi Vinh không biết tin tức gì về mẹ của mình nữa.
Nhiều lúc có gì đó đi ngang qua xóm lao động nghèo, nơi mẹ Vinh đang sống với người chồng sau, Vinh cũng muốn vô thăm, nhưng trong lòng lại mang nhiều buồn tủi, nên sau phát dùng dằng, Vinh lại lặng lẽ đi qua luôn mà không dừng bước rẽ vào.
Nỗi nhớ thương mẹ đã từ lâu chết lịm trong Vinh, đôi lúc Vinh cũng ngỡ ngàng khi thấy mình không còn một chút xúc cảm nào khi nghĩ tới người mà mình gọi là mẹ ấy.
Nhưng không hiểu sao, từ hai hôm nay, hình ảnh người mẹ lại cứ hiện về trong đầu Vinh cả khi thức lẫn khi ngủ. Trong bụng Vinh cứ nôn nóng không yên, làm gì cũng quên trước quên sau, tính tính lại trở nên bẳn gắt một cách kỳ lạ.
- Có chuyện gì xảy ra với mẹ mình sao?
Vinh tự hỏi rồi lắc đầu:
- Mẹ đã có cuộc sống riêng của mẹ, đã có người quan tâm lo lắng cho mẹ rồi, mình còn bận lòng chi nữa? Mẹ đâu có cần chi tới mình đâu…
Và sự oán giận, ấm ức lại trỗi lên, như muốn ngăn cản Vinh đừng nghĩ nhiều về mẹ mình nữa.
Nhưng thật lạ, dù Vinh có cố gắng đến mấy, có lao vào những trò vui, ồn ào đến mấy thì lòng vẫn bứt rứt không yên.
- Thôi, dù sao chiều nay mình cũng không có việc gì làm, tạt về đó coi bả bây giờ sống ra sao…
Vinh nghĩ vậy và đứng lên vào nhà lấy áo mặc vào chuẩn bị đóng cửa đi ra.
Vinh vừa ra tới cửa thì Lộc về tới.
- Đi đâu thế Vinh?
Lộc hỏi.
- Tao về thăm bà già, coi dạo này bả sống thế nào!
Lộc tròn mắt ngạc nhiên:
- Ủa, sao tự nhiên hôm nay…
Vinh cười cười:
- Tao cũng chẳng biết sao mấy hôm nay trong lòng tao bứt rứt không yên, nóng nảy thất thường quá, làm như linh tính có chuyện gì không hay xảy ra với bả. Thôi, dù sao bả cũng là mẹ tao, về thăm bả một chút cũng không phiền phức gì đâu!
Lộc ái ngại nhìn Vinh rồi nói:
- Vậy tao đi với mầy nghe? Ở nhà một mình cũng buồn…
- Ừ, đi thì đi! Mầy có cần vô tắm không, tao đợi?
Vinh nói.
Lộc cười hì hì:
- Bộ mày thấy tao bâtn thỉu lắm sao? Thôi, đi luôn đi, tối về tắm, trời này lạnh tao cũng làm biếng… hi hi… mà không đổ mồ hôi nên cũng không cần tắm táp làm chi cho thêm phiền!
Hai đứa bật cười ha hả rồi cùng đi bộ ra bến xe buýt.
Phải đổi mấy chặng xe, Vinh và Lộc mới đến được trạm cần xuống. Từ trạm xe buýt đó còn phải đi bộ gần một cây số nữa mới tới được xóm nhà mà mẹ Vinh cư ngụ. Hai chàng thanh niên thong thả cất bước giống như những kẻ nhàn nhã đang đi dạo phố trong buổi hoàng hôn.
Cả cái xóm ổ chuột này chỉ lác đác vài nhà có điện, còn lại chỉ toàn xài đèn dầu hỏa. Sống giữa một thành phố văn minh như thế này mà cuộc sống của họ xem ra còn tồi tệ hơn cả những người nông dân tay lấm chân bùn nơi đồng ruộng.
Những ngôi nhà thấp lè tè, được dựng và lợp mái bằng đủ thứ vật dụng hỗ lốn, bất cứ cái gì có thể dùng để chèn, để đậy được là người ta tận dụng hết để cho căn nhà của họ được kín hơn.
Trong những khu như thế này trẻ con chiếm số lượng rất lớn.
Vinh và Lộc vừa mới quẹo vô đầu hẻm đã đụng phải một đám con nít đang chơi tạt lon, chiếm hết cả bề ngang con hẻm vốn đã rất nhỏ bé. Tiếng cười nói, la hét vang rần cả một góc. Cả hai phải len lỏi mới qua được lũ trẻ lúc nhúc lao nhao ấy.
Dọc hai bên hẻm, trước sân mỗi nhà thường thấy hình ảnh mấy người đàn ông ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu rách tả tơi, trước mặt là một dĩa mồi và xị rượu. Họ khề khà cụng ly, khề khà bàn tán cùng nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Đâu đó, một vài bà mẹ trẻ bế con trên tay, ra rả nói chim nói vượn để dụ đút được cho con một vài muỗng cơm được nhai nhuyễn và nhè ra từ miệng người mẹ.
Thấy người lạ di vào khu vực mình, ai nấy đều đưa mắt ngó theo với vẻ tò mò, nhưng không ai bắt chuyện, mà Vinh và Lộc cũng cứ cắm cúi đi, không bắt chuyện với ai.
Đến cuối hẻm, Vinh dừng lại có vẻ lo lắng:
- Ủa, sao lại thế này?
Vừa nói, Vinh vừa chỉ tay vào một ngôi nhà rất nhỏ, đã nghiêng hẳn sang một bên, một nửa căn nhà bị chái nham nhở.
- Đây là nhà của mầy à?
Lộc hỏi.
Vinh gật đầu:
- Ừ, mà không! Đây là nhà của mẹ tao và ông dượng, chồng của mẹ sau này… Nhưng sao…
- Mầy hỏi mấy người nhà kế bên xem sao?
Lộc đề nghị.
Vinh không nói gì, xăm xăm tiến vào căn nhà kế đó, nơi có mấy ông sồn sồn đang ngồi nhậu lai rai với mấy trái cóc, trái ổi nằm trơ vơ trên chiếc đĩa sành cũ rích. Lộc lật đật bước theo bạn
Thấy Vinh và Lộc đi vào, cả mấy người đàn ông cùng ngước lên.
- Dạ, các chú cho con hỏi thăm, vợ chồng bà Mai nhà kế bên bây giờ còn sống ở đây không ạ?
Không chờ họ hỏi, Vinh đã lên tiếng trước.
Một người có vẻ già nhất trong bọn nhanh miệng:
- Chú em tìm vợ chồng bà Mai có việc gì không? Chú em là gì của vợ chồng bà Mai vậy?
Hơi khó chịu vì sự tò mò của người đàn ông đó, nhưng Vinh vẫn lễ phép:
- Dạ… cháu là… cháu của bà Mai, gọi bà Mai bằng dì, cháu sống dưới quê. Lâu lắm rồi không có tin tức, sẵn hôm nay đi Sài gòn có công chuyện, cháu ghé thăm dì, mà sao… thấy hình như nhà đó bị cháy rồi?
Người đàn ông chép miệng thở dài:
- Thôi rồi, muộn rồi cháu ơi! Phải chi chú em tới sớm hơn mấy bữa thì hay quá… giờ thì muộn rồi…
Vinh xanh mặt hỏi dồn:
- Muộn là sao vậy chú? Chú làm ơn…
- Là bà Mai đã theo ông theo bà rồi, còn đâu! Thiệt là tội…
Một người ngồi cạnh lên tiếng cắt ngang câu nói của Vinh.
Vinh run rẩy, ngồi bệt xuống một góc chiếu:
- Xin… xin các chú nói rõ hơn một chút cho cháu biết ạ!
Một người phụ nữ nãy giờ vẫn ngồi im trên chiếc võng cạnh đó lên tiếng:
- Để cô kể cho mà nghe, mấy cha nội này xỉn hết rồi, nói chuyện cà kê dê ngỗng tới tối cũng chưa hết chuyện đâu cháu ơi!
Vinh quay quang người phụ nữ:
- Dạ, cảm ơn cô! Xin cô làm ơn kể rõ cho cháu biết…
Người phụ nữ rời khỏi chiếc võng, tới ngồi cạnh bênh Vinh bắt đầu kể lể:
- Bà Mai chết rồi, mới chết ba ngày nay thôi! Mà ghê lắm cháu ơi, chết cháy đó! Lúc người ta dập hết lửa, đem được bả ra ngoài thì cả người bả đã cháy đen rồi…
- Bà Mai chết cháy? Tại sao lại cháy?
Vinh hoảng hốt.
- Khổ! Cũng không ai biết lý do nào căn nhà lại có thể bốc cháy như vậy nữa. Cảnh sát còn đang điều tra…
Người đàn bà hạ thấp giọng, thì thào:
- Nhưng người ta nghi ngờ cái chết của bà Mai có liên quan tới ông chồng. Có thể chính ông ấy đã ra tay giết vợ rồi dựng lên hiện trường giả để đánh lừa nhà chức trách hòng trốn thoát tội lỗi…
- Giết à? Bà Mia bị giết à?
Vinh thảng thốt.
Người đàn bà hốt hoảng bịt miệng Vinh lại, rối rít:
- Trời ơi, cháu không được nói lớn! Đây chỉ là nghi ngờ thôi! Tại cô thấy cháu là bà con với bà Mai, lại ở xa không biết gì nên cô kể hết. Cháu mà nói lộ ra ngoài, ông ấy nghe được sẽ đi tố cô đặt điều vu khống, hoặc giết cả nhà cô cũng nên… Cháu nhớ chưa?
- Dạ… cháu xin lỗi cô… cháu nhớ rồi!
Vinh lắp bắp.
Lộc thấy trên trán Vinh lúc này đã ướt đẫm mồ hôi, dẫu rằng khí trời vẫn đang se lạnh.
- Cô ơi, nhưng tại sao người ta lại nghi bà Mai bị chồng giết chết? Cô làm ơn kể cho tụi cháu nghe cặn kẽ đi!
Lộc hỏi.
Người đàn bà khẽ liếc nhanh  qua đám mấy ông ngồi nhậu rồi nói nhỏ:
- Chuyện là như vầy! Cô nghe nói trước khi vợ chồng bà Mai về sống ở đây thì bà Mai đã có một đời chồng rồi, có một đứa con trai nữa thì phải. Nhưng vợ chồng bà Mai chia tay, đứa nhỏ ở với bà, lại không chịu nổi ông cha dượng nóng nảy, khắc nghiệt, hở ra là đánh đấm nên đứa nhỏ đã bỏ nhà ra đi từ lâu lắm rồi! Hai vợ chồng bà Mai sống với nhau cũng không mấy hòa thuận, có lẽ vì bà Mai vẫn luôn nhớ thương đứa con trai lưu lạc. Hai người sống mãi mà không có con, bà Mai làm quần quật đầu tắt mặt tối để cung phụng cho gã chồng sáng say chiều xỉn, lại vướng vô bài bạc, nợ nần giăng mắc tứ tung. Nhưng hình như tại cái số, chứ gặp cô, cô bỏ ổng từ đời tám hoánh nào rồi, ai ở đó làm mọi cho ổng như bà Mai, mà phải chi được ổng thương yêu cũng cam tâm đi, đằng này ổng dằn hắt, xỉa xói không tiếc lời… Thiệt tình là số bà Mai khổ… Mới đây, nghe người ta đồn ầm lên rằng ông chồng cũ của bà Mai, lâu nay sống với người vợ sau ở nước ngoài, không đoái hoài gì tới đứa con trai của ổng. Tự nhiên gần đây ổng lâm bệnh nặng rồi ân hận, nhớ thương con nên chia hẳn cho thằng nhỏ một phần gia sản kếch sù của ổng, bà Mai là người đứng ra nhận lãnh phần gia tài đó. Bà đã nhiều lần đăng báo tìm con và nhờ người đi dò la tung tích của thằng nhỏ mà mãi vẫn không thấy. Ông chồng sau thấy vợ mình nắm trong tay số của cải lớn như vậy, ngày nào cũng rỉ rả đòi bà Mai đưa cho ông mượn để làm ăn, chừng nào kiếm được thằng con ông sẽ trả lại. Bà Mai dư biết chuyện “làm ăn” của ông là ở các sòng bạc nên bà nhất định không đưa ra. Vì chuyện đó mà suốt mấy tháng nay bà Mai bị dập bầm tơi tả… Rồi đùng một cái bà Mai chết cháy, không nghi cho ông ấy thì nghi ai bây giờ. Đúng không hai cháu?
Người phụ nữ nhìn Vinh và Lộc như để tìm lấy sự đồng tình, nhưng bà thật bất ngờ khi thấy Vinh mặt mày xanh xám, quai hàm bạnh ra một cách dữ dằn. Dưới ánh nắng hoàng hôn chạng vạng trông gương mặt của Vinh thật đáng sợ.
Người đàn bà lo lắng lay vai Vinh.
Vinh như sực tỉnh, ấp úng, nghẹn ngào:
- Không… Không sao… cháu chỉ thấy thương dì cháu quá… cháu không ngờ… dì cháu lại sống khổ sở đến vậy! Lâu nay cháu cứ tưởng dì hạnh phúc lắm…
- Ối, hạnh phúc gì đâu cháu ơi! Cặp vợ chồng đó giống như là oan gia kiếp trước của nhau vậy thôi…
Người đàn bà ngao ngán lắc đầu.
Vinh cúi mặt xuống, chắc để nuốt trôi những tiếng nấc nghẹn ngào sắp vọt ra khỏi miệng.
Lộc cắn răng hỏi tiếp:
- Vậy hiện nay chồng bà Mai sao rồi cô? Ổng có bị cảnh sát bắt không?
Người đàn bà lắc đầu:
- Không! Ổng có đầy đủ chứng cứ ngoại phạm mới chết chớ! Cảnh sát cũng nghi ngờ ổng nên tập trung điều tra dữ lắm, vậy mà không bắt được ổng mới tức! Có lẽ ổng quá khôn ngoan nên đã tính trước hết mọi việc có thể xảy ra, nhờ đó ổng mới có thể có đủ bằng chứng ngoại phạm như thế…
Người đàn ông đang nhậu quay sang nạt:
- Thứ đồ đàn bà nhiều chuyện, biết gì bà bày đặt ngoại phạm với nội phạm! Bà liệu cái miịeng mình đó nghen, coi chừng tới nhà mình không giữ được đây nè, ở đó mà ăn cơm nhà lo vác tù và hàng tổng, rước hoạ vô thân có ngày đó!
Người đàn bà cũng không vừa:
- Chỉ có lũ đàn ông các người mới độc ác và vô cảm đến mức đó thôi! Tôi là đàn bà, tôi không chịu được cảnh đó! Con cháu người ta lên tìm, mình cũng phải cho con cháu người ta biết chút ít để vong hồn người chết đỡ uất ức…
Người đàn ông nóng nảy, nhổm lên giơ tay định tát vào mạt người đàn bà. Thấy tình hình căng thẳng, Vinh lật đật đứng lên can:
- Dạ… xin chú đừng nóng. Lỗi là ở cháu hết, cháu xin lỗi cô, xin lỗi các chú! Cảm ơn cô đã giúp cháu biết một vài điều về… dì cháu. Giờ cháu xin phép ra về…
Nói xong, Vinh gật đầu chào mọi người rồi lầm lũi đi nhanh ra ngoài, Lộc cũng đi bên cạnh bạn. Văng vẳng phía sau là tiếng thở dài của người đàn bà:
- Thiệt là tội nghịêp… phận người…
Người đàn ông vẫn còn lầm bầm gì đó nhưng Vinh và Lộc không nghe rõ được nữa.
Hai người thất thểu đi trở ra đầu hẻm. Đang đi, bất chợt Lộc nhớ lại nãy giờ nói chuyện mà vẫn chưa hỏi người đàn bà kia mộ của mẹ Vinh ở đâu. Thiệt là… Vinh mất hồn đã đành rồi, mình cũng không lo được giùm bạn một chuyện như vậy! Lộc tự trách mình.
Thấy một đứa bé gái trạc mười bốn, mười lăm tuổi đang bế em đi trước mặt, Lộc chạy vội lên hỏi:
- Em nhỏ, em có biết bà Mai vừa chết mấy hôm trước không?
Đứa bé giật mình, đứng khựng lại vẻ mặt hoảng sợ:
- Dạ biết! Có gì không anh? Bộ bả hiện hồn về hả?
Lộc lắc đầu:
- Không, sao em hỏi vậy?
Đứa bé lấm lét ngó xung quanh rồi nói nhỏ:
- Hôm qua mấy đứa đi chơi về khuya thấy bà Mai đứng khóc trước cửa nhà, tụi nó la làng quá trời luôn! Anh đừng có lân la tới gần chỗ đó, ghê lắm đó! Bà Mai linh lắm…
Vừa lúc ngó thấy Vinh đi tới, Lộc muốn cắt ngang câu chuyện để tránh cho Vinh nỗi đau lòng.
- Em có biết một bà Mai ở đâu không vậy em?
Lộc hỏi.
Đứa bé ngó Lộc, ngạc nhiên:
- Trời đất! Anh kiếm mộ bả chi vậy? Bộ anh hổng sợ sao?
Lộc nói nhanh:
- Bà Mai là người thân của anh, em biết thì chỉ giúp anh đi!
Đứa bé gật gù như người lớn:
- À, em hiểu rồi! Đã là người thân của mình rồi thì đâu có gì mà phải sợ! Giống như hồi ông ngoại em chết vậy, hồi đó em còn nhỏ xíu mà cũng hổng có sợ đâu…
Lộc thầm than trời vì gặp phải con bé nhiều chuyện như… bà Tám! Anh vừa tính mở miệng hối thúc nó thì nó đã nói:
- Anh đi tuốt lên phía trên kia, có khu nghĩa địa ở cuối đường, bà Mai được chôn ở đó, cái mả đất mới đắp đó, anh vô là biết liền hà! Em nghe mấy người lớn ở đây nói thấy bả tội nghiệp, tính hùn tiền lại làm mả cho bả, nhưng người ta ghét ông chồng nên thôi…
Từ nãy giờ Vinh đã nghe được những lời đối đáp giữa Lộc và cô bé. Anh nắm tay Lộc:
- Đi! Tao với mầy đi ngay tới đó đi!
Lộc mỉm cười chào cô bé rồi rảo cẳng theo Vinh. Ra tới đầu hẻm, thấy có một tiệm tạp hóa nhỏ, Lộ bảo Vinh đứng chờ, anh ghé vào mua một bó nhang, ít vàng mã… rồi xề qua hàng trái cây, hoa quả kế bên mua một bó huệ trắng với một ít trái cây. Tất cả bỏ vào hai cái túi nhựa màu đen xách tòng teng đi mải miết về phía nghĩa trang mà lúc nãy cô bé chỉ.
Con đường càng lúc càng vắng, hai bên không có nhà cửa gì, Vinh và Lộc cứ cắm cúi đi, lòng người nào cũng nặng trĩu.
Lộc biết, tuy lâu nay Vinh hận mẹ, nhưng khi nghe tin bà chết, và nhất là biết rõ được cuộc sống của bà vô cùng khổ sở trong ngần ấy năm trời, chắc hẳn lòng Vinh đau đớn ghê lắm. Lộc muốn nói câu gì đó, hoặc có một cử chỉ gì đó để an ủi bạn, nhưng anh đành bất lực, không biết phải biểu lộ thế nào.
Nghĩa trang thấp thoáng đằng xa. Trời cũng đã bắt đầu tối. Quãng đường này lại không có đèn, mọi vật trở nên mờ ảo, tiếng con chim gì đó kêu lên khắc khoải nghe sao buồn bã thê lương…
Nghĩa trang nằm ven đường. Vinh và Lộc rẽ ngoặt vào cổng nghĩa trang và lần theo từng ngôi mộ để tìm. Mồ mả trong nghĩa trang này nằm lung tung, không hàng không lối gì cả, lô nhô cái cao cái thấp, lại không phân chia tôn giáo. Bên cạnh những ngôi mộ có đặt bát hương phía trước mộ bia, chứng tỏ người chết theo đạo Phật, là những ngôi mộ có hình cây thập tự, tức là mộ của người theo đạo Công giáo. Có lẽ khu nghĩa địa này dành cho những người nghèo, họ đâu có đủ điều kiện để đưa linh cửu người thân mình đến những nghĩa trang lớn, khang trang đẹp đẽ hơn.
Cả hai lò dò tìm mãi mới thấy được một ngôi mộ đất mới đắp, phía trước có dựng một bia mộ sơ sài ghi rõ tên họ: Nguyễn Thị Mai!
Vinh sà xuống ôm lấy ngôi mộ, vai anh run lên bần bật nhưng tuyệt nhiên trên mặt lại không có giọt nước mắt nào chảy ra.
Lộc cúi xuống mở mấy cái túi ni lông, bày các thứ ra trước mộ. Không có bát đĩa gì hết, Lộc phải lấy bao ni lông thay thế, bà biện trái cây lên đó. Cũng chẳng có lọ hoa nào, Lộc đành xới đất thành một lỗ tròn, cắm mấy cành huệ vào đó.
Khi mọi thứ đã xong, Lộc bật diêm thắp mấy nén nhang, chia ra làm hai đưa cho Vinh một nửa, mình một nửa.
Vinh và Lộc sì sụp cúi lạy trước ngôi mộ của người đàn bà xấu số.
Bỗng đâu một cơn gió thật lớn thổi ào đến, cuốn phăng toàn bộ số vàng mã mà Vinh và Lộc chưa kịp đốt. Những tờ vàng mã bay tít lên cao, xoay tròn mấy vòng rồi rơi xuống lả tả cả một khoảnh đất xung quanh.
Lộc ngơ ngác ngó theo rồi vội vã chạy đi nhặt lại từng tờ một.
Vinh can:
- Thôi đi Lộc, không cần đâu!
Lộc cầm trong tay mấy tờ vàng mã, buồn hiu quay lại ngồi bên bạn.
Gió vẫn thổi ầm ào, tiếng cành cây vặn mình kêu răng rắc chừng như sắp gãy, tiếng những con chim kêu lên xao xác, sợ hãi…
Lộc và Vinh cứ im đó, lặng lẽ như hai chiếc bóng.
Bầu trời ngày một tối đen, và sà xuống thấp, không còn lại một ánh sao nào…
- Mùa này đã hết mưa rồi, sao bỗng dưng lại có một cơn giông lạc loài thế này nhỉ? Có khi nào…
Lộc thầm nghĩ và bắt đầu thấy hơi lo.
Mấy lần Lộc xem phim hoặc nghe người ta kể chuyện ma quái, thì những lúc linh hồn xuất hiện thường kèm theo gió mưa rú rít. Mẹ Vinh chết thảm như vậy, chết mà chưa được gặp lại đứa con trai thân yêu, chắc linh hồn của bà cũng không cam tâm để về nơi chín suối…
Vừa nghĩ tới đó, Lộc giật bắn người khi thấy một bóng trắng lướt qua mặt mình rồi vụt biến mất sau gốc cây bên cạnh. Lộc ngồi xích gần lại Vinh, bấu tay bạn, thì thầm:
- Vinh! Vừa rồi mầy có thấy gì không?
Vinh ngước mặt lên, ngơ ngác:
- Thấy gì? Có chuỵên gì thế?
Lộc ấp úng:
- Không… không có gì! Chỉ là một… con chim…
Lộc nói tránh, không muốn bạn buồn hơn nữa.Nhưng từ lúc đó trong lòng Lộc cứ hồi hộp không yên. Mấy lần Lộc muốn giục Vinh đứng lên đi về, nhưng tôn trọng nỗi đau của bạn, Lộc không dám mở lời.
Gió vẫn thổi gầm gào, rú rít. Thỉnh thoảng một vài tờ vàng mã lại bay tung lên rồi từ từ đáp trở xuống, mấy nén hương lập lòe cháy đỏ trông như những đốm mắt của một loài nào đó vô cùng đáng sợ.
Lộc sợ, nhưng mắt vẫn cứ nhìn về phía gốc cây, nơi mà lúc nãy Lộc thấy rõ ràng bóng trắng ẩn vào sau đó. Lộc không biết đó là cây gì, vì trời tối quá không nhìn rõ được, chỉ biết đó là một cây to, chắc cũng đã nhiều tuổi lắm rồi.
Nhìn hoài đến mỏi mắt mà vẫn không thấy có hiện tượng gì lạ, Lộc nghĩ hay là lúc này mình hoa mắt? Người ta nói những kẻ sợ ma thường gặp ma là do họ quá sợ nên tự tưởng tượng ra thôi, mà cái sự tưởng tượng của họ quá thật, thật đến nỗi làm cho họ hoảng sợ vì cứ nghĩ là ma thật. Thí dụ như khi đi một mình trong đêm tối, người sợ ma thường có cảm giác có người đi ngay phía sau lưng mình, nếu sợ quá bỏ chạy, thì chính tiếng bước chân họ lại làm cho họ tưởng có người đang đuổi theo sau…
Lộc cũng công nhận mình là đứa nhát gan, nên chắc mẫm lúc nãy là do mình tự nghĩ ra để dọa mình thôi, bằng chứng là Vinh cũng ngồi kế bên mình mà có thấy gì đâu?
Lộc trấn an mình như thế, nhưng chưa kịp an tâm thì vụt một cái, bóng trắng lại xuất hiện, lần này còn rõ hơn gấp bội.
Đó là một người phụ nữ mặc bộ quần áo màu trắng rộng thùng thình, tóc xoã dài tấp tưởi, che khuất cả gương mặt. Bóng trắng đó đang di chuyển từ từ hướng về phía Vinh và Lộc đang ngồi.
Lộc sợ đến cứng đơ cả lưỡi, không tài nào kêu lên được, muốn đưa tay bấu lấy Vinh mà tay chân Lộc cũng đã quíu cả lại rồi, không sao nhúc nhích cựa quậy gì được nữa… Lộc cứ ngồi cứng đơ ngó trân trân cái bóng trắng ghê sợ đó.
Một luồng hơi lạnh thổi ùa tới làm Vinh rùng mình, quay sang Lộc, Vinh định nói gì đó nhưng chưa kịp mở lời Vinh đã nhận thấy vẻ khác lạ của Lộc. Cũng vừa lúc đó, Vinh nhận ra cái bóng trắng kia.
- Mẹ! Có phải là mẹ không?
Vinh đứng phắt dậy gọi to. Vinh vốn là một thanh niên kien cường, Lộc và Vinh sống với nhau từ bé nhưng chưa bao giờ Lộc thấy Vinh sợ hãi điều gì. Huống hồ chi lúc này, tình mẫu tử đang trỗi dậy mãnh liệt trong lòng Vinh, thì dù biết bóng trắng kia là ma đi nữa Vinh cũng đâu có sợ. Vinh đang rất cần gặp mẹ, dù là hồn ma hiện về, dù là báo mộng, để biết rõ cái chết của mẹ là do tai nạn không mong muốn hay do có người mưu sát như dư luận đang đồn đãi mấy hôm nay.
Vinh vừa gọi vừa chạy ào tới, nhưng cái bóng trắng mới đó đã thoắt biến mất, để Vinh ngơ ngẩn với vòng tay giang rộng của mình…
Lúc này Lộc đã bớt sợ nhưng vẫn còn run lẩy bẩy. Vinh quay lại ngồi cạnh bên Lộc, vỗ vai bạn mấy cái để động viên.
Hướng mắt nhìn về nơi xa xăm, Vinh quỳ xuống khấn nguyện:
- Mẹ ơi, con bất hiếu đã bỏ mẹ mà đi suốt bao nhiêu năm qua, để mẹ một mình hứng chịu những bất công, khổ ải… Vậy mà lâu nay con cứ ngỡ mẹ sống trong hạnh phúc riêng tư, mẹ say sưa với hạnh phúc đó mà không cần tới đứa con trai này nữa… Con có ngờ đâu, cuộc đời mẹ lại lắm nỗi truân chuyên đến thế… Mẹ ơi, mẹ tha lỗi cho con nghe mẹ! Con tin rằng vong hồn mẹ linh thiêng lắm, vì chiều nay chính mẹ đã khiến xui con tìm về nơi đó để biết rõ sự tình. Mẹ ơi… mẹ hãy về nói cho con biết, ai đã hại mẹ, con thề sẽ trả thù cho mẹ, mẹ ơi…
Những tiếng sau cùng Vinh nói trong tiếng nấc nghẹn ngào không kìm chế được!
- Về thôi, Lộc!
Vinh đột ngột đứng lên, kéo tay bạn và buông ra ba tiếng ngắn gọn.
Lộc líu ríu vừa đi vừa chạy theo Vinh như một đứa bé.
Trời đã quá tối nên không còn xe buýt nữa, Vinh và Lộc đành phải lội bộ về nhà. Suốt trên quãng đường về, cả hai không ai nói với ai lời nào, cũng không ai nhớ chiều này mình chưa kịp ăn cơm để ghé vào ven đường mua chút gì đó đỡ dạ.
Nỗi buồn đau, lo lắng đã đè bẹp tất cả những cảm giác khác trong Vinh và Lộc.
Về tới nhà trọ, cả hai không ai buồn tắm rửa gì hết mà cứ để vậy rồi lăn quay ra đất.
Lộc vừa thương bạn, vừa lo sợ nên cũng thao thức mãi, cho tới lúc nghe văng vẳng tiếng rao “bánh giò bánh chưng đê…” vọng vô từ đầu hẻm, Lộc biết đã nửa đêm rồi. Anh cố nhắm mắt dỗ giấc ngủ, và Lộc ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Còn lại một mình, Vinh nằm im, mắt mở trừng trừng nhìn lên nóc nhà, trong đầu trống rỗng không có một ý nghĩ nào xâm chiếm, cả những cảm giác buồn vui cũng hình như không tồn tại trong anh trong giờ phút này.
Vinh thấy mình cứ lơ lửng, lơ lửng…
- Con ơi con… mẹ khổ lắm con ơi… mẹ chết thật oan ức… con ơi…
Vinh bật người ngồi dậy khi nghe có tiếng rên rỉ nho nhỏ ngoài cửa.
Vừa run rẩy mở cửa, Vinh vừa hỏi:
- Mẹ! Có phải mẹ về tìm con không hở mẹ?
Không một tiếng trả lời.
Khi cánh cửa đã mở toang ra, chỉ có một làn hơi lạnh buốt xộc vào khiến Vinh phải rùng mình, trước cửa hoàn toàn vắng lặng, không một bóng người!
Vinh thẩn thờ đứng đo một lúc rồi khép cửa quay vào nằm xuống cố nhắm mắt lại để ngủ. Giữa lúc mơ màng, Vinh lại nghe tiếng rên rỉ giống y như lúc nãy:
- Con ơi con… mẹ khổ lắm con ơi… mẹ chết thật oan ức… con ơi…
Nhưng lần này thì Vinh không ngồi dậy nổi, dường như có một thêù lực nào đó đè Vinh xuống không cho anh ngóc đầu lên, cũng không cho anh mở được mắt.
Bất lực, Vinh nằm im và thật lạ lùng, mặc dù mắt vẫn nhắm nghiền nhưng Vinh lại thấy rõ ràng một bóng trắng vừa lách mình vào cửa và tiến đến ngồi xuống cạnh bên anh.
Một bàn tay lạnh giá vuốt ve khắp gương mặt rồi lần xuống nắn nắn dọc theo cánh tay Vinh. Vinh biết chắc người đó là mẹ mình rồi, Vinh muốn kêu lên, muốn ôm choàng lấy mẹ nhưng lúc này đây Vinh không sao cựa quậy được.
Người đàn bà vuốt ve, sờ nắn Vinh một lúc rồi ngước mặt lên, đưa tay vén mớ tóc rối bù nãy giờ luôn che kín mặt qua một bên. Vinh bàng hoàng nhưng không thể thốt lên lời kinh hãi.
Gương mặt dịu dàng xinh đẹp của mẹ trước kia đã biến mất, giờ đây, trước mắt Vinh là một khuôn mặt cháy đen, trương phồng và nứt nẻ. Từ trong những vết nứt ấy một dòng nước ri rỉ chảy ra. Hai tròng mắt của người đàn bà lồi hẳn ra bên ngoài, treo tòng teng bằng một sợi dây thần kinh còn sót lại.
- Con ơi con… mẹ khổ lắm con ơi… mẹ chết thật oan ức… con ơi…
Vinh không thấy đôi môi người đàn bà mấp máy, nhưng lời rên rỉ kia vẫn vang lên thê thiết.
Mắt Vinh nặng trĩu, nặng trĩu… và rồi Vinh không biết gì nữa cảơSasng hôm sau, lúc vinh thức dậy thì đã thấy Lộc chạy đi mua về mấy ổ bánh mì với một hộp sữa bò. Đó là món ăn sáng khoái khẩu nhất của cả hai đứa.
Thấy Vinh thức, Lộc giục:
- Mau dậy rửa mặt rồi vô ăn nè! Chiều qua mầy có ăn gì đâu, không khéo ngã bệnh thì khổ! Ráng mà ăn, ăn vô mới có sức mà suy nghĩ chứ mậy!
Hôm nay Lộc nói chuyện với giọng điệu như một ông già, nhưng Vinh cũng không còn hơi sức đâu mà trêu chọc bạn.
Vinh ngồi lên, lảo đảo đi xuống bếp rửa mặt đánh răng.
Mỗi đứa ráng trệu trạo nhai một lúc mới hết được một ổ bánh mì. Lộc giục:
- Kìa, mầy ăn thêm đi!
Vinh lắc đầu, ngã người nằm lăn ra đất:
- Mầy ăn đi, tao không nuốt nổi nữa rồi!
Lộc cũng không ăn nổi. Dọn dẹp các thứ xong xuối, Lộc đến bên Vinh ngồi bó gối, nhìn chằm chằm vào bạn:
- Bây giờ mầy tính sao, Vinh?
Vinh nhắm mắt, thở khì ra một cái:
- Tao cũng đang rối bời, không biết phải tính sao! Chắc chút nữa tao phải lên đồn cảnh sát để cho họ biết tao là con của mẹ tao…
- Mầy có giấy tờ sao?
Lộc nhắc.
Vinh giật mình:
- Ừ, tao quên mất! Giấy tờ làm gì có! Tao bỏ nhà ra đi từ lúc tám tuổi, đi với hai bàn tay không, có đem theo gì đâu? Mà nay đã hơn mười năm rồi, nếu hồi đó có đem theo giờ cũng mất cha nó hết rồi chứ còn gì được mà còn…
- Nếu mầy không chứng minh được mầy là con của mẹ mầy, mà cảnh sát cũng không chứng minh được ông cha dượng của mầy có tội, thì toàn bộ gia sản mà ba ruột mầy để lại sẽ nghiễm nhiên lọt vô tay ông ta hết sao?
Lộc lo lắng.
Vinh ngồi bật dậy, nghiến răng trèo trẹo:
- Tao căm thù ổng! Tao cũng căm thù luôn ba ruột của tao. Tao không cần ổng chia chác gì cho tao hết, nếu ổng đừng bày ra cái trò hối hận ăn năn đó thì có lẽ mẹ tao không bị chết thảm như vậy…
Lộc thăm dò:
- Vậy là mầy cũng tin mẹ mầy chết do có người giết hại chứ không phải chỉ là tai nạn thông thường?
Vinh không trả lời mà quay sang nắm chặt hai vai Lộc, hỏi dồn:
- Lộc, mầy tin có ma không? Mầy tin có chuyện người chết trở về kêu oan không?
Lộc rùng mình, gật đầu:
- Tao tin… và… chẳng phải đúng là tối qua chính tao với mầy đã nhìn thấy ma rồi sao?
Vinh buông vai Lộc ra, thẩn thờ, nói lẩm nhẩm:
- Vậy là đúng rồi! Vậy là không phải tao nằm mơ…
- Mầy nói vậy là sao?
Lộc tò mò.
Vinh kể:
- Tối qua tao thấy mẹ tao về, nói rằng bà chết oan ức…
- Thật sao? Mẹ mầy về tận đây à?
Lộc sợ hãi.
Vinh gật:
- Ừ, lúc tao chưa ngủ thì nghe tiếng mẹ tao ngoài cửa, tao mừng quá chạy ra lại chẳng có ai… một lát sau tao ngủ, mà không, tao chỉ nằm đó nhắm mắt chứ chưa ngủ, vẫn còn tỉnh táo lắm, tao thấy mẹ tao về vuốt mặt tao, rờ rẫm tay chân tao, rồi mẹ lại khóc nói rằng mình chết oan…
- Sao mầy không hỏi ai đã giết mẹ mầy, giết bằng cách nào?
Lộc nóng nảy xen vào.
Vinh lắc đầu:
- Lúc đó tao không thể mở mắt được, không thể nhúc nhích được, cũng không nói được lên lời thì làm sao hỏi mẹ tao được chứ? Nhưng tao tin, mẹ tao đã hiện về nói với tao như vậy thế nào mẹ cũng nói rõ với tao thôi. Hôm nay tao sẽ lên mộ mẹ để cầu nguyện tiếp…
- Tao đi với mầy!
Lộc sốt sắng.
Vinh từ chối:
- Không, mầy phải đi làm chứ! Cả hai thằng nghỉ hết chắc chết đói quá! Vả lại tao muốn nói chuyện riêng với mẹ tao, tao sợ có mầy mẹ tao không hiện lên được…
- Ừ, mầy tính cũng phải! Vậy tao đi làm, nhưng mầy nhớ cẩn thận nhe, bất cứ trường hợp nào cũng không được nóng vội đâu đó!
Lộc dặn dò.
- Ừ, tao biết rồi mà… Mầy thịêt là…

***

Suốt mấy nghày liên tiếp, ngày nào Vinh cũng lên nghĩa trang thăm mộ mẹ và ngồi lại đó rất lâu. Hai ngày đầy thì Vinh nghỉ làm lên ngồi suốt ngày trên đó đến tối mịt mới về. Nhưng mấy ngày sau Vinh đi làm trở lại, và cứ chiều về là Vinh lại lên nghĩa địa. Suốt mấy ngày ròng rã như thế, Vinh đã khẩn cầu biết bao nhiêu nhưng hoàn toàn không có chuyện gì xảy ra nữa, cả ban đêm khi ngủ Vinh cũng không chiêm bao thấy gì nữa hết.
Cùng với việc khẩn cầu mẹ về báo mộng cho mình biết về nguyên nhân cái chết, Vinh và Lộc còn bỏ thời gian để đi tìm hiểu về tăm tích của ông Đời, chồng sau của mẹ Vinh. Cho đến lúc này, cảnh sát vẫn không tìm được chút manh mối nào có thể lấy làm chứng cứ phạm tội của ông Đời, nên ông ta vẫn cứ ung dung ngoài vòng pháp luật. Ngôi nhà cũ bị cháy rụi, ông bảo không có tiền để cất lại nên cứ bỏ đó, còn bản thân thì lang bạt đi đâu không ai rõ, thỉnh thoảng vài ngày đáo về một lần rồi lại đi tiếp.
Sau nhiều ngày vất vả thăm dò, Vinh và Lộc biết ông Đời đang trú ngụ trong một cái chòi hoang ở một xã ngoại thành. Biết là để biết vậy thôi, chứ cả Vinh và Lộc chưa tính được sẽ đối phó với ông ấy bằng cách nào nữa.
Một đêm Lộc vắng nhà vì có chuyến hàng cần phải bốc xếp gấp trong đêm. Còn lại một mình, Vinh buồn bã tính ngủ sớm, những nằm mãi vẫn không sao chợp mắt được. Bỗng đâu có một luồng hơi lạnh ngắt phả vào sau gáy, mấy tờ giấy báo có hình diễn viên xinh đẹp dán trên tường bay lên phần phật như có gió mạnh lùa vào, nhưng thực tế tất cả các cánh cửa đều đã được Vinh đóng kín, và ngoài trời cũng đang lặng yên, không có cả một cơn gió nhẹ.
Ngạc nhiên, Vinh ngồi bật dậy đưa mắt ngó quanh quất khắp nơi, một bóng người áo trắng thấp thoáng phía sau lưng chiếc tủ vải.
- Mẹ! Phải mẹ không?
Vinh la lớn. Anh muốn nhổm ngay dậy để chạy tới ôm chầm lấy mẹ, không cho bà biến đi mất. Nhưng cũng như lần trước, lần này tay chân Vinh cũng không cử động được, chỉ khá hơn một chút là miệng còn có thể nói ra tiếng.
- Mẹ ơi… mẹ đừng bỏ đi vội vã nữa! Mẹ kể cho biết rõ ngọn nguồn đi, con thề sẽ trả thù cho mẹ!
- Ha ha ha…
Một tràng cười sắc lạnh buông ra và mau chóng tràng cười đó chuyển thành những âm thanh ai oán.
- Con trả thù cho mẹ ư? Không được… không được…
Bóng trắng vẫn không chịu đứng im một chỗ mà cứ lướt qua lướt lại trước mặt Vinh.
- Sao lại không hả mẹ? Con sẽ giết ông ta, nếu thật sự ông ta giết mẹ!
Vinh hét lên.
Bóng trắng bay đến bên Vinh, đưa cánh tay áo rộng thùng thình ra chạm vào vai Vinh, và bàn đó từ từ lướt xuống cánh tay Vinh một cách trìu mến.
Vinh nhìn thấy rõ ràng, từ bên trong ống tay áo lòi ra một cánh tay cháy đen, có chỗ không còn chút thịt da nào mà chỉ còn là một ống xương nham nhở chỗ đen chỗ trắng. Các ngón tay cũng vậy, có chỗ thịt bị chảy ra nhão nhoét.
Vinh rùng mình ớn lạnh, nhưng ngay lập tức, anh gạt phăng cái ý nghĩ sợ hãi trong mình bằng lời động viên:
- Người này là mẹ mình, người mẹ mà mình thiết tha gặp lại, dù bất kỳ dưới hình dạng nào, mẹ vẫn là mẹ của mình…
Nỗi sợ hãi còn có thể được đẩy lùi bằng tình mẫu tử thiêng liêng, nhưng niềm đau xót vô bờ thì càng thêm trỗi dậy. Vinh biết, mẹ đã phải trãi qua đau đớn đến mức nào khi phải chết cháy trong lửa đỏ…
Như thấu hiểu được lòng Vinh, bóng trắng dịu dàng nói:
- Con đừng quá đau lòng, mẹ không đến nỗi như con tưởng đâu… Bởi vì… bởi vì mẹ đã chết trước khi thân xác mẹ bị ngọn lửa hủy hoại…
- Mẹ nói vậy là sao? Là thật sự mẹ đã bị giết hại, vụ cháy nhà chỉ là một kịch bản của hắn ta?
Vinh nóng nảy.
Bóng trắng gật đầu, hai tròng mắt lại đung đưa hai bên cánh mũi.
- Con thề sẽ trả thù cho mẹ! Con sẽ giết ông ta!
Một lần nữa Vinh lại hét to lên.
Bàn tay lạnh giá của người mẹ vỗ về trên lưng Vinh:
- Không được! Con không được hồ đồ! Tất cả những chuyện ân oán này con hãy để mẹ xử lý, con không được nhúng tay vào. Bởi vì mẹ không muốn quãng đời còn lại của con phải chịu cảnh tù dày tăm tối… Mẹ đã có lỗi nhiều với con, mẹ không muốn con vì mẹ mà hủy bỏ cả tương lai của mình… con hãy để việc đó cho mẹ, tự mẹ sẽ trả thù…
Vinh đau đớn kêu lên:
- Mẹ ơi… Con phải làm gì đây?
- Việc cần làm của con hiện nay là đi về ngôi chùa nhỏ ở gần ngôi nhà trước kia gia đình mình đã sống, tìm gặp vị sư trụ trì ở đó và giới thiệu về bản thân mình, sư sẽ giúp con. Toàn bộ giấy tờ liên quan đến con, mẹ đã gởi hết cho sư cất giữ… con sẽ tìm lại được tư cách pháp nhân của mình, con không phải là một đứa trẻ vô thừa nhận… Nhưng con ạ, khi đã có đủ giấy tờ trong tay, con đừng vội đến trình với nhà chức trách, mà hãy để yên đó, chờ khi nào người đàn ông đó chết, khi ấy con hãy trình xuất giấy tờ ra để được hưởng những gì thuộc về con…
Giọng người đàn bà dịu dàng.
Vinh bật khóc:
- Không, mẹ ơi! Con không cần… con không cần bất cứ điều gì cả! Con chỉ cần có mẹ mà thôi…
Bàn tay trên vai Vinh rụt lại, bóng trắng thoắt cái đã rời ra xa, chỉ còn là một vệt sáng lung linh, mờ ảo trước mắt Vinh.
- Muộn rồi con ơi… Không thể được… điều đó là không thể…
Rồi thì cái vệt sáng đó cũng tan biến hẳn, chỉ còn văng vẳng lại bên tai Vinh lời dặn dò:
- Hãy nhớ kỹ những điều mẹ dặn, con không được hồ đồ! Rồi con xem, mẹ sẽ trả thù, chính mẹ sẽ làm được điều đó…
Những tờ giấy dán trên tường thôi không còn bay phần phật nữa, tay chân Vinh cũng đã cử động lại được rồi. Vinh biết mẹ đã đi!

***
Gã đàn ông ngã nghiêng tiến dần vô trong vườn chuối. Vừa đi ông vừa lầm bầm chửi rủa:
- Con mẹ nó! Mới mua thiếu có mấy xị rượu đã làm mặt khó ưa… Đừng có tưởng ông đây nghèo nhá! Hơ hơ hơ… rồi thì cả bọn chúng mày sẽ có ngày lé mắt với ông… Mấy xị rượu thì có nhằm nhò con mẹ gì đâu mà làm phách! Hơ hơ hơ…
Chân nam đá chân chiêu, xiêu vẹo mãi rồi gã cũng lần mò về được với cái ổ của mình.
ĐoÙ là một căn chòi nhỏ, có lẽ được dựng lên để người ta ngủ canh ao cá và vườn chuối này trong những thời điểm sắp thu hoạch. Nhưng không biết vì lý do gì, ao cá lâu ngày không ai nạo vét, nước đã vàng quạch đi, coi bộ không có cá tôm gì sống được bên dưới, còn vườn chuối thì cũng xác xơ, chỉ có loe hoe vài buồng còi cọc.
Ngay cả đến bản thân gã, gã cũng không rõ chủ nhân căn chòi này là ai nữa. Cứ thấy bỏ trống thì nhào vô ở tạm thế thôi, mai mốt có ai đuổi thì đi ra, sợ gì! Chừng đó tớ sẽ xây nhà lầu nhá, đừng có mà tưởng bở… Gã vẫn thường lảm nhảm câu đó trong mịêng…
Chỗ ngủ của gã không có giường chõng gì cả, chỉ là một đống lá chuối khô được gã vơ từ ngoài vườn vào, vừa làm giường, vừa chiếu lại vừa làm luôn mền gối cho gã những đêm trời trở gió.
Có đôi lúc gã hối hận. Từ ngày vợ gã chết đi, cuộc sống của gã trở nên bấp bênh, vất vưởng. Hồi bà ấy còn sống thì gã giống như một ông vua, cả ngày không phải làm gì ngoài rong chơi và nhậu nhẹt, lúc ngứa tay còn có đứa để mà nện, ngứa miệng cũng có đứa để mắng chửi thỏa thuê. Chẳng bù cho bây giờ, tiền không có để mua rượu, ra đường người ta coi như con chó ghẻ, tức, buồn chỉ biết chửi đổng và đấm thùm thụp vào thân mấy cây chuối ngoài hè cho hả giận…
Cái giống đàn bà coi vậy mà… nhẹ dạ phải biết. Gã gặp bà ấy trong một sự tình cờ. Hôm đó thằng con trai nhỏ của bà ấy bị sốt xuất huyết nặng cần phải tiếp máu nhưng bà ấy lại không có tiền. Đi vơ vẩn ngoài đường, vừa đi vừa khóc, gã tò mò chận lại hỏi nguồn cơn và khi được biết việc đó thì máu anh hùng trong gã nổi dậy. Gã hăng hái lôi tay người đàn bà trở vào bệnh viện, lớn tiếng:
- Thử máu đi, nếu hợp thì tui cho thằng nhỏ, lấy bao nhiêu cũng được!
Người đàn bà tròn mắt đứng nhìn gã tiến hành các thủ tục thử máu. Kết quả thật như ý, nhóm máu của gã lại hoàn toàn phù hợp với nhóm máu của thằng bé, thế là gã cho, không tiếc.
Vì lượng máu lấy ra hơi nhiều, nên mặc dù hắn to con mạnh khỏe nhưng cũng phải bị choáng váng, chưa thể ngồi dậy ngay được.
Người đàn bà mừng quýnh quáng vì đứa con được cứu sống, vừa lo săn sóc con, vừa chăm nom lo lắng cho gã.
Và đến hôm đứa nhỏ xuất viện thì bà ta bế nó về ở hẳn với gã để trả ơn.
Gã thừa biết, trong lòng người đàn bà đó không hề có tình yêu dành cho gã, mà chỉ là làm tròn bổn phận, nghĩa vụ để đáp lại cái ơn mà gã đã ban ra. Chính vì đìeu đó nên gã hận, gã ghen hờn, ghen cả với đứa bé, người luôn được người đàn bà thương yêu hết mực.
Lòng ghen tuông ích kỷ đã giết chết tình yêu mà trước đó gã dành cho người đàn bà. Gã nghĩ, đã không yêu gã thì gã sẽ hành hạ lại cho biết tay.
Thằng bé tám tuổi đã không chịu được những nghiệt ngã mà gã giáng xuống nó, một buổi tối nó lén bỏ nhà ra đi và không một lần quay trở lại. Vợ gã đã đi tìm khắp nơi, suốt mấy năm trời ròng rã vẫn không có tin tức gì.
Giờ thì mọi nỗi oán hận, đắng cay gã chỉ biết giáng xuống đầu người phụ nữ cam chịu đó.
Thật ra thì cũng có lúc gã hối hận, gã muốn ôm choàng lấy vợ để nói lời xin lỗi, để bảo rằng chúng ta nên làm lại từ đầu. Nhưng khi nhìn vào ánh mắt vô hồn, xa vắng của vợ, gã lại nổi điên lên, mọi ý nghĩ hòa bình lập tức tan biến hết.
Gã vét tiền của vợ để ăn nhậu, và hy vọng một cuộc đổi đời bằng những canh bạc thâu đêm, bằng những tờ vé số… Nhưng đã bỏ ra bao nhiêu tiền mà mơ ước của gã vẫn còn ở tận xa xăm. Vậy mà vợ gã lại được đổi đời mới tức chớ!
Đùng một cái, vợ gã được một phần gia sản kếch sù, vậy mà không chia sớt chút nào cho gã. Bà ấy viện lý do, đó là phần của thằng con trai, bà ấy chỉ là người quản lý giúp, không có quyền xài động vào số tài sản đó. Có ức không chứ, có điên lên được không chứ!
Gã đã phải xuống nước năn nỉ ỉ ôi, đã dùng quyền lực làm chồng để quát nạt, đã nhắc lại cái ơn sâu của ngày trước… nhưng dù làm cách nào cũng không lay chuyển được bà ấy.
- Cái ơn nghĩa của ông thì tui không quên, vì lẽ đó tui mới cam tâm tình nguyện làm trâu làm ngựa cho ông suốt bao nhiêu năm qua…
Bà ấy nói thế và nhất định không đụng chạm gì tới số của cải kia.
Gã thì khác, gã không chịu nổi khi lúc nào cái ý nghĩ vợ mình đang nắm trong tay một tài sản lớn, vì nghĩ vậy nên gã càng hăng hái nhào vô sòng bạc. Việc vợ hắn nhận được của từ ông chồng trước cũng đã lan đi khắp nơi nên bọn cho vay rất sẵn lòng mở hầu bao ra với gã.
Đến lúc nợ nần chồng chất, mà vợ gã vẫn làm ngơ không chịu xì ra thì gã điên lên:
- Mầy có cho tao mượn không thì bảo? Tao chỉ mượn tạm thôi, tao thèm gì thứ đó, nhưng mầy cũng biết tao đang lâm vào thế kẹt, nếu không có tiền trả thì tụi xã hội đen sẽ thịt tao mất! Mầy phải cứu tao, mầy phải cho tao mượn…
- Tui đã cứu ông rất nhiều lần rồi, nhưng lần nầy số nợ đó quá sức tui, tui không còn cách nào khác, ông tự đi mà lo lấy!
Bà ấy lạnh nhạt thế thì bảo sao gã không sôi máu.
Gã tiến tới gầm ghè:
- Mầy nói sao? Tự tao lo à? Sao ngày trước mầy không tự lo để cứu lấy con mầy?
Người đàn bà khóc nấc lên:
- Thì tui đã đền cho ông bằng cả đời sống của tui rồi, ông còn muốn gì nữa?
- Giỏi! Mầy giỏi lắm! Thì đây, tao cho mầy biết tao còn muốn gì…
Vừa nói gã vừa sấn vào giơ hai tay bóp lấy cổ họng vợ. Vợ hắn quẫy đạp, cào cấu tứ tung, nhưng sức vóc gầy ốm của người đàn bà đó làm sao chống chọi lại tấm thân lực lưỡng như đô vật của gã.
Thấy vợ vùng vẫy chừng nào hắn càng khoái trá chừng ấy. Hai bàn tay hắn giống như chiếc gọng kiềm mỗi lúc một siết chặt hơn:
- Tao muốn nè! Tao muốn nè!...
Những cái quẫy đạp của vợ hắn yếu dần, rồi cả người vợ hắn lả ra hắn vẫn chưa hả dạ. Tất cả những hờn ghen, uất ức, điên cuồng trong lòng gã chừng như dồn hết ra đôi bàn tay hộ pháp, gã siết cổ vợ bằng toàn bộ sức lực của mình. Mồ hôi hắn túa ra ướt đẫm cả tấm lưng trần trùng trục, hơi thở hắn hồng hộc…
Khi hắn buông tay ra thì vợ gã chỉ còn là một cái xác không hồn…
Gã hoảng sợ, nhưng nhanh chóng trong đầu gã lại lóe lên một tia hy vọng rằng khi vợ gã chết đi, thì toàn bộ số của cải kia sẽ thuộc về hắn. Bởi vì thằng bé đo đã từ lâu không tin tức gì nữa, cũng không biết nó còn sống hay đã chết, mà giả dụ nó còn sống đi nữa thì nó cũng không chứng minh được gì đâu…
- Ha ha ha… Bà đừng trách tui nghe, tất cả là do bà cố chấp…
Gã vừa cười điên loạn vừa lôi cái xác mềm oặt của vợ giấu vào dưới cái đống hỗn tạp ở gầm giường.
Rồi gã ung dung bày ra một xị rượu với mấy con khô mà vợ gã nướng sẵn dành cho bữa cơm trưa. Gã gọi thêm vài người bạn vô ngồi lai rai, xong lại kéo nhau đi tới tối mịt mới về, khi gã về thì nhà gã đã ra tro!
Không ai biết, không ai ngờ rằng gã đã lẻn về nhà, lôi xác vợ ra để cạnh bếp rồi tự tay đốt nhà, tạo nên một tai nạn.
Gã tự khen mình đã qua mắt được cảnh sát, vì rất nhiều người làm chứng là gã luôn luôn có mặt bên cạnh họ suốt ngày hôm ấy.
Trong những lúc rảnh rỗi lê la quán xá, gã đã xem qua nhiều bộ phim Hồng Kông về điều tra vụ án, nên việc ngụy tạo hiện trường này đối với gã cũng đâu có khó khăn gì.
Chỉ duy nhất có một điều gã không nghĩ tới, hoặc do trình độ của gã có nghĩ cũng chưa tới được. Đó là, gã cứ tưởng khi vợ gã chết đi thì nghiễm nhiên gã sẽ là người thừa hưởng toàn bộ tài sản chung và riêng của vợ.
Thế nhưng khi bà ấy chết đi, cảnh sát không ngừng điều tra gã, làm gã mấy phen lo sợ, và tài sản của vợ gã cũng đã bị phong tỏa chờ kết luận điều tra, chờ nhiều thứ khác nữa…
Vì lẽ đó, từ hôm vợ chết đến giờ gã phải sống lang thang đói khổ vô cùng!
Vùi mình dưới đống lá chuối, gã vẫn không ngừng lảm nhảm:
- Các người đừng tưởng bở… Thằng này rồi sẽ phất lên… sẽ phất lên… đừng tưởng bở…
Bỗng đâu một cơn gió lạnh buốt thổi thốc vào khiến gã run lập cập. Gã gắng gượng ngồi dậy vì tưởng mình quên đóng cửa ra vào. Nhưng lạ kìa, cửa liếp đã đóng kín, ngoài vườn chuối cũng đâu có tiếng xào xạc của gió, sao lại có gió mạnh thổi xộc vào đây?
- Mẹ kiếp!
Gã buông ra một tiếng chửi đổng rồi lại nằm trở xuống, đầu óc choáng váng, còn cái bụng thì đang réo sùng sục vì từ sáng tới giờ gã chưa bỏ vào đó hột cơm nào, chỉ có rượu và rượu mà thôi!
Lại một cơn gió nữa, nhưng lần này hình như gió từ… dưới đất thổi lên! Đám lá chuối mà gã đang nằm như muốn tung hết lên nóc chòi, khiến gã đang lất ngất say cũng phải choàng tỉnh.
- Chuyện gì thế này?
Gã lẩm bẩm và thấy lòng hồi hộp lạ.
- Trả mạng lại cho tôi!... Trả mạng lại cho tôi…
Tiếng rên rỉ như từ địa ngục vọng lên làm gã dựng đứng cả đầu tóc. Giờ đây gã hoàn toàn tỉnh táo, hơi rượu đã theo cái sợ hãi kinh hoàng mà thoát hết cả ngoài rồi.
Gã run run lên tiếng:
- Ai? Ai đó? Đêm hôm khuya khoắt đừng có giả ma giả quỷ mà nhát người ta nghe, tao mà bắt được là tao bẻ lọi cổ!
- Ha ha ha…
Một tràng cười lạnh như nước đá vang lên.
Gã thụt lùi vào góc nhà, nhưng khi tấm lưng trần của gã vừa chạm vào vách, gã muốn nhảy dựng lên bởi có một cái gì đó lạnh lẽo, nhớp nhúa dính vào lưng gã.
Theo phản xạ tự nhiên, gã quờ tay ra sau để phủi cái vật dính ở lưng mình, không ngờ vật đó lại dính chặt vào tay gã không rời. Gã thu tay về và đưa ra trước mắt để xem vật đó là gì. Qua ánh sáng mờ mờ, gã thấy đó là hai tròng mắt còn lòng thòng những sợi gân đang rỏ máu. Hai tròng mắt tròn to như đang nhìn gã một cách hằn học.
Kinh hãi, gã vung tay liên tiếp nhưng nó vẫn cứ bám chặt, không rơi xuống, gã cuống cuồng chà tay xuống đất, chà mạnh đến nỗi gã có cảm giác bàn tay mình đã bật máu.
- Ha ha ha…! Ha ha ha…
Tiếng cười rùng rợn đó vẫn cứ xoáy thẳng vào gã, gã dùng hết sức lực để chà tay xuống đất. Một lúc sau gã thu tay về, bà tay gã nhòe nhoẹt những máu thịt, và cuối cùng hao tròng mắt kinh tởm kia cũng đã chịu rơi ra.
Gã ôm khư khư bàn tay bị thương trước ngực, chống bàn tay lành lặn còn lại xuống đất để cố lết người ra cửa. Bỗng nhiên tay gã chạm phải một vật cứng cứng, tròn tròn giống như một khúc cây. Mừng rỡ, gã vớ lấy khúc cây để tự bảo vệ, vì dẫu sao trong tay có chút vũ khí vẫn thấy tự tin hơn.
Nhưng… cái gì thế này? Trong tay gã không phải là một khúc cây như gã tưởng, mà là một cánh tay người! Một cánh tay bị cháy đen, khô khốc, đôi chỗ thịt da đã chảy hết cả ra, còn lại một màu xương xám ngắt.
- Á… Á…… Á...
Gã thét lên và ngã vật ra bất tỉnh.

***

Những tia nắng gay gắt xuyên qua cửa liếp chiếu thẳng vào mắt gã đã giúp gã tỉnh lại sau cơn mê loạn. Gã nhướng mắt ra và cố nhớ lại toàn bộ những việc hãi hùng đã xảy ra với gã hồi đêm.
Bên ngoài mặt trời đã lên cao, xa xa có tiếng nói cười ríu rít của một đám trẻ con. Trong căn chòi nhỏ mọi thứ vẫn y nguyên, có khác chăng là đống lá chuối nơi gã nằm có phần hơi lộn xộn hơn thường ngày.
Bụng quặn đau, bao tử co thắt lại đẩy cái thứ nước chua loét trào lên miệng làm gã buồn nôn. Gã lết lại góc nhà, vội vã bẻ mấy trái chuối từ trong quày chuối gã cắt vô hôm trước, nay chỉ mới vừa hườm hườm chứ chưa kịp chín.
Mặc kệ! Đang đói thế này hơi đâu mà kén chọn, dù là chuối xanh chát ngắt đi nữa gã cũng làm láng luôn chứ đừng nói chi đến chuối đã ửng vàng.
Nhai nuối ngấu nghiến chưa hết trái chuối, bất giác hình ảnh hai tròng mắt lớp nhớp máu thịt hiện ra trong mắt gã, bụng gã trợn trạo khó chịu, gã lết nhanh ra cửa chòi, cúi người nôn thốc nôn tháo…
Khi không còn gì để nôn nữa, gã nằm vật ra ngay lối cửa ra vào, không còn đủ sức để lết trở lại cái ổ lá chuối của mình nữa. Gã nằm nhắm mắt, thở hồng hồng, mệt đến đừ đẫn cả người.
- Mẹ kiếp!
Gã cố buông ra tiếng chửi, hy vọng sẽ vực dậy được cái sức lực đang rã rời trong thân thể gã. Nhưng tay chân gã vẫn bải hoải, và chính lúc này gã nhớ lại thật rõ ràng, thật chi tiết những điều của tối hôm qua.
Gã cố nhấc bàn tay mình lên, rõ ràng bàn tay bị xà xát đến rách da rách thịt. Vậy là điều đó có thật, không phải mình mơ? Gã nghĩ thầm và cố thu hết sức lực, ngồi lên bò về chỗ đống lá chuối, xốc tung nó lên để tìm kiếm cái khúc tay người, tìm kiếm hai con mắt. Gã tìm rất kỹ lưỡng nhưng hai thứ đó hoàn toàn biến mất không để lại dấu vết gì.
- Mình mơ rồi! Mình gặp ác mộng rồi!
Gã thở phào nhẹ nhõm. Có lẽ trong mơ gã đã làm cho tay mình tóe máu, điều đó cũng thường thôi mà, hồi thuở bé, gã cũng đã từng mơ thấy mình đang đêm ngủ mắc tiểu, ngồi dậy mở cửa ra ngoài hè đứng tiểu đàng hoàng, vậy mà đang tiểu ngon trớn gã lại bị ông anh đấm cho một phát vào mông:
- Sao mầy lại tiểu ở đây?
Gã giật mình, thấy mình đang đứng trên bộ ván giữa nhà tiểu xuống đất!
Ba má gã bảo gã là đứa mê tâm. Có lẽ là vậy thật. Lần này có lẽ cũng thế mất rồi.
Gã cảm thấy phấn chấn hẳn lên, một lần nữa lại bẻ thêm mấy trái chuối mà nhồi nhét vào cho cái bao tử đang rỗng không của gã. Aên xong, gã khoan khoái nằm ngửa người ra, lim dim mắt một chút rồi vùng dậy đi ra ngoài.
Hôm nay gã sẽ tạt về thăm lại ngôi nhà cháy của gã và sẽ đánh tiếng kêu bán, ai trả được giá gã sẽ bán quách đi cho rồi, lấy tiền trang trải cho cuộc sống trước mắt, còn về sau này thì gã không cần phải lo, vì số tài sản kia sớm hay muộn gì cũng sẽ về tay gã thôi mà.
Vừa thấy gã ló mặt vô hẻm, mọi người thậm thụt:
- Hổm nay ông có thấy bà Mai về báo mộng không? Bả linh quá trời quá đất, tối nào cũng lảng vảng trong nền nhà, đến mấy thằng trời đánh bán trời không mời thiên lôi cũng phải sợ, không dám đi đêm qua ngõ nhà ông nữa đó!
- Mà nè, lúc bả chết tuy cháy đen nhưng nhìn đâu có khủng khiếp như cái hồn ma. Nghe mấy người trông thấy về kể lại hai mắt bả lòng thòng ra ngoài, cái lưỡi lè ra đen như một cục than…
Mỗi người góp vô một câu làm gã thấy chột dạ, bởi vì những hình ảnh mà họ diễn tả sao lại giống với những gì gã thấy trong giấc mơ đêm qua đến vậy?
Nhưng gã vẫn cố tỏ ra vẻ ngang ngược thường ngày:
- Tui ngày nào cũng vái bả về mà có thấy gì đâu, mấy người đó ăn ở không đặt chuyện tào lao để hù con nít thôi mà…
Nghe gã nói mạnh bạo như vậy, mọi người lấm lét nhìn nhau rồi từ từ tản ra hết, không ai còn hăng hái gì nữa. Gã cười hùng hục trong bụng, đi về chỗ nhà mình.
Đứng trước cửa ngó cái đống tro than ấy một hồi, gã ngao ngán tạt vào nhà hàng xóm cạnh bên. Vì đang là buổi trưa nên những người đàn ông trong xóm đa só đều đã đi làm hết, trong nhà chỉ còn lại đàn bà, trẻ con và những người già yếu.
Thấy gã lững thững đi vào, chị đàn bà nhà bên cạnh có vẻ hoảng sợ, chạy tuốt ra sân để chào hỏi gã như muốn ngăn không cho gã tiến thẳng vào nhà mình.
- Anh mới về! Mấy ngày này anh ở đâu?
Người đàn bà xởi lởi.
Gã ngúc ngoắc cái đầu:
- Tui sống tạm trên kia… tính chờ kiếm tiền cất lại ngôi nhà mà khổ quá… Thím coi có ai cần mua chỉ giùm, tui bán luôn miếng đất đó cho rồi, đi thuê nhà khác ở…
Người đàn bà ngạc nhiên:
- Anh tính bán à? Trời, sao lại đi thuê nhà, bấp bênh lắm… Thôi, gắng đi, từ từ kiếm cây lá bậy bạ che đỡ mà sống qua ngày…
Gã xuống giọng buồn buồn:
- Tui cũng tính vậy nhưng thời gian này có làm gì được đâu, mấy cha cảnh sát cứ nay kêu mai gọi, có để yên cho tui làm lụng kiếm tiền đâu? Thôi, tui nghĩ dứt khoát rồi, bán quách đi, thuê chỗ ở khác, một mình thì ở có bao nhiêu, ở đâu chẳng được…
- Dạ… nếu anh đã tính vậy thì để tui hỏi giùm cho, nếu ai cần mua thì tui sẽ chỉ giúp… Nhưng chỉ sợ chị nhà mới chết chưa được mấy ngày, người ta không dám mua đâu anh ơi…
Chị phụ nữ ngoài miệng thì xởi lởi đẩy đưa như thế, nhưng trong lòng lại thầm nghĩ:
- Xí! Ai còn lạ gì ông nữa! Ông mà làm ăn con mẹ gì, chắc lại nợ nần gì rồi, chị Mai đâu còn mà gánh đỡ cho nữa nên phải kêu bán đất thôi…
Gã gật đầu lia lịa:
- Ừ.. ừ… thím chỉ giúp nhé! Giờ tôi phải lên đồn cảnh sát đây!
Vừa nói gã vừa quay gót trở lui ra ngoài, người đàn bà thở ra một hơi nhẹ nhõm, vội vàng vào nhà đóng sập cửa lại.
Gã lại lang thang qua mấy chỗ quen, hy vọng có một đứa nào đó gọi gã vào nhậu chung, cơn ghiền rượu đã bắt đầu hành hạ gã nhưng gã biết hôm nay thì gã không thể mua chịu thêm một giọt rượu nào nữa rồi!
Nhưng số gã không may, hay tại gã đi mà không coi giờ, giờ này mấy tay bợm nhậu cũng phải lăn lưng ra làm việc mới có được đồng tiền để chiều tối lai rai, ít có ai sung sướng như gã, mọi việc đều do một tay vợ chu tất, bản thân mình chỉ việc cắp chai vô nách đi rong từ sáng đến tối.
Đi đã mỏi cẳng mà không có được kết quả như ý, gã buồn bã lê bước trở về căn chòi cô độc của mình, vừa đẩy cánh cửa liếp, gã ngã vật người ra, thân xác dường như đang rệu rã…
Gã đang lơ mơ ngủ thì có cảm giác nhoi nhói dưới lưng, lười biếng nghiêng người sang bên, vòng tay ra sao kiểm tra xem vật gì nằm dưới đống lá mà đâm vào lưng gã. Bàn tay gã đang mò mẫm chợt khựng lại khi chạm phải một vật lạnh ngắt như nước đá.
Quay phăùt lại, gã vội vã bươi đống lá để xem cho rõ, thì… trời ơi… đó là mấy cọng xương ngón tay đang chỉa thẳng lên trời!
Đúng! Đó là xương của năm ngón tay, có ngón còn dính lại chút thịt đen thui, có ngón chỉ còn lại cọng xương trắng hếu, có ngón còn vướng lại cọng gân…
Gã đớ lưỡi, lết giật lùi ra cửa.
Vừa lúc đó một đám con nít đi ruồng trong vườn chuối để tìm bắn chim, trông thấy thái độ kỳ lạ của gã một đứa chạy tới hỏi:
- Chú ơi, chú bị sao vậy?
Nghe tiếng bọn trẻ gã mừng như chết đi sống lại, những vẫn còn bị nỗi sợ hãi chế ngự. Gã bấu lấy thằng nhỏ, đưa tay chỉ vào nhà ú ớ:
- Dưới… dưới đống… lá… lá chuối…
Vừa nghe gã nói tiếng được tiếng mất, đám trẻ nhao nhao:
- Vậy là rắn rồi!
- Bò cạp cũng hổng chừng!
- Mau, mau vô bắt rắn anh em ơi!!!
Đám con nít ồn ào chen nhau chạy ùa vào trong căn chòi nhỏ. Một thằng lớn nhất trong bọn cẩn thận cầm cái cây xốc từng tàu lá chuối lên, mấy đứa còn lại lăm lăm ná, gậy trong tay như sẵn sàng chiến đấu với bất cứ loại kẻ thù nào.
Sự huyên náo của lũ trẻ đã giúp gã hoàn hồn lại. Gã gượng đứng lên và cũng chui vào chòi, đứng sau lưng bọn trẻ, mắt nhìn lom lom vào đống lá chuối mà thằng nhỏ đang cẩn thận lật lên.
Nhưng dưới đống lá chuối tả tơi đó chỉ có mỗi một nhánh cây khô có năm cành nhỏ chìa ra.
Bọn trẻ thất vọng:
- Vậy chắc con rắn bò ra rồi!
- Rắn bự không chú?
- Nó có cắn chú chưa?
Đám trẻ lao nhao hỏi.
Gã mệt mỏi lắc đầu:
- Ừ… rắn… nó chưa cắn chú! Cám ơn mấy đứa…
Bọn trẻ lại rồng rắn kéo nhau đi sâu vào vườn chuối. Còn lại một mình, gã đứng tần ngần trước cửa chòi, nửa muốn bước vô, nửa lại sợ…
- Mẹ kiếp!
Gã lại buông ra một tiếng chửi và hùng hổ xông vào chòi, gom hết mớ lá chuối ấy đem vứt ra bên hè rồi hăng hái đi ra vườn quơ những tàu lá chuối khô cong dưới nắng.
Bây giờ trong chòi, gã đã lót cho mình một cái ổ mới, tinh tươm hơn và không nằm ở vị trí cũ nữa. Gã muốn thay đổi hết để vứt bỏ tất cả những điều xấu xa, đen đủi ấy ra khỏi đời mình.
Mọi việc xong xuôi, gã xoa tay phấn khởi rồi đóng cửa liếp lại xăm xăm đi vào xóm để kiếm cái gì đó bỏ bụng.
Lần này thì gã gặp may, vừa đi một đỗi đã nghe tiếng kêu văng vẳng:
- Ê! Đời… Đời ơi… vô đây mầy!...
Như trời đang nắng hạn bỗng gặp được cơn mưa rào, gã mừng quýnh, hấp tấp rẽ vào ngõ nhà cạnh đó.
Trước sân nhà, năm ba ông sồn sồn cỡ tuổi gã đang ngồi khề khà bên chai rượu. Có lẽ đây là lần đầu tiên gã sà vào mâm rượu mà mắt lại liếc tìm thức ăn, trước đây gã chỉ cần rượu, mồi là gì cũng được, một trái me, một trái cóc, trái ổi hay con khô nướng đều như nhau, không quan trọng, nhưng hôm nay gã đặc biệt mong mỏi có thứ gì đó để dằn cái bao tử rỗng của gã lại trước cái đã.
May quá, bên cạnh mâm rượu là một rổ khoai lang mới luộc còn nghi ngút khói, mấy đứa con chủ nhà đang xúm xít xung quanh. Gã giả vờ ngồi xuống cạnh rổ khoai, cười giả lả, chào hỏi mọi người qua loa rồi không khách khí gì, quay sang cười với lũ trẻ:
- Cho chú xin một củ nghen, khoai ngon quá!
Vừa nói, gã vừa thò tay nhón một của khoai to đùng mà từ nãy giờ mắt gã đã nhắm kỹ, không kịp lột vỏ, gã cứ thế mà đưa lên miệng nhai nhồm nhoàm.
- Ê, đừng có ăn gian nghen, uống một ly cái đã!
Nột người đàn ông lè nhè.
Gã cười:
- Ừ… uống thì uống!
Thế là gã vừa uống, vừa ăn, loáng cái gã đã ăn liên tiếp năm sáu của khoai lang trước những ánh mắt ngơ ngác của lũ trẻ. Cũng may là rổ khoai còn nhiều nên không có đứa nào ré lên khóc ngất.
Giờ thì bụng gã đã tạm no, cơn thèm rượu cũng đã được thỏa mãn, gã lại thấy yêu đời và hưng phấn.
Mãi đến lúc mặt trời lặn, đám muỗi bu đen quanh người thì đám nhậu mới giải tán. Gã ngật ngưỡng đi về chỗ mình, vừa đi vừa hát ư ử:
“Anh không chết đâu em, người anh hùng mũ đỏ tên Đương… Anh không chết đâu em…”
Gã không thuộc được hết bài, cứ tua đi tua lại duy nhất một câu nhưng ra vẻ đắc chí lắm.
Nhưng khi đã chui vào nằm dưới đống lá chuối khô còn ấm sực hơi nắng ban trưa gã bắt đầu thấy ái ngại. Không biết đêm nay những sự việc kỳ cục đáng sợ đó còn dọa gã nữa không. Gã hồi hộp nên cứ thao thức mãi, đến hơn nửa đêm gã lại chìm vào trong một cơn ác mộng.
Gã thấy mình đứng trong ngôi nhà cũ, vợ gã hì hục nấu gì đó trong bếp. Nghe tiếng bước chân, vợ gã không quay lại mà chỉ nói:
- Ông vô bưng nồi này xuống giùm tui, tui vừa luôc cho ông con gà để nhậu nè!
Gã thích chí, xăng xái đi vào bếp, cúi người xuống để nhấc cái nồi đang còn nằm trên bép lửa. Bất thần gã nhìn thấy gương mặt của vợ gã: cháy đen, da thịt chảy rửa, hai tròng mắt phọt ra khỏi hố mắt, treo lủng lẳng như quả lắc của chiếc đồng hồ cổ mà gã thường thấy trong ngôi nhà ở đầu hẻm.
- Á… Á… Á…
Gã rụng rời tay chân, buông rơi nồi nước sôi đang bưng trên tay, nước đổ xối xả từ trên gối xuống hai bàn chân gã, chân gã lập tức sưng vều lên, da căng cứng như bị bơm, dưới lớp da ứ đầy những nước!
- Ha ha ha…
Vợ gã ngửa mặt lên cười lớn. Gã sợ quá té ngồi xuống đất.
Bất ngờ, vợ gã rút mấy thanh củi đang cháy rần rần trong bếp ra ghí sát vào gã, hơi lửa nóng hừng hực làm gã sặc sụa nhưng gã không đủ sức để chạy thoát vì hai cẳng chân gã đang sưng tấy lên như chân voi.
- Ha ha ha…
Cùng với tràng cười ma quỷ của mình, vợ gã ném một thanh củi vào vách nhà, lửa phựt lên bốc cháy ngùn ngụt. Gã sợ quá, cố lết qua ngoài sân để kêu cứu nhưng mông gã đã bị dính chặt xuống nền nhà…
Gã thấy có những bóng người lấp ló trước cửa, mừng rỡ vì nghĩ sẽ có người tới cứu mình, nhưng gã thật thất vọng, những bóng người đó cứ lượn lờ qua lại rồi cười lên khanh khách, mỗi người còn ném thêm vào những thứ dễ bắt lửa khác nữa làm cho đám cháy càng bùng lên dữ dội…
- Ha ha ha… Mạng sống phải trả bằng mạng sống… ha ha ha…
Tiếng cười quái đản của vợ gã không ngừng vang lên. Gã tuyệt vọng khi thấy xung quanh mình là một vòng vây lửa đỏ.
Hơi nóng phả vào người gã bỏng rát, râu tóc gã chừng như đã cháy cả rồi, bốc lên một mùi khét nghẹt rất khó chịu.
- Ha ha ha… Mạng sống phải trả bằng mạng sống… ha ha ha…
Vợ gã đứng lên, dắt tay thằng bé tám tuổi từ từ trổ nóc nhà bay thẳng ra ngoài, bỏ mặc gã đang chới với trong đám cháy…
Gã ho sặc sụa, gã bắt đầu nghẹt thở, khói den vẫn không ngừng xộc vào mũi gã… Gã thu hết chút sức lực cạn kiệt của mình để lết đi nhưng không được, vừa lúc đó một cây tre trên mái nhà rơi xuống trúng ngay cặp chân sưng phồng của gã làm nó vỡ ra, dòng nước từ trong chân gã bắn ra tung tóe. Gã đau buốt cả người.
Chính tiếng thét đau đớn kinh hoàng của gã đã đánh thức gã dậy. Mồ hôi nhễ nhại khắp người, trên cổ gã là mấy vòng lá chuối quấn quanh… Trời! Thì ra đó chỉ là một giấc mơ! Khủng khiếp quá! Khủng khiếp quá!...
Gã ngồi bật dậy, vừa thở hổn hển vừa đưa tay gỡ mấy tàu lá chuối quấn trên cổ, cáu gắt:
- Mẹ kiếp! Ngủ nghê làm sao mà đển nó quấn chặt thế này, không nằm mơ thấy ác mộng cũng là lạ!
Tuy đã cố tình đổ lỗi cho cho mấy tàu lá chuối, nhưng gã vẫn chưa hết hoang mang. Từ đó tới sáng, gã thức luôn không dám nhắm mắt ngủ nữa vì sợ cái giấc mơ hãi hùng kia chưa chịu rời bỏ gã.

***

Vinh và Lộc bỏ hẳn một ngày công lao động để tìm về nơi ở cũ của Vinh, nơi mà ở đó đã có những năm tháng Vinh được sống trong vòng tay thương yêu của ba mẹ, nơi có ngôi nhà nhỏ khang trang đầy ắp tiếng cười…
Vinh ngỡ ngàng khi đứng trước con đường cũ. Tất cả đã đổi thay, đổi thay đến không còn lưu lại một chút gì của quá khứ. Tưởng mình lầm, Vinh dừng chân hỏi một cô bán quán bên đường:
- Chị ơi, làm ơn cho hỏi, chỗ này có phải trước kia tên gọi là Xóm Gà Nòi không chị?
- Ừ, đúng rồi đó cậu! Tui cũng nghe người ta kể lại vậy, chứ lâu rồi không ai gọi vậy nữa…
Một nét buồn ngơ ngẩn vương trong mắt Vinh. Anh thẩn thờ cúi đầu chào cô bán quán rồi đi sâu vào con đường nhỏ. Lộc vẫn không rời bạn phút giây nào.
Vinh đưa tay chỉ cho Lộc thấy mấy ngôi nhà lầu cao chót vót, nói khẽ:
- Tao nhớ lúc trước nhà tao nằm đâu chỗ này nè, nhưng chính xác là chỗ nào thì tao cũng không biết nữa! Bây giờ mọi thứ khác hết rồi mầy ạ!
- Ừ, mười mấy năm rồi còn gì!
Lộc nói thêm.
- Ừ, mới đó mà tao đã lang bạt mười mấy năm rồi, nhanh thiệt! Hồi đó, lúc còn sống ở đây, tao có mấy đứa bạn thân lắm, giờ không biết tụi nó ra sao rồi nữa? Mà bất tử bây giờ có đụng mặt nhau thì cũng làm gì nhận ra, lúc còn ở đây tao chỉ mới sáu, bảy tuổi gì thôi…
Vinh buồn bã.
Lộc mỉm cười cay đắng:
- Mầy vậy mà còn có phước hơn tao! Mầy còn có nơi để về, có mẹ để nhìn, dù là bây giờ mẹ mầy chỉ còn lại nấm mồ, có giấy tờ đêr chứng minh là một công dân đàng hoàng… Còn tao… ba má tao ở đâu, còn mất ra sao tao cũng không biết được… Tao cũng không có nổi một tờ giấy để lận lưng… Mai mốt mầy trở nên giàu có, lúc đó đến bạn tao cũng không còn!
Vinh đứng khựng lại, nhìn chằm chằm vào Lộc:
- Mầy nói vậy là sao? Tại sao mầy lại nghĩ vậy? Mầy không hiểu tao à?
Lộc ngó lơ đi nơi khác, giọng nghèn nghẹn:
- Tao hiểu mầy… Nhưng tao cũng sợ… vì người ta thương hay nói câu “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”, mầy không nghe sao?
Vinh muốn quát lên một tiếng nhưng bỗng dưng anh thấy thương bạn đến lạ lùng. Nhẹ nhàng đi tới cạnh Lộc, Vinh siết chặt tay bạn:
- Mầy yên tâm đi, tao không là người như vậy đâu!
Lộc ngó Vinh mỉm cười, mắt long lanh nước.
Vinh dắt Lộc đi quanh quẩn mấy lượt quanh khu nhà mình ở khi xưa để cố tìm xem còn có chút dấu tích nào để lại, nhưng cuối cùng đành phải thất vọng, không còn gì cả, tất cả đã đổi thay!
Vinh ngoái nhìn lại một cách bịn rịn rồi dấn bước đi qua khu nhà ấy, tìm đường đến với ngôi chùa gần đấy theo lời mẹ dặn.
Đó là một ngôi chùa nghèo nàn vắng vẻ, có vẻ lạc lõng giữa cảnh phố phường tấp nập hôm nay.
Vừa thấy Vinh và Lộc bước vào, một chú tiểu cỡ mười bốn, mười lăm tuổi nhanh nhẹn chạy ra chắp tay kính cẩn:
Vinh và Lộc cũng bắt chước chắp tay vái lại. Chuyện ra vào và các nghi lễ, phép tắc trong chùa không xa lạ gì với Vinh và Lộc, đã có một thời hai anh em cứ canh chừng những ngày rằm, ba mươi hoặc những ngày cúng thí mà vô chùa phụ việc và ăn cơm chay miễn phí.
- Chú tiểu làm ơn cho gặp Sư thầy!
- Mô Phật! Xin mời ạ!
Chú tiểu chìa tay ra và quay vào, Vinh, Lộc nối gót theo sau.
Ngôi chùa có vẻ hoang sơ, chắc ít có người lui tới. Ở đời thương là vậy, dù là đi cúng bái, cầu xin điều gì người ta cũng thường hay tìm tới những nơi đông đúc, tiếng tăm, còn những chỗ hẻo lánh như vầy ít có ai biết đến.
- Mô Phật! Bần tăng chờ thí chủ mấy ngày nay…
Vinh và Lộc cùng giật bắn người khi nghe tiếng nói, mà lại là câu nói với nội dung như vậy!
Vinh, Lộc ngó quanh, thấy một vị sư nhỏ bé đang ngồi xếp bằng trước bàn thờ Phật nơi chánh điện. Cả hai vội vã tiến tới quỳ xuống:
- Dạ bạch thầy, thầy biết chúng con sẽ tới đây sao?
Vinh không giấu được vẻ ngạc nhiên.
- Bần tăng đã được báo mộng, mấy ngày nay bần tăng không dám rời chùa vì sợ thí tới sẽ không gặp được.
Sư thầy nói giọng điềm đạm.
Vinh xúc động quá không nói gì được chỉ cúi mặt ngó nhìn xuống đất, cắn môi để đè nén cảm xúc trong lòng.
- Trong hai vị thí chủ, vị nào là…
Sư thầy dò hỏi.
Vinh thưa:
- Bạch thầy, con là Vinh, là con ruột của bà Nguyễn Thị Mai, chính hương hồn của mẹ con đã dạy con tìm tới đây gặp thầy. Còn đây là bạn của con, tên nó là Lộc.
Sư thầy nhìn hai đứa bằng ánh mắt hiền từ, rồi ông chậm rãi đứng lên ra hiệu cho Vinh và Lộc đứng lên theo, mời hai anh em ra ngồi vào một chiếc bàn đá ngoài hiên chùa.
Chú tiểu xách bình trà, rót mời mỗi người một ly.
Sư thầy hỏi thăm Vinh và Lộc một số việc, chắc là để thẩm tra nhân thân của Vinh. Cuối cùng, ông đứng lên đi vào chánh điện, mở cánh cửa tủ dưới chân đức Phật Như Lai, lục lạo gì đó một lúc rồi cầm ra một tập giấy mỏng.
Đặt tập giấy trên bàn, sư thầy nhìn Vinh lần nữa:
- Trước khi giao lại toàn bộ số giấy tờ này cho thí chủ, xin thí chủ vui lòng cho bần tăng được xác minh lần cuối cùng…
- Bạch thầy, thầy muốn xác minh gì ạ?
- Xin thí chủ vui lòng vén áo lên cho bần tăng được nhìn thấy lưng của thí chủ!
Vị sư thầy vẫn điềm đạm nói.
Vinh lấy làm ngạc nhiên lắm, tuy nhiên anh vẫn ngoan ngoãn làm theo. Vinh xoay lưng lại phía vị sư thầy và vén áo lên cao để lộ tấm lưng to lớn có một nốt ruồi thật to nằm ở giữa lưng.
Gương mặt vị sư thầy giãn ra, vẻ hài lòng. Vị sư nói:
- Quả đúng y như trong giấc mộng. Xin hai vị thí chủ cảm thông, vì khi nữ thí chủ gởi gắm số giấy tờ này cho bần tăng là lúc nữ thí chủ còn sống. Cách đây mấy hôm, bần tăng nằm mộng thấy nữ thí chủ về, kể lại cái chết của mình và nói sẽ có con trai tới đây, nhờ bần tăng trao lại giấy tờ này cho nó. Dấu vết nhận dạng là một nốt ruồi to nằm giữa lưng, nốt ruồi có hình hoa mai năm cánh, ít nhầm lẫn với ai được. Chính vì vậy, bần tăng mới phải xác minh xem mọi việc có trùng khớp hay không. Bây giờ thì bần tăng thật sự an tâm trao trả vật này về cho thí chủ!
Vị sư thầy nói xong kính cẩn cầm tập giấy trao cho Vinh, Vinh đứng lên cũng với thái độ vô cùng kính cẩn đưa hai tay ra đón nhận.
Bên trong tập hồ sơ là giấy khai sinh của mẹ con Vinh, lý lịch gia đình và toàn bộ những giấy tờ liên quan đến việc nhận quyền thừa kế. Trong đó còn có một mẩu giấy nhỏ, hướng dẫn Vinh cách xin cấp thẻ căn cước cho mình.
Vinh không cầm được nước mắt, anh không ngờ mẹ anh lại chu đáo đến mức này. Vậy mà lâu nay Vinh luôn oán hận mẹ…
- Hay… mầy gởi lại sư phụ cất giùm một tờhi gian nữa, đến khi nào… đúng như lời dặn của mẹ mầy rồi hãy lấy về, lỡ đâu…
Lộc nhắc.
Vinh gật đầu, ngước nhìn vị sư thầy bằng đôi mắt đỏ hoe:
- Bạch thầy, xin thầy làm phúc cất giữ giúp con một thời gian ngắn nữa, khi nào thụân tiện con sẽ đến xin nhận lấy…
Sư thầy cười hiền từ:
- Mô Phật! Không có chi, nếu thí chủ chưa thể nhận về lúc này thì bần tăng sẽ tiếp tục cất giữ giúp cho thí chủ. Bất cứ lúc nào cần đến xin thí chủ cứ đến đây…
Vinh trao lại tập giấy cho sư thầy. Ba người ngồi đàm đạo với nhau một lúc nữa rồi Vinh và Lộc đứng lên từ giã ra về. Chú tiểu theo tiễn chân hai người ra tận cổng chùa.
Trên đường từ chùa về nhà, Vinh không nói được câu nào, lòng nặng trĩu nỗi ân hận, xót xa…
Lộc cũng không biết nói gì để an ủi bạn, đàng âm thầm lặng lẽ đi sát một bên.

***
Gã đứng trước ngôi nhà cháy, ngao ngán vì mãi mà không nghe ai hỏi mua trong khi chủ nợ lại ráo riết săn lùng gã khiến gã phải trốn chui trốn nhủi, khổ nhục còn hơn con chó.
Nhà bên cạnh chiều nay đóng cửa đi đâu vắng, gã không gặp được chị phụ nữ hứa làm môi giới cho gã hôm trước. Thẩn thờ, gã bước dần lên đống tro than.
Bất chợt, gã thấy thòi lên dưới đống cây lá cháy nham nhở một bàn tay nhầy nhụa máu. Gã thụt lùi lại, vấp phải một cục gạch và té ngồi  xuống đất, bàn tay gã chống phải một vật gì mềm mềm, lạnh lạnh. Mấy hôm nay gã luôn có dị ứng với những thứ như thế. Gã lật đật rút tay lên thì hỡi ơi, dính theo lòng bàn tay gã lại là hai tròng mắt đáng sợ hôm nào…
- Á… Á… Á…
Gã vừa hét lên vừa vùng bỏ chạy. Mấy người dân gần đó nghe tiếng hét kinh hoàng của gã đều túa hết ra đường, họ thấy gã đang chạy quáng quàng, mặt mày còn hằn rõ sự kinh hoàng tột độ.
- Có chuyện gì? Có chuyện gì xảy ra với anh vậy?
Gã run lẩy bẩy chỉ tay vào ngôi ngà cháy:
- Ma… mắt… là ma… mắt…!
- Cái gì? Ma hay mắt? Anh bình tĩnh lại kể cho rõ ràng đi…
Người đàn ông nắm chặt tay gã.
Gã lắp bắp:
- Là ma! Ma nhát tui… Hai cái tròng mắt trừng trừng nhìn tui, cái bàn tay cháy đen máu me nhầy nhụa… ma… có ma…
Những người đàn bà và trẻ con sợ hãi đứng nép sát vào nhau, nhưng mấy ông đàn ông lại có vẻ không tin:
- Ma gì, chưa tối ma ma cỏ gì! Chắc tại anh nhìn quáng thôi… Nào, đi lại đó xem coi thế nào!
Thế là bốn, năm người đàn ông lực lưỡng hùng hổ tiến tới ngôi nhà cháy của gã, theo sau là đám đànbà con nít, tuy sợ muốn chết nhưng không ngăn được tính tò mò muốn biết, muốn tận mắt chứng kiến cái sự lạ gì trong đó để còn đi kể cho người khác biết, là:
- Chính mắt tui đã trông thấy…
Gã sợ sệt chỉ tay vào chỗ lúc nãy có hai tròng mắt và cánh tay người, mấy người đàn ông săm soi mãi vẫn chẳng thấy gì, họ cười phá lên:
- Cha nội này chắc chiều giờ uống say dữ lắm rồi nên mới trông gà hóa cuốc, sợ đến xanh xám mặt mày như vậy! Thôi đi cha nội ơi, đừng có hù dọa bà con ở đây nữa! Cha nội mới kêu bán nhà là làm kiểu này thì có ma nó mới dám mua!
Lúc này gã không còn thấy sượng sùng trước những lời trêu chọc của người khác nữa, sự lo sợ đã dâng tràn trong gã, chen chúc trong từng sợi dây thần kinh của gã, chưa lúc nào gã sợ hãi như lúc này!
Lủi thủi một mình về nơi ở, gã cứ vừa đi vừa ngoái nhìn lại sau lưng vì luôn có cảm giác một người nào đó đang đi sát ngay sau gã. Vườn chuối đã hiện ra trước mắt, ánh trăng mùng mười càng làm cho cảnh vật trở nên mờ ảo, huyễn hoặc hơn. Bóng những cây chuối, những tàu lá chuối phất phơ trông giống như một người đang đứng xõa tóc, rồi tiếng những cây chuối cọ mình vào nhau nghe giống như tiếng người nghiến răng ken két…
Gã run lẩy bẩy, không muốn chui vào căn chòi quen thuộc đó nữa, nhưng nếu không vào thì gã biết phải đi đâu, ngủ ở đâu?
Bất chợt, gã như điên dại, chạy ào vào vườn chuối, giật hết những tài lá khô, gom về chất xung quanh căn chòi, như muốn làm một tường rào để bảo vệ, để ngăn chặn những bóng ma hắc ám đang chực chờ trêu chọc gã…
Gió thổi hây hẩy nhưng người gã đẫm ướt mồ hôi. Không lâu sau, xung quanh căn chòi đã được che chắn bằng một đống lá chuối, đứng từ xa nhìn vào thì không thể nào viết được đó là căn chòi, mà có thể lầm là một đống rơm, đống rạ gì đó chưa được người ta đánh vào cho gọn ghẽ.
Gã thở hồng hộc nhưng khoái trá vì thành tích của mình. Và rồi gã ngang nhiên chui vào ổ với một niềm tin vô lý nhưng rất vững chắc.
Vừa mơ màng ngủ, chợt một giọt nước rơi đúng vào giữa đôi môi gã, có một vị mằn mặn và tanh tưởi vướng ở đầu lưỡi. Gã đưa tay quệt ngang miệng và hé mắt giơ tay lên nhìn. Trên mu bàn tay gã là một vết đỏ sậm như máu.
Gã ngồi bật dậy, vừa lúc từ trên trần nhà liên tiếp rơi xuống từng giọt, từng giọt lộp bộp như giọt nước mưa, gã còn đang hoảng loạn chưa kịp phản ứng thì xung quanh gã nước đã ngập xâm xấp, màu nước đỏ ngầu như màu máu. Gã ngước nhìn lên nóc chòi, hy vọng thấy một lỗ hỏng nào đó và mong nghe được tiếng mưa ngoài trời, nhưng trên nóc chòi lúc này lủng lẳng một thân người tóc dài xoã xượi…
- Á… Á… Á…
Gã lại thét lên kinh hoàng, nhưng tiếng thét của gã chìm nghỉm vào không gian quạnh vắng, làng xóm ở xa, ngoài kia xe cộ ầm ào, không ai có thể nghe được.
Gã vừa bò vừa lết, cuối cùng cũng thoát ra được vũng máu tanh tưởi đó, nhưng ra đến cửa chòi thì gã không còn sức nữa, gã gục xuống đó bất tỉnh.
Sáng hôm sau, một người dân đi rọc lá chuối tình cờ phát hiện ra gã. Chị ta hô hoán lên, mọi người chạy tới vực gã vào chòi, xoa bóp đánh gió hồi lâu thì gã tỉnh dậy.
- Ăn nhậu cho lắm vào, đêm hôm trúng sương trúng gió chứ có gì lạ!
Người ta kết luận việc gã nằm ngất trước cửa chòi là như vậy, nghe ra cũng rất hợp lý.
Từ lúc tỉnh dậy, gã cứ nhìn mọi người bằng cặp mắt lơ láo, sợ hãi. Nhưng không ai hơi đâu quan tâm tới gã, người ta thương tình cứu gã vậy là may mắn lắm rồi, còn trong lòng gã, tâm tư gã thế nào không ai bận tâm nghĩ tới.
Khi mọi người về hết, gã nằm một mình trong căn chòi vắng lặng, nghe tiếng gió thổi xào xạc bên ngoài mà đầu tóc gã cũng dựng đứng cả lên. Gã ngước nhìn lên mái lá trên đầu, chỉ thấy mấy tia nắng mỏng manh xuyên qua kẻ lá, chiếu rọi vào nhà tạo ra những đốm sáng nho nhỏ không ngừng nhảy nhót.
Gã nhớ lại cái xác người treo lủng lẳng đêm qua, nhớ lại cái vũng mái ngập ngụa, tanh tưởi mà đêm qua gã đã phải vẫy vùng trong đó. Sống lưng gã ớn lạnh, đầu óc gã lùng bùng. Giờ đây gã đã biết chắc những sự việc đó là có thật chứ không phải do gã nằm mơ hay hoang tưởng.
Hồn vợ gã đang về trừng phạt gã đây mà!
Nhưng cho tới lúc này, gã vẫn không cảm thấy ăn năn hối lỗi. Gã nghiến răng trèo trẹo:
- Để tao yên, mầy phải để tao yên!
- Ha ha ha…
Đáp lại gã là một tràng cười quái đản!
Giữa trưa, lúc này là giữa trưa, gã hy vọng vợ gã không dám xuất hiện vào giờ này, nhưng tràng cười ma quái ấy đã làm cho gã bủn rủn.
Gã quơ chân tay loạn xạ, miệng không ngừng mắng chửi:
- Mẹ kiếp! Mầy có tránh xa tao ra không… Tao không sợ mầy! Tao không sợ mầy… Tất cả là do lỗi của mầy! Nếu mầy nghe lời tao, mầy yêu thương tao thì mầy đâu phải chịu kết cục bi thảm như vậy! Lỗi là ở mầy, mầy không có quyền trách tao, tao là ân nhân của mẹ con mầy, mầy quên điều đó sao? Mầy cút đi, cút cho thật xa đi, tao không sợ mầy đâu… Mầy còn quấy rầy tao nữa, tao sẽ… tao sẽ cho mầy chết thêm mộtl ần nữa… Mầy có nghe không?
- Ha ha ha… Ha ha ha… Mạng sống phải được trả bằng mạng sống! Ha ha ha…
Tiếng cười vẫn xói vào tai gã. Gã cuống cuồng ngồi bật dậy, bịt chặt hai tai lại, nhưng vẫn nghe rõ ràng như tiếng nói kia được cất lên từ bên trong tai gã vậy:
- Ha ha ha… Ha ha ha… Mạng sống phải được trả bằng mạng sống! Ha ha ha…
Trên nóc chòi lúc này lại lủng lẳng một thây ma. Vì là ban ngày nên gã nhìn thấy rõ ràng hơn. Gương mặt bà ta cháy nham nhở, những vết nứt nẻ rỉ ra một thứ nước hồng hồng, thứ nước đó bắt đầu đọng thành vũng dưới sàn nhà. Thân người bà ta cứ đu đưa qua lại, hai tròng mắt thòng xuống gần tới cằm như đang trừng trừng nhìn gã.
Hoảng loạn, gã vùng chạy ra ngoài. Cái thây ma vẫn đung đưa, đung đưa ở giữa nhà, và giọng cười ghê rợn vẫn không chịu nín:
- Ha ha ha… Ha ha ha… Mạng sống phải được trả bằng mạng sống! Ha ha ha…
- Tao sẽ giết mầy! Tao sẽ cho mầy chết thêm lần nữa! Mầy sẽ phải chết thêm một lần nữa… Tao sẽ giết mầy…
Gã nghiến răng, run rẩy thò tay vào túi quần lôi ra cái hộp diêm quẹt đã bẹp dúm dó. Gã mở hộp diêm ra, vì tay run quá nên làm đổ cả hộp diêm xuống đất. Gã cúi xuống nhặt một que diêm lên đánh xòe vào hộp, một tia lửa nhỏ cháy lên, gã cười gằn:
- Tao sẽ giết mầy!
Vừa nói, gã vừa vứt que diêm vào đống lá chuối khô chất dày đặc quanh chòi. Lửa bùng lên. Gã thích quá, vừa nhảy loi choi vừa vỗ tay:
- Cho mầy chết! Cho mầy chết!
Bỗng đâu gã cảm thấy vai mình lạnh buốt, vừa ngó xuống gã điếng người khi thấy một cánh tay cháy đen nham nhở đang bấu chặt vào đó.
Gã thụt lùi, thụt lùi, miệng ú ớ:
- Không! Không… không được… buông tao ra… buông tao ra…
Những que xương của bàn tay vẫn bấu chặt vào vai gã, đầu nhọn của que xương đâm vào thịt gã đau điếng. Gã cứ lùi dần, lùi dần và bất thần gã vấp chân té bật ngửa ra sau, vừa lúc ngọn lửa bùng lên nuốt gọn những gì rơi vào miệng nó!

***
Vinh vừa trải qua một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ đó, Vinh thấy rõ ràng mẹ mình hiện về, xinh đẹp, trẻ trung giống y như hồi mười năm trước. Mẹ cầm tay Vinh mỉm cười:
- Con ráng cố gắng sống cho thật tốt. Mọi ân oán trong đời đã được giải quyết xong. Giờ mẹ phải đi đây…
Vinh chưa kịp nói câu nào thì mẹ đã biến mất, chỉ còn lại một mùi hương quen thuộc của những ngày Vinh còn thơ bé…
- Lộc! Lộc ơi! Tao vừa mơ một giấc mơ rất lạ…
Vừa choàng dậy, Vinh vội lay gọi bạn.
Lộc hoảng hốt ngồi bật dậy:
- Có chuỵên gì vậy?
Vinh thừ người ra một lúc rồi nói:
- Tao thấy mẹ tao về. Nhưng lần này hình dáng không ghê sợ như những lần trước mà xinh đẹp như hồi còn trẻ vậy. Mẹ dặn tao phải ráng sống tốt, mọi ân oán đã trả xong hết rồi, mẹ phải ra đi… Mẹ tao nói thế là có nghĩa gì vậy mậy?
- Có thể mẹ mầy đã trả được thù rồi nên linh hồn siêu thoát, là mẹ mầy phải đi để đầu thai kiếp đó! Thôi, nếu được vậy cũng mừng cho mẹ mầy đi nhe…
Vinh gật gù:
- Ừ, tao cũng mong vong linh mẹ được siêu thoát… Tao rất mừng vì hôm nay thấy mẹ với dung mạo đẹp đẽ trước kia… Chứ nhìn mẹ với hình ảnh ghê rợn đó tao sợ thì ít mà đau đớn nhiều hơn mầy ạ…
- Sáng mai, tao với mầy đi dọ coi tình hình lão kia thế nào rồi, nghen?
Lộc đề nghị.
Vinh gật:
- Ừ, thôi, ngủ thêm chút nữa, còn sớm mà! Sáng mai tao với mầy đi…
Cả hai nằm trở lại nhưng không ai ngủ được, mỗi người đều mang một tâm sự riêng…
Vinh và Lộc chưa tới xóm nhà đã nghe người ta bàn tán rần rần về chuyện lão Đời gần đây phát điên, lúc nào cũng nhìn thấy ma quỷ, rồi không biết vì do vô ý hay do điên loạn mà lão đã thiêu rụi căn chòi mình đang trú ngụ và tự thiêu mình luôn trong đó. Người ta kể, trước khi chết, lão Đời có những biểu hiện lạ lắm, giống như tâm thần vậy…

***
Mất cũng khá nhiều thời gian thì mọi thủ tục hồ sơ của Vinh mới được hoàn thành. Giờ đây Vinh trở nên một chàng thanh niên nắm trong tay một số vốn liếng lớn mà rất nhiều người phải ngưỡng mộ.
Vinh không tỏ rõ thái độ buồn hay vui gì trước sự kiện lớn này. Mọi sinh hoạt hàng ngày của Vinh vẫn diễn ra một cách bình thường, chỉ khác một điều là thời gian gần đây Vinh không còn đi làm thuê kiếm sống nữa. Vì bận bịu lên xuống các cơ quan chức năng để hoàn tất thủ tục hồ sơ, suốt mấy tháng qua, hầu như Vinh sống dựa hẳn vào Lộc.
Lộc vẫn ngày ngày cần mẫn đi từ sáng sớm tới chiều, kiếm từng đồng về trang trải cho cuộc sống của hai đứa.
Ngày mọi thủ tục đã hoàn tất, Vinh nôn nóng hết đi ra lại đi vào, đợi Lộc về để bàn bạc với bạn chuyện tương lai của hai đứa.
Mãi đến tối mịt Lộc mới về tới, say lất ngất, bước đi xiêu vẹo.
Vinh ngạc nhiên lắm, vì lâu nay ít khi nào Lộc uống rượu, mà có uống đi chăng nữa cũng chưa khi nào say đến độ đó.
Vinh vừa đỡ bạn vừa ân cần hỏi.
Lộc vùng vằng, đẩy tay Vinh ra:
- Kệ tao! Tao có cuộc sống của tao, mầy không cần quan tâm tới! Tao với mầy bây giờ đã ở hai giai cấp khác nhau rồi, phải không?
Vậy là Vinh đã hiểu ra tất cả! Lộc mặc cảm, Lộc lo sợ Vinh sẽ thay đổi khi bất chợt được giàu lên, Lộc đau buồn vì nghĩ tình bạn keo sơn của hai đứa đã đến ngày tan rã…
Vinh ngao ngán lắc đầu, muốn nói với Lộc thật nhiều nhưng nó đang say khướt thế kia có nói cũng vô ích!
Nghĩ thế nên Vinh không nói gì, mặc cho Lộc không ngừng lảm nhảm, không ngừng cự tuyệt những cử chỉ chăm sóc của Vinh.
Một lúc sau, Lộc ngủ như chết, nhưng Vinh thì vẫn ngồi im đến khi trời gần sáng.
Lộc trở mình, hé mắt nhìn ra thấy Vinh ngồi bó gối ở một góc nhà. Khe khẽ thò tay qua chỗ nằm của Vinh, Lộc thấy chỗ đó lạnh ngắt, mền gối cũng còn y nguyên. Vậy là suốt đêm qua tới giờ Vinh vẫn ngồi như vậy sao?
Lộc nhớ lại tối qua mình uống đến say mèm, chắc mình đã nói gì đó, làm gì đó để thằng Vinh buồn rồi.
Lộc nhổm dậy, định đến bên bạn nhưng rồi không hiểu sao Lộc lại nằm vật trở xuống.
Nghe tiếng động, Vinh biết Lộc đã thức. Không quay đầu lại, Vinh nói nhỏ:
- Lộc, mầy thức rồi phải không? Mầy nàem im đó nghe tao nói đây… Tao biết mấy ngày vừa qua mầy buồn lắm, đúng không? Nhưng mầy yên tâm đi, tao không phải là đứa xem nặng đồng tiền đâu. Tao thà vẫn sống cuộc đời cơ cực còn hơn là sống sung sướng mà mất đi tình bạn của chúng mình… Nhưng đây dù sao cũng là những đồng tiền do ba tao đổ mồ hôi nước mắt tạo ra, và mẹ tao đã phải hy sinh bản thân mình để giữ lấy cho tao, tao không có quyền khướt từ nó… Nhưng tao nghĩ kỹ rồi, tao tính bàn với mầy thế này để coi mầy có đồng ý với tao không nghen?
Vinh ngừng lại thăm dò, không thấy Lộc có phản ứng gì, Vinh biết bạn đang lắng nghe mình nên nói tiếp:
- Tao tính, trước hết mình cúng một khoản tiền để sư thầy xây cất lại ngôi chùa cho khang trang hơn một chút. Còn lại, tao sẽ cố gắng hỏi mua lại ngôi nhà chỗ ba mẹ tao sống trước kia, nếu người ta đồng ý bán. Sau đó, tao với mầy sẽ đi học nghề, chẳng hạn như nghề sửa chữa xe, tao với mầy đều thích mà, phải không? Tụi mình học thành nghề rồi thì mở tiệm, thu nhận mấy đứa không nhà cửa như tụi mình hồi đó về tạo công ăn việc làm cho tụi nó… Mầy thấy tao tính vậy được không?
Lộc từ nãy giờ vẫn nằm im nhưng nước mắt đã nhòe nhoẹt trên gương mặt. Lộc không ngờ Vinh lại tính toán cặn kẽ như vậy, thế mà mấy tháng nay mình cứ làm ra vẻ xa lánh nó, tại mình nghĩ thế nào nó giàu có lên rồi cũng sẽ ruồng rẫy mình… Không ngờ nó tốt đến như vậy…
- Mầy có đồng ý với tao không, Lộc?
Vinh hỏi lại một lần nữa.
Lộc không nói gì, chỉ chồm dậy đấm thùm thụp lên lưng Vinh rồi cả hai cùng cười vang, mà mắt người nào cũng ầng ậng nước…

***
Cả khu vực rộng lớn này không ai không nghe nói tới gara xe Vinh Lộc, người ta nhắc tới nó vì sự làm ăn phát đạt, vì đó là nơi tạo công ăn việc làm cho những đứa trẻ lang thang đường phố, người ta còn nhắc tới nó vì hai ông chủ trẻ vui tính, hiền lành được nhiều người yêu mến.
Vinh và Lộc bây giờ đã là hai ông chủ có trong tay nhiều gara uy tín, nhưng không ngày rằm, ba mươi nào hai người quên đi chùa lễ phật. Ngôi chùa mà hai người thường lui tới nhất là ngôi chùa ở gần nhà, ngôi chùa có sư trụ trì bé nhỏ và chú tiểu dễ thương giờ đã lớn phổng phao…
Vinh mua lại hẳn hai căn lầu sát cạnh nhau ở chỗ khu đất cũ của nhà mình. Một căn để cho Lộc đứng tên, một căn Vinh đứng tên. Hai người vẫn thương yêu đùm bọc nhau như những ngày còn cơ hàn lang thang trên đường phố…
Tác Giả: nguyễn Thị Mộng Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét