MA THẦN VÒNG
Cái tin Phượng tự tử chết làm tôi sửng sốt.
Không, không thể nào đâu, chắc là có sự nhầm lẫn nào đó ở đây rồi! Mới chiều hôm qua tôi còn gặp Phượng lúc dừng chân mua cho con gái bịt nước mía ở ven đường mà, lúc đó Phượng còn hỏi tôi:
- Ê, mầy tin trên đời có ma không?
Tôi thần người ra một lúc rồi trả lời:
- Tao cũng hổng biết nữa! Mà sao mầy hỏi vậy?
Phượng nháy mắt với tôi:
Tôi thấy hình như Phượng còn muốn nói chuyện với tôi nhiều nữa, nhưng lúc đó tôi vội vã đem bánh về cho con ăn rồi còn đưa nó tới lớp học thêm nữa nên không có thời gian đứng lâu với Phượng.
Tôi và Phượng ở cùng một thành phố, trước đây hai đứa liên lạc với nhau thường xuyên lắm, nhưng từ lúc tôi có con rồi công ty giao cho nhiều việc, tôi không còn thời gian nào để dành cho Phượng được nữa.
Có hôm Phượng tới nhà chơi tôi cũng không tiếp đón chu đáo mà cứ phải vừa làm việc vừa chuyện trò.
Chắc Phượng cũng nhận ra những tất bật của tôi nên mấy lúc sau này Phượng cũng ít đến.
Phượng thì đỡ hơn tôi nhiều, nó là nhân viên văn phòng, chỉ làm việc ngày tám tiếng giờ hành chánh. Hai vợ chồng nó lại chưa có con nên sau giờ làm việc, hoặc vào các ngày nghỉ thì tha hồ mà rong chơi thỏa thích.
Còn như tôi, mỗi tuần chỉ có một ngày chủ nhật mà cũng đâu khi nào được nghỉ trọn vẹn đâu. Tôi vẫn phải mang hàng đống hồ sơ, sổ sách về nhà để giải quyết.
Nhưng thỉnh thoảng tôi và Phượng cũng gặp nhau đâu đó trên đường, và trao đổi một vài câu, còn lại chỉ là điện thoại nhắn tin thăm hỏi.
Có lẽ nào chưa được hai mươi bốn tiếng đồng hồ mà Phượng đã trở thành người thiên cổ?
Phượng với tôi là bạn thân từ hồi học cấp một, có chuyện gì buồn vui hai đứa đều tâm sự hết với nhau.
Thế nhưng mấy lúc gần đây ngoài việc thỉnh thoảng Phượng có than phiền ông xã dạo này bê tha nhậu nhẹt nhiều quá thì đâu nghe Phượng nói gì tới chuỵên chán đời mà tìm tới cái chết.
Tôi bỏ cả bữa cơm đang nấu dở, vội vàng lấy xe chạy ngay tới nhà Phượng để coi hư thực ra sao.
Khi vừa cho xe rẽ vào con hẻm nhà Phượng là tôi đã bủn rủn tay chân và lờ mờ nhận ra đó không phải là sự nhầm lẫn hay lời đồn nhảm nào mà đúng là sự thật.
Tôi nghe tiếng khóc, tôi thấy người ta ra vào nhà Phượng thật đông làm hai chân tôi như không còn đứng vững được nữa.
Cố gắng lắm tôi mới dựng được chiếc xe tựa bên hàng rào và lập cập bước vô nhà.
Ngôi nhà này vợ chồng Phượng vừa dọn về ở cách đây mới hai tháng. Vợ chồng nó không đủ tiền mua, phải vay mượn của cả hai bên nội ngoại mới đủ tạo cho mình một tổ ấm riêng tư.
Trước kia, điều làm Phượng buồn phiền nhiều nhất chính là sự chug đụng, va chạm với những người bên gia đình chồng.
Vợ chồng Phượng ở chung với ba mẹ chồng và bốn đứa em chồng mà đứa nào đứa nấy đã lớn phổng phao nhưng vẫn cứ xòe tay xin anh chị từng đồng ăn quà bánh. Chúng lại không ngừng xoi mói, xét nét từng điệu bộ, cử chỉ đến lời ăn tiếng nói của Phượng làm nó cảm thấy bức bối khó chịu vô cùng.
Nó vẫn thường bảo với tôi:
- Tao mà sống trong nhà đó chừng nửa năm nữa thì một là tao phát điên, hai là tao sẽ ở tù vì tộ igiết người!
- Mầy đừng có nghĩ bậy bạ quá không nên! Nếu ở đó không thoải mái, mầy có thể đề nghị chồng dọn ra riêng. Chồng mầy đâu phải con một mà sợ việc ra riêng khó khăn? Trên và dưới chồng mầy trai gái đều có đủ, nếu vợ chồng mầy xin phép ra riêng chắc không có trở ngại gì đâu, hổng chừng người ta còn mừng là đằng khác.
Phượng thở dài đánh thượt:
- Tao cũng biết vậy, nhưng cả hai vợ chồng đều là công chức văn phòng, đồng lương hạn hẹp biết chừng nào tao mới có đủ khả năng để mua cho mình một căn nhà riêng mà dọn đi chứ mậy?
Tôi cười:
- Nếu mầy đừng đòi hỏi nhà cao cửa rộng, mặt tiền mặt phố gì hết thì cũng không quá khó khăn đâu. Này nhé, cả hai gia đình đều khá giả, vợ chồng mầy có thể mượn cả hai bên mà, đúng không? Mầy mua một căn nho nhỏ trong hẻm, giá cả cũng không đến nỗi nào đâu!
Sau lần nói chuỵên đó, không biết Phượng nó về tỉ tê với chồng thế nào không biết mà một thời gian sau nó hí hửng gọi điện khoe với tôi:
- Có một ngôi nhà khá ngon lành nhưng họ lại kếu bán rất rẻ, ông xã tao đã chấm rồi, hai bên cũng hứa cho mượn tiền. Tao mừng quá mầy ơi… Vậy là vợ chồng tao sắp sửa có được cái tổ chim cúc cu của riêng mình rồi đó, mầy mừng cho tao nhé?
Theo như lời Phượng nói, ngôi nhà đó bỏ hoang đã lâu vì chủ nhà đã định cư ở nước ngoài, cho ngôi nhà đó cho một người bà con xa. Người bà con đó cũng không sinh sống ở đây nên căn nhà cứ đóng cửa im ỉm từ hơn mười năm nay, chỉ thỉnh thoảng một năm vài ba bận người bà con về đảo qua một tí xem xét rồi lại ra đi.
Giờ đây người bà con đó cũng đã lớn tuổi rồi nên muốn bán đi để không phải tới lui thăm nom gì nữa.
Tôi thật sự mừng cho bạn! Ngày vợ chồng Phượng dọn nhà tôi cũng đã bỏ ra trọn một ngày chủ nhật để lăn xả vào giúp bạn. Và tôi cũng là người khách duy nhất có mặt trong bữa cơm đầm ấm đầu tiên trong ngôi nhà đó.
Trong bữa cơm “tân gia” ấy, tôi cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc rạng ngời trong mắt Phượng.
Nó vẽ ra cho tôi thấy một cảnh sống yên bình hạnh phúc của vợ chồng nó trong ngôi nhà này khiến tôi phát ghen lên được.
Vậy mà chưa được mấy tháng, hôm nay ngôi nhà đó lại nhộn phịp người lui tới, nhưng không phải để chia vui với vợ chồng Phượng mà là tới để đưa tiễn Phượng lần sau cuối…
- Bác sĩ pháp y đang khám nghiệm xác cô ấy ở căn phòng phía bên kia!
Tôi được một người cho biết khi hỏi việc tẩm liệm Phượng đã tiến hành chưa.
Nghe nói thế ngực tôi đau như thắt lại, nhưng tôi phải cố nén lại, nhấc từng bước chân nặng nề đi thẳng xuống nhà sau.
Vừa trông thấy tôi mẹ Phượng khóc òa lên, bà ôm chầm lấy tôi rồi gần như lả đi trong tay tôi. Tôi phải cố gắng hết sức mới có thể dìu bà ngồi vào chiếc ghế bên cạnh.
Nước mắt tôi cũng đã chảy ròng ròng hai bên má.
- Bác ơi… Tại sao Phượng lại…
Biết là làm cho người thân của Phượng sẽ đau thêm khi hỏi câu đó, nhưng tôi không sao đè nén được lòng mình, đè nén được nỗi thắc mắc đang chiếm lĩnh trọn tâm tư tôi.
Mẹ Phượng khóc ngất từng cơn, không thể nào nói lên lời gì với tôi được.
Mây, em chồng Phựơng đứng bên cạnh đỡ lời:
- Chị Phượng chết quả thật bất ngờ đối với tất cả mọi người chị ạ! Trưa hôm nay anh Nam em đi làm rồi bận tiếp khách nên không về trưa như thường lệ. Chị Phượng mấy lần gọi di động cho anh đều nghe báo không liên lạc được nên chị đam ra nghĩ ngợi lung tung. Sự thật theo anh Nam nói là tại máy anh hết pin, nhưng chị Phượng lại không nghĩ vậy. Chị nghĩ anh Nam đi đâu đó không đàng hoàng nên mới phải tắt máy.
Chị buồn, có ghé qua nhà hỏi em biết anh Nam đi đâu không. Em nói đùa:
- Chắc ảnh đi thăm bà nhỏ rồi chứ gì!
Nói xong thấy mặt chị Phượng tỏ ý không vui nên em lảng qua chuyện khác. Hai chị em nói vài ba câu bâng quơ nữa thì chị Phượng ra về. Vậy mà chỉ mấy tiếng đồng hồ sau em nghe tin báo chị Phượng thắt cổ chết. Em điếng cả người và thấy ân hận quá, có thể câu nói đùa của em cũng là một trong những tác nhân gây ra cái chết cho chị.
Mây vừa kể vừa sụt sịt khóc.
Tôi thấy cái lý do đó không thể chấp nhận được! Dẫu biết rằng tính tình Phượng hay giận hờn, nhưng sự việc đâu có gì, đâu đến mức Phượng phải tự kết liễu đời mình như thế!
Mẹ Phượng cố nén tiếng tức tưởi trong lồng ngực:
- Không hẳn vậy đâu con… Tại con chưa biết, cách đây mấy hôm Phượng có về chơi nó kể cho bác nghe nhiều chuyện lạ xảy ra trong nhà nó. Bác thì cứ tưởng nó nghĩ ngợi suy diễn lung tung nên đã cố mắng át nó đi…
- Chuyện gì thế hở bác? Chẳng lẽ anh Nam con…
Mây lo lắng hỏi.
Mẹ Phượng lắc đầu:
- Không! Chuyện không dính tới thằng Nam. Phượng bảo, những lúc ở nhà một mình, mà nhất là vào ban đêm, những hôm Nam bận trực cơ quan hoặc đi đâu đó về khuya, Phượng thường thấy lảng vảng bóng một người nào đó trong nhà mình, cầm cái vòng dây đưa ra, đồng thời có tiếng nói thầm thì rủ rê Phượng cùng chơi một trò chơi gì đó rất thú vị. Và Phượng nói, tự nhiên lúc đó Phượng không cảm thấy sợ hãi gì mà trái lại còn rất muốn tham gia chơi đùa cùng người ấy. Nhưng lần nào cũng vậy, khi Phượng chuẩn bị chui đầu vào cái vòng để bắt đầu trò chơi thì Nam về tới hoặc có một chuyện gì đó làm cho Phượng bừng tỉnh, đồng thời cái bóng người kia cũng biến mất. Lúc đó Phượng mới thấy sợ. Sự việc ấy cứ lặp đi lặp lại nhiều lần rồi mà Phượng không dám kể cho Nam biết. Nó kể với bác, hy vọng bác cho nó một lời khuyên vậy mà bác lại la mắng nó, thật tội nghiệp cho con tôi… Con ơi là con ơi…
Tôi và Mây cùng sững sờ khi nghe mẹ Phượng kể lại câu chuyện đó. Và tôi cũng nhớ lại chiều hôm qua chính Phượng cũng đã nói loáng thoáng với tôi về chuyện ma quái gì đó rồi!
Trời ơi… chẳng lẽ cái chết của Phượng lại là do ma quái gây ra? Tôi hồi hộp trong lòng, cố quay sang Mây hỏi thêm câu nữa:
- Phượng chết thế nào? Ai là người phát hiện đầu tiên vậy Mây?
Mây kéo tay áo quệt nước mắt nước mũi đang chảy tràn trên mặt, nói trong tiếng tức tưởi:
Vừa trông thấy tôi, Nam vồ tới chụp lấy hai tay tôi lắc lấy lắc để:
- Hạnh ơi… Phượng có nói gì với Hạnh không? Tại sao Phượng lại chết tức tưởi như vậy chứ Hạnh? Hạnh nói cho tôi biết đi, tại sao Phượng lại chết? Tại sao?...
Mặt Nam co rúm lại đau đớn nhưng không có bất kỳ một giọt nước mắt nào chảy ra, có lẽ khi nỗi đau đã ở mức tột cùng rồi thì không làm người ta chảy nước mặt được nữa!
Tôi nhăn mặt nhưng để yên cho Nam bóp hai cổ tay đau điếng:
- Không… mấy hôm nay bận việc nên Hạnh và Phượng chưa có thời gian nói chuyện nhiều với nhau. Chỉ mới chiều hôm qua gặp Phượng một thoáng ở bên đường, Phượng có hẹn sẽ kể cho Hạnh nghe chuyện ma cỏ gì đó, nhưng… chưa kịp thực hiện thì Phượng đã bỏ đi rồi…
Nam nhìn tôi đau đáu:
- Hạnh nói sao? Chuyện ma quái à? Trời ơi… chẳng lẽ nào… Phượng ơi… anh có lỗi với em rồi, anh đã không tin những gì em kể nên mới xảy ra nông nỗi ngày hôm nay…
Mẹ Phượng, Mây và tôi cùng ngạc nhiên, há hốc miệng khi nghe Nam kêu lên như thế.
Tôi là người bình tĩnh nhất trong số đó nên cố gắng vừa an ủi vừa khai thác Nam:
- Nam đừng như vậy, có gì thì từ từ nói ra cho mọi người cũng hiểu và chia sẻ với Nam…
Giờ thì Nam khóc òa lên, không, không phải khóc, mà phải dùng từ “rống lên” mới chính xác.
Nam rống lên một tiếng thê thiết rồi từ từ đổ sụp xuống cạnh chân mẹ Phượng.
- Mẹ ơi, mẹ ơi hãy mắng chửi con đi, mẹ hãy giết con đi, chính tại con, tại con mà Phượng mới chết, tại con mà con gái yêu quý của mẹ mới phải lìa đời! Trời ơi là trời… tại sao tôi không chết luôn đi, tôi còn sống mà làm gì nữa? Làm sao tôi có thể sống hết quãng đời còn lại mà không có Phượng, mà phải đeo đẳng trong lòng sự ân hận vô biên này hở trời? Trời ơi…
Dù đau đớn thắt lòing thắt dạ, mẹ Phượng cũng cố nén để dỗ dành cậu con rễ mà bà yêu thương còn hơn con ruột:
- Không sao, không sao đâu con! Con đừng nghĩ như vậy, con đừng tự dằn vặt làm khổ mình như vậy. Con Phượng chết là tại số phần nó đến đây là hết, con cứ nghĩ vậy sẽ thấy an ủi được phần nào… Mẹ cũng đang cố gắng, mẹ con ta cùng cố gắng…
Lòng tôi đau như cắt trước cái chết của đứa bạn thân, và càng đau hơn khi phải chứng kiến những người thân yêu của Phượng đang vật vã và tự nhận lỗi về mình.
Trong tôi, sự thắc mắc kia chưa được giải tỏa thì lại tiếp tục bị những thắc mắc lớn hơn bủa vây.
Tôi nhất định phải làm cho sáng tỏ mọi việc. Tại vì sao trong câu chuyện của mẹ Phượng và Nam đều có liên quan tới những lời kể gì đó của Phượng, Phượng đã kể mà mọi người không tin, vì vậy họ cho rằng chính điều đó đã gây ra cái chết của Phượng.
Phượng đã kể gì? Những chuyện hư ảo, ma quái như lời mẹ Phượng nói hay còn điều gì khác hơn nữa không?
Tôi khom người xuống kéo Nam đứng lên rồi một tay kéo tay Nam, một tay kéo tay Mây, lôi cả hai người đi băng băng ra sau nhà, mặc cho bao nhiêu ánh mắt tò mò nhìn theo sau lưng.
Ra tới khu vườn phía sau, nơi không có ai ngoài ba chúng tôi, tôi buông cả tay ra rồi ngồi phịch xuống đất, Nam và Mây cũng ngồi xuống bên tôi, nhìn tôi như chờ đợi.
Tôi nuốt ực một cái rồi lên tiếng:
- Hai người nói cho tôi biết rõ ràng đi, tại sao Phượng phải thắt cổ chết?
Mây ôm đầu khổ sở:
- Em đã nói rồi… em không biết! Nhưng em nghĩ chị chết là do chị ghen hờn anh Nam… Mà lúc nãy thì bác lại nói khác… em không biết, em thật sự không biết mà…
Tôi quay sang nhìn chằm chằm vào Nam.
Nam nhìn thẳng vào tôi, run giọng nói:
- Phượng không ghen, tôi biết chắc điều đó, vì tôi chưa hề làm chuyện gì có lỗi với Phượng dù là chuyện nhỏ. Phượng biết điều đó. Có đôi khi Phượng cằn nhằn tôi ăn nhậu, thế thôi, chứ chuyện ghen tương thì tuyệt đối không có. Và cũng không bao giờ chỉ vì chuyện không liên lạc được với tôi có mấy tiếng đồng hồ mà Phượng lại giận dỗi đến mức treo cổ tự tử. Tôi thật tình không hiểu nỗi điều quái quỷ gì đã xui khiến Phượng làm chuyện đó. Pháp y người ta đang khám nghiệm vì có thể Phượng bị giết chết trước rồi, việc treo cổ chỉ là hiện tượng giả để đánh lạc hướng mà thôi. Đó là ý của người ta, còn tôi, tôi cũng không nghĩ có ai đó giết Phượng. Giết gì cái gì chứ? Tất cả của cải trong nhà vẫn còn đủ, không mất một thứ gì, vậy là nhất định không phải giết người cướp của rồi. Còn giết vì thù oán, vì tình ư? Hạnh cũng biết rồi, cuộc sống của vợ chồng tôi rất bình thường, chưa hề có oán thù với ai, quan hệ của vợ chồng tôi lại rất đơn giản không có gì là phức tạp lăng nhăng, nên khả năng đó cũng không thể xảy ra. Tôi đang điên người thì nghe Hạnh nói hôm qua Phượng có đề cập tới chuỵên ma với Hạnh. Đúng là hơn một tuần trước, Phượng có nói với tôi:
- Anh ơi… em nói điều này anh đừng có la em nhe, từ nay hết giờ làm thì anh về nhà ngay với em đi, em ở nhà một mình sợ lắm. Hình như… hình như trong nhà mình có… có ma hay sao ấy!
Tôi phì cười vì thấy Phượng thật trẻ con. Lúc đó tôi cứ nghĩ cô ấy đưa ra lý do đó để tôi không la cà nhậu nhẹt với bạn bè thôi. Một lý do hết sức trẻ con, phải không Hạnh?
Thế nhưng tôi vẫn hỏi để trêu Phượng:
- Ma à? Sao em nói vậy? Em có thấy ma chưa?
Phượng ngồi sát vào tôi, thu hai chân lên ghế ra vẻ rất sợ sệt. Tôi còn thầm nghĩ cô ấy đang đóng kịch trước mặt tôi:
- Em… em… có lẽ em đã thấy rồi! Không rõ ràng lắm và lần nào sau đó em cũng có cảm giác giống như mình mới ngủ dậy nên cũng không chắc lắm. Nhưng anh à, là thật đó, không phải em mớ ngủ đâu…
- Ha ha ha… thật à? Sao? Ma hiện ra nói gì với em?
Tôi bật cười.
Phượng giận dỗi:
- Anh không được cười nhạo em, anh phải tin em chứ! Em nói thật đấy, không phải em bịa ra đâu…
Vì không muốn Phượng hờn nên tôi làm ra bộ nghiêm chỉnh:
- Thì anh lúc nào chẳng tin em? Nào, kể anh nghe đi, em thấy gì?
Phượng run run:
- Lần nào em cũng chỉ thấy loáng thoáng bóng một người, không rõ là đàn ông hay đàn bà nữa… Bóng người đó cầm trên tay một sợi dây dài lắm, một đầu có thắt vòng tròn. Người đó cứ vung vẩy sợi dây trước mắt em, đồng thời bên tai em lại văng vẳng nghe như có ai đó rủ rê cùng tham gia chơi một trò chơi rất lý thú. “Nào, chui đầu vô vòng dây, chui đầu vô… sẽ khám phá…”. Tiếng nói ấy cứ không ngừng thúc giục em…
Đến nước này thì tôi không thể nín cười được nữa. Tôi cười bò ra, cười chảy cả nước mắt. Vừa cười tôi vừa nói:
- Em ơi em, bắt đầu từ ngày mai, em nên viết văn đi, đầu óc em tưởng tượng hay lắm! Em mà viết, anh bảo đảm bà J. K. Rowling tác giả của bộ sách Harry Potter nổi tiếng thế giới sẽ phải nghiêng mình chào thua em đó. Và tên em sẽ được nằm trong danh sách những người có thu nhập cao nhất thế giới vào một ngày không xa!
Phượng đấm thùm thụp vào lưng tôi, lấy gối ném vào tôi loạn xạ, tôi vừa chạy tránh vừa cười không ngớt.
Vì tôi cười quá nên Phượng cũng thôi không giận nữa và tôi cũng xem đó là một sự vòi vĩnh trẻ con của Phượng mà thôi.
Thật không ngờ… tôi thật không sao ngờ được Phượng lại chết bởi cái vòng dây mà đã có lần Phượng đề cập tới…
Hạnh ơi… trước nay tôi không tin vào chuỵên ma quỷ, nhưng… trước sự việc này, tôi hoang mang quá! Hạnh nói gì đi, nhận xét của Hạnh về chuyện này ra sao?
Tôi thật sự bối rối trước vẻ hoảng loạn và tuyệt vọng của Nam.
Là người theo đạo Công giáo, tôi không bao giờ tin vào chuyện ma quỷ, nhưng những gì Nam vừa nói cũng khớp với mẹ Phượng nói lúc nãy. Vậy chuyện đó có dính dáng gì tới cái chết của Phượng hay không?
Mây mặt xanh như tàu lá, tay nó bấu chặt vào tay tôi mà vẫn run lên bần bật.
- Chị ơi… có khi nào… ma thần vòng đã giết chết chị Phượng của em không?
Tôi hít vào một hơi thật sâu và cố nói giọng thật bình tĩnh:
- Em để cho chị có thời gian suy nghĩ đã! Mọi việc quá bất ngờ và nằm ngoài hiểu biết nên chị không thể có kết luận gì được trong chuyện này. Đúng là chiều hôm qua, lúc gặp chị trên đười, Phượng có nhắc tới chuyện ma quỷ gì đó nhưng chị không quan tâm lắm. Ai dè hôm nay lại ra sự thể thế này… Thôi, Nam với Mây vô nhà lo sắp xếp công việc đi…
Nam gục mặt xuống gối nấc lên mấy cái liên tiếp rồi đứng lên lảo đảo đi vô nhà như người say rượu.
Tôi nhìn theo Nam mà thấy lòng dâng lên một nỗi niềm chua xót…
Nam và Phượng yêu nhau từ lâu, nhưng hai đứa cứ chờ đợi khi nào công việc thật ổn định mới tiến tới hôn nhân.
Cưới nhau hơn hai năm rồi mà vẫn chưa có con, nhưng chúng nó vẫn rất hạnh phúc, hai vợ chồng yêu thương gắn bó với nhau không ai không nhìn thấy. Vậy mà…
Mây đứng im bên cạnh nhìn tôi một lúc rồi lại khóc thút thít:
- Hồi chị Phượng còn sống, đôi khi em có gây ra lỗi lầm với chị ấy, nhưng… bây giờ em biết em thương chị ấy biết bao nhiêu… Giá mà chị ấy chỉ bị xỉu thôi chứ không phải chết, để chút nữa chị tỉnh lại, em sẽ nói với chị lời xin lỗi…
Tôi vuốt tóc con bé, an ủi nó:
- Không sao đâu, Phượng sẽ hiểu lòng thôi mà, em đừng dằn vặt mình nữa…
Mây vừa tốt nghiệp cấp ba, đang chờ kết quả kỳ thi Đại học tháng rồi. Hồi đó, thỉnh thoảng Phượng có kể với tôi, Mây thường nói ra nói vào để mẹ chồng Phượng có cái nhìn không tốt về cô. Nhưng giờ đây, chắc có lẽ Phượng cũng đã hiểu rồi, vì tính ích kỷ trẻ con nên Mây mới có những hành động đó, chứ thật ra cô bé cũng đâu có oán ghét gì Phượng!
Mây kéo tay tôi:
- Chị, chị đi với em vô phòng chị Phượng…
Tôi toan hỏi “để làm gì?” nhưng không hiểu sao tôi lại chẳng nói gì mà chân cứ bước theo Mây một cách lặng lẽ.
Mây đẩy cánh cửa chỉ khép hờ và lách mình vào trong, đồng thời nó cũng lôi tôi vào theo rồi khóa trái cửa lại.
Phòng của Phượng là một căn phòng rộng rãi và có phần hơi sang trọng. Hôm trang trí, Phượng có nói với tôi:
- Từ nhỏ tao đã phải sống trong cảnh nghèo nàn, mấy chị em phải chen chúc trong một ngôi nhà bé như hộp diêm. Đến lúc lấy chồng cũng không khá mấy, hai vợ chồng đêm đêm không dám cười đùa giỡn hớt vì sợ mấy đứa em chồng ở bên kia tấm vách mỏng tang nghe được. Nay nhờ trời mới mua được một ngôi nhà thế này, tao phải ráng tự thưởng cho mình để bù đắp lại!
Là người phụ nữ chu đáo nên căn phòng của Phượng mọi thứ đều gọn gàng ngăn nắp.
Mây chỉ tay vào xấp áo quần để trên giường nghẹn ngào nói:
- Lâu nay em thấy chị Phượng mỗi khi ra đường đều đẹp đẽ, em cứ tưởng chị ấy lo cho bản thân nhiều lắm, ai ngờ lúc nãy khi soạn đồ chuẩn bị lát nữa pháp y khám nghiệm xong tẩm liệm chị em mới hay quần áo chị không có bao nhiêu, mà có những bộ chị mặc từ hồi mới cưới, nhưng chắc do chị kỹ lưỡng nên cái nào cũng như còn mới. Chị biết không, đồ chị ấy còn ít hơn đồ của anh Nam nữa đó…
Nói xong Mây lại khóc tức tưởi, chắc cô bé thương cho sự hy sinh của chị dâu mình.
Tôi không biết nói gì, thật sự không biết phải nói gì trong hoàn cảnh như thế này. Nỗi đau trong lòng tôi còn như thế, huống hồ chi những người thân yêu trong gia đình của Phượng!
Dẫu ai cũng biết rằng sự sống và cái chết vốn dĩ chỉ cách nhau một lằn ranh nhỏ hơn sợi tóc, thế nhưng tôi không thể nào ngờ được Phượng lại chết một cách nhanh chóng và đầy bí ẩn như thế.
Càng nghĩ tới cái chết của Phượng tôi càng cảm thấy bất an. Tôi hiểu, Phượng không phải là loại người dễ đầu hàng số phận dù cho có gặp nhiều gian khổ thử thách, thì không thể nào Phượng lại tự mình tìm tới cái chết thảm thiết như vậy!
Tôi đưa mắt nhìn khắp nơi trong phòng ngủ của Phượng và vô tình mắt tôi chạm phải cuốn sổ bìa đen khá dày đặt dưới gối. Bất chợt tim tôi run lên, một ý nghĩ chợt lóe sáng trong đầu tôi.
Tôi biết Phượng vẫn luôn có thói quen viết nhật ký mỗi ngày. Thói quen đó Phượng đã có từ thời chúng tôi còn học phổ thông.
Hình như chưa có một ngày mà Phượng không đặt bút vào nhật ký, mặc dù có hôm chỉ viết một vài câu ngắn ngủi, thậm chí chỉ một chữ như “buồn” hay “vui” chẳng hạn.
Hồi ở ký túc xá, có một lần Phượng bệnh rất nặng nhưng lại không nhắn về cho gia đình biết. Bạn bè cùng phòng thay nhau chăm sóc Phượng. Nó sốt mê man, nhưng dù tỉnh lại lúc giữa khuya hay bất cứ lúc nào nó cũng đòi chúng tôi đưa cho nó cây viết và quyển nhật ký.
Nó vẫn thường khoe với tôi, bây giờ gia tài lớn nhất của nó nhật ký, nó đã có hàng mấy chục cuốn, mà cuốn nào cũng được nó giữ gìn, bảo quản rất cẩn thận.
- Sau này khi về già, tao sẽ đọc lại tất cả để hồi tưởng lại quá khứ của mình…
Nó tự hào nói với bạn bè như vậy.
Và một điều dặc biệt nữa là, Phượng chỉ viết nhật ký trên một loại sổ bìa đen có cùng một kích cỡ với nhau.
Cuốn sổ mà tôi tình cờ trông thấy kia đúng là giống với loại sổ Phượng dùng để viết.
Đúng rồi! Chắc chắn những sự việc gì xảy đến với Phượng mấy lúc gần đây chắc chắn là Phượng sẽ ghi vào nhật ký của mình. Đọc được nhật ký của Phượng thì mọi việc sẽ sáng tỏ thôi mà!
Tôi quýnh quánh mở cửa chạy ra ngoài bỏ mặc Mây đang ngơ ngác nhìn theo không biết tôi vừa gặp phải điều gì ?
Tôi quáng quàng chạy đi tìm Nam, nhưng chợt thấy Nam đang trao đổi gì đó với nhà chức trách nên tôi đành phải khựng lại đứng chờ.
Mãi một lúc lâu sau, những người có thẩm quyền trong việc điều tra cái chết bất ngờ của Phượng đã lục tục ra về, Nam thẩn thờ ngồi phịch xuống ghế, mặt nghệch ra như người ngây dại.
Mẹ Phượng hấp tấp tiến lại gần Nam hỏi:
- Kết quả ra sao con?
Nam ngước đôi mắt đỏ hoe lên nhìn bà mẹ vợ, đau đớn nói:
- Bước đầu, người ta nhận định đúng là Phượng chết do thắt cổ…
Bà mẹ bám tay vào thành ghế mà vẫn lảo đảo. Nam đứng phắt dậy đỡ lấy bà rồi dìu bà tới chiếc ghế tựa đặt bà ngồi vào ngay ngắn. Nam cũng không còn đủ tâm trí và sức lực để an ủi mẹ vợ câu nào, mà chỉ đứng thừ người ra một chỗ.
Tôi đi tới bên Nam, nói khẽ:
- Nam, Nam có biết Phượng có thói quen ghi nhật ký mỗi ngày không?
Nam gật đầu một cách hờ hững:
- Biết!
- Vậy Nam cho phép Hạnh được xem nhật ký của Phượng nghen, biết đâu sẽ tìm được nguyên nhân chính xác nhất dẫn đến sự việc đau buồn này, có như thế mọi người mới đỡ vằn dặt bản thân mình…
Tôi nói tiếp.
Mắt Nam chợt sáng bừng lên:
- Trời ơi, vậy mà tôi cũng nhớ ra! Cảm ơn… cảm ơn Hạnh thật nhiều…
Nam vừa nói vừa sãi chân bước vội vào phòng, bà mẹ Phượng cũng lập cập đi theo, tôi phải dìu một bên mới giúp bà đi được.
Khi tôi đưa mẹ Phượng vào phòng thì thấy Nam đang lục tung cái hộc tủ, lôi ra một đống sổ bìa đen và cầm lên từng cuốn để xem ngày tháng.
Tôi thấy mình cũng không cần giữ thái độ quá lịch sự trong giờ phút này nên đã tự tiện đi đến chỗ cuốn sổ bìa đen tôi vừa thấy lúc nãy và cầm nó lên nói với Nam:
- Đây rồi! Đây đúng là cuốn nhật ký gần đây nhất của Phượng!
Nam chồm tới cầm lấy cuốn sổ, nhưng rồi lại đưa cho tôi, run run nói:
- Hạnh… Hạnh làm ơn đọc lớn cho mọi người cùng nghe đi, chứ tôi…. Thật sự tôi không biết mình có đọc được không nữa…
Tôi liếc nhìn vẻ hồi hộp của mẹ Phượng, của Nam, của Mây và lắng nghe tiếng tim mình đang đập thình thình trong lồng ngực.
Tôi mở suốn nhật ký ra, định đọc nhưng chợt nhớ:
- Mình phải đọc ngược mới đúng, phải không Nam? Như vậy sẽ nhanh tìm ra điều cần tìm hơn…
Nam gật đầu.
Tôi lại xoay ngược cuốn nhật ký và bắt đầu đọc ngược lên:
“Ngày… tháng… năm…
Tại sao không ai chịu tin những điều mình kể nhỉ? Cả anh Nam, cả mẹ nữa đều coi đó là trò nũng nịu trẻ con hoặc là những ý nghĩ hoang tưởng của mình. Không ai giúp mình xua tan nỗi lo âu sợ hãi ấy…
Chiều nay tình cờ gặp Hạnh, mình mừng quá nhưng không thể kể với nó tất cả ở giữa đường giữa chợ như vậy! Chán thật, có một đứa bạn thân mà nó cứ đầu tắt mặt tối, đã mấy lần mình đến tìm nhưng nó vẫn không có nhà. Mình hy vọng nó sẽ không cho là mình hoang tưởng… Nhưng mà… hình như ngay cả nó cũng đâu có tin?
Hay là mình hoang tưởng thật? Trời, nếu vậy là thần kinh mình có vấn đề trầm trọng rồi! Tại vì tất cả những điều mình nghe và thấy rất thật, không giống những hình ảnh trong mơ… Cả cái trò chơi quái quỷ đó nữa… Đó là trò chơi gì mà sao lần nào nghe tiếng rủ rê là mình lại cảm thấy háo hức, một cảm giác rất lạ, muốn được chui ngay đầu vào đó…
Sao thế nhỉ? Mình không hiểu nổi…
Ngày… tháng… năm…
Anh Nam ơi… tối nay anh lại về muộn rồi! Anh có biết không, mấy lúc gần đây mỗi khi em ở nhà một mình em lo sợ vô cùng, em muốn có anh bên cạnh biết bao! Bởi vì những lúc có anh thì không bao giờ em trông thấy những điều như thế… Mà anh lại chẳng chịu tin em. Anh nghĩ em kiếm cớ sợ ma để ép anh về nhà, không cho anh bù khú với bạn bè chứ gì?
Em khổ quá… kể với anh, anh không tin, kể với mẹ mẹ lại bảo em rảnh rỗi quá nên đâm ra vớ vẩn…
Đôi lúc em muốn đi chơi đâu đó, rồi đợi khi nào anh về anh gọi điện em mới về nhà. Nhưng anh à, em không làm vậy được! Đây là nhà mình, là tổ ấm mà lâu nay vợ chồng mình mơ ước, em phải chăm lo săn sóc nó, em không thể bỏ nhà bỏ cửa mà đi chơi lang thang một mình được…
Ngày… tháng… năm…
Anh ơi, em sợ quá… Cái hình bóng ma quái ấy vẫn không chịu buông tha em mà hình như càng ngày nó càng bám chặt lấy em hơn. Trước đây chỉ những đêm anh vắng nhà em mới trông thấy nó, nhưng hai hôm nay nó xuất hiện cả vào ban ngày. Và… anh biết không, cái tiếng gọi mời thúc giục em tham gia vào cuộc chơi ấy mỗi lúc một thêm mãnh liệt. Nó như có một sức mạnh thần bí lôi kéo em, khiến em rất muốn chơi… nhưng mà lúc tỉnh táo lại em bỗng thấy sợ, sợ vô cùng, anh có hiểu không?
Em linh cảm có một điều gì đó không hay đang lảng vảng bên mình. Em thèm được sự bảo vệ chở che của anh, của gia đình, nhưng giờ không ai giành cho em điều đó cả! Trước mắt mọi người em chỉ là một đứa ngớ ngẩn mà thôi….
Anh, hồi bé em có nghe kể về một loài ma tên gọi Ma Thần Vòng, chuyên đi thắt cổ người khác. Bây giờ bỗng dưng em liên tưởng tới điều đó… Có khi nào Ma Thần Vòng đang muốn bắt em đi nên nó mới thúc giục em chui đầu vào vòng dây đó?
Anh ơi… nếu một ngày em không còn đủ sức chống chọi lại với sức cám dỗ của lời gọi mời thúc giục kia, em chui đầu mình vào vòng dây oan nghiệt đó thì chắc… thì chắc vợ chồng mình sẽ không bao giờ còn gặp nhau được nữa… Lúc đó anh có ân hận vì đã không tin lời em thì cũng đã muộ rồi…
Nhưng anh ơi, em không buồn, không trách gì anh đâu, bởi nếu phải thế thì có lẽ là tại số phần em đã đặt để vậy rồi anh ạ…
Nhưng thôi, em cứ cầu mong em đúng là hoang tưởng như mọi người nhận định đi, để mình mãi được bên nhau, vì… vì mình vẫn còn chưa kịp có con với nhau mà, phải không anh?
Ngày… tháng… năm…
Đó là trò chơi gì nhỉ? Tại sao những lúc không nghe có tiếng nói bên tai nhưl úc này thì mình lại sợ hãi chứ không hề có một chút xíu nào sự háo hức, tò mò muốn thử chơi một lần cho biết. Nhưng lúc đó, lúc bóng người đó lượn lờ trước mặt và giọng nói văng vẳng bên tai thig mình lại ham thích đến vậy?
Cái gì đã xui khiến mình? Có trời mới biết được!
Chán nản quá! Mình thật sự chán nản rồi!
Anh Nam ơi, anh cứ đi mãi, cứ vui chơi với bạn bè mà không biết vợ anh đang phải sống trong hoảng loạn thế này đây….
Em phải làm sao đây? Tôi phải làm sao đây?
Có ai không? Có ai giúp tôi không?....”
Đọc tới đâu nước mắt tôi tràn ra tới đó, những giọt nước mắt nóng hổi, nặng trĩu rớt lộp độp xuống những trang nhật ký còn tươi rói màu mực mới…
Mẹ Phượng oằn người xuống, bà không khóc nên lời…
Nam đứng chết trân giữa nhà, cơ mặt hai bên không ngừng giật giật liên tục…
Tôi hiểu, lúc này hai người đau đớn nhất chính là mẹ và chồng của Phượng.
Cả hai đau nỗi đau mất đi người yêu thương, đồng thời còn cộng thêm nỗi ân hận dày vò, cắn rứt…
Nam khoát tay ra hiệu cho tôi đừng đọc nữa. Mà nếu Nam không bảo thì tôi cũng không còn sức. Tất cả những điều đó ngoài sức chịu đựng của tôi rồi. Tôi gần như té ngồi xuống sàn nhà, và tôi bật khóc nức nở…
Theo yêu cầu của Nam, chuyện cuốn nhật ký không được để lọt ra ngoài để tránh những lời xầm xì bàn tán gì thêm nữa.
Đám tang Phượng diễn ra trong nước mắt của bao người thân yêu còn đang hiện diện nơi trần thế…
Sau đám tang, Nam như biến thành một người hoàn toàn khác. Trước đây Nam là một người vui vẻ hoạt bát, ở đâu có sự hiện của Nam là có những câu chuyện bông đùa, những lời tiếu lâm chọc cười khiến ai cũng cảm thấy không khí tươi vui phấn khởi.
Còn bây giờ Nam như kẻ không hồn, suốt ngày vào ngơ ra ngẩn. Công việc Nam vẫn hoàn thành tốt, nhưng anh lặng lẽ, trầm tư u uất đến nỗi đứng gần anh người khác không dám ho, làm như sợ phá vỡ đi không khí của riêng anh vậy!
Mấy lần vợ chồng tôi tới thăm, Nam vẫn tiếp đón bình thường, vãn nhắc tới những kỷ niệm trước đây của bốn đứa. Nhưng tuyệt nhiên Nam không lần nào nhắc tới mấy cuốn nhật ký của Phượng nữa.
Tôi nghĩ có lẽ Nam đau lòng lắm khi nghĩ mình đã gián tiếp đẩy vợ vào cái chết.
- Em thật không hiểu nổi… Thật sự trên đời này có sự hiện diện của ma sao anh?
Một lần tôi đã hỏi chồng tôi như vậy.
Chồng tôi là một nhà khoa học có tài, tôi nghĩ anh sẽ mắng tôi đi tin vào những điều viễn vông, phản khoa học. Nhưng thật bất ngờ khi chồng tôi lại nói:
- Cho đến ngày nay, mặc dù con người đã khám phá ra rất nhiều điều, đã đi lên được mặt trăng, đã xuống tận đáy đại dương để thám hiểm, nhưng vẫn còn những điều mà nền khoa học tiến bộ vẫn chưa tìm hiểu nghiên cứu được, một trong số đó là các hiện tượng siêu nhiên như ma quái chẳng hạn… Bởi thế anh cũng không dám nói chắc điều gì về lĩnh vực này em ạ!
Tôi càng hoang mang dữ hơn nữa khi nghe chồng tôi nói thế.
Đến thăm mẹ Phượng, thấy bà gầy rộc đi, mái tóc trên đầu đã không còn nhìn thấy sợi màu đen nữa, tôi nghe lòng mình đau đớn quá!
Một hôm, bà cụ nắm chặt tay, nhờ cậy:
- Hạnh ơi, con ráng giúp bác… con tìm hiểu xem ngôi nhà đó có gì bí ẩn không? Bác… thật sự bác không thể yên tâm trước sự ra đi đột ngột của Phượng…
Tôi vuốt ve bàn tay gầy guộc, nhăn nheo của bà:
- Bác yên tâm đi, con sẽ thay bác đi tìm hiểu tất cả mọi việc xung quanh ngôi nhà đó!
Nói là làm, ngay ngày hôm sau, tôi bắt đầu tranh thủ mấy ngày nghỉ phép để loanh quanh đi vào khu vực gần đó tìm hiểu.
Chỉ sau hai lần ngồi quán cà phê và mấy bữa ăn sáng ở đầu hẻm, thì tôi đã nắm được nhiều điều quan trọng mà trước đây khi mua nhà Phượng và Nam đã sơ suất bỏ qua không tìm hiểu, hoặc do không tin tưởng vào ma cỏ nên hai đứa nó không quan tâm dù có nghe kể loáng thoáng.
Theo như người ta kể lại, chủ nhân của ngôi nhà đó là một cặp vợ chồng rất giàu có nhưng lại không con.
Người chồng sinh thói trăng hoa, ve vãn cô gái giúp việc. Một thời gian sau tình cờ bà vợ phát hiện ra và làm dữ, buột hai người phải cắt đứt. Cô gái giúp việc khóc lóc van xin khiến bà chủ nhà cũng động lòng nên không đuổi đi mà chỉ bắt thề thốt là sẽ không dính dáng tới ông chủ nữa, nếu không giữ đúng lời hứa sẽ phải treo cổ chết tại đây.
Bẵng đi một thời gian dài im ắng, bà chủ nhà cũng đã mừng thầm vì chồng mình đã sửa đổi và con bé giúp việc cũng biết giữ lời.
Có ai đâu ngờ, cả hai người qua mặt bà một cách trắng trợn mà bà không biết được. Đến lần thứ hai phát giác ra chồng và người ở cấu kết nhau lừa gạt mình, bà tức lồng lộn. Trong cơn ghen điên cuồng, bà đã bắt buộc cô gái kia thực hiện lời thề.
Cô gái không mảy may run sợ vì tin chắc đã có sự bảo vệ của người tình.
Cô ung dung cầm sợi dây, bắt ghế đứng lên để quấn đầu dây vào cổ mình với sự tưởng tượng tình nhân yêu quý của mình sẽ nhào tới đấm mạnh vào mặt bà vợ và chạy tới bế thốc lấy mình mà đưa xuống!
Cô không ngờ người tình của cô tuy là kẻ trăng hoa nhưng khi đứng trước mặt vợ, ông lại yếm thế và nhát gan còn hơn thỏ đế. Ông không dám phản kháng lại bất kỳ điều gì vợ ông ra lệnh.
Khi cô gái bắt đàu chui đầu vào vòng dây, bà vợ trừng mắt nhìn chồng và quát lớn:
- Ông cút mau xuống nhà dưới cho tôi!
Thế là ông riu ríu làm theo, không còn dám đoái hoài gì đến người tình bé nhỏ của mình đang nằm trong tay con sư tử Hà Đông đang cơn thịnh nộ.
Ông vừa quay lưng đi khuất bên hiên nhà, bà vợ nhanh chân đá bay cái ghế mà cô gái đang đứng. Đá ghế xong bà cũng bỏ xuống nhà sau cùng chồng, không thèm chứng kiến sự giãy giụa đau đớn của người tớ gái.
Sau cái chết của cô người ở, nghe đâu vợ chồng bà cũng phải chạy chọt dữ dằn lắm mới ém nhẹm được vụ việc đó. Rồi theo năm tháng mọi việc cũng lắng xuống. Và ai cũng biết một điều rằng người giàu có thể bỏ tiền ra để che kín bầu trời!
Nhưng cũng từ sau cái chết của người tớ gái, bà chủ nhà không còn được sống thanh thản được. Đi tới bất kỳ chỗ nào trong nhà mình bà cũng thấy thấp thoáng dáng hình cô người ở.
Rồi đêm đêm, có người xách vòng tới tìm bà làm bà ăn ngủ không yên suốt mấy tháng trời.
Cuối cùng, không thể chịu đựng nỗi, vợ chồng bà quyết định bỏ quê hương xứ xở để ra đi, hy vọng sẽ quên hết, sẽ xóa nhòa hết những tội lỗi trong quá khứ.
Ngôi nhà đó hai vợ chồng tặng lại cho người cháu.
Ban đầu người cháu cho thuê.
Nhà rộng, đẹp và thoáng mát nên có rất nhiều người tranh nhau thuê mướn. Nhưng không có một ai ở đó được quá ba tháng. Cuối cùng, tiếng tăm đồn thổi quá nên không còn ai hỏi mướn nữa, người cháu đành phải đóng cửa để hoang mãi cho tới khi bán được nó cho vợ chồng Phượng.
Những người dân sống gần đó đã từng đồn đại trong nhà ấy có con ma thần vòng rất đáng sợ, nó đang tìm kiếm người thay thế canh giữ cái vòng cho nó được đi đầu thai.
Vì theo truyền thuyết kể lại, Ma Thần Vòng phải giữ lấy cái vòng đó, không được xa rời nó, chỉ khi nào trao nó lại cho người “kế nhiệm” thì mới được tự do đi đầu thai kiếp khác, còn nếu như không bắt được người để thế chỗ thì vĩnh viễn nó phải sống kiếp Ma Thần Vòng như thế!
Đêm đêm, thỉnh thoảng người ta nghe có tiếng khóc than vang lên trong ngôi nhà ấy. Nhưng ngoài những chuyện đó, Ma Thần Vòng chưa hề xuất hiện bên ngoài ngôi nhà, nó cũng không nhát ai trong xóm, nên dần dần người ta cũng quên lãng nó đi.
Khi nghe tôi kể lại tất cả những điều đó, mẹ Phượng và Nam vô cùng lo sợ. Họ sợ vong hồn của Phượng bị bắt buộc thay thế làm người giữ vòng dây và phải sống vật vờ như thế mãi cho tới khi tìm được người thay thế nữa.
Mẹ Phượng khóc lóc, kể lể:
- Con ơi là con, con còn quá trẻ, tại sao lại phải lâm vào hoàn cảnh khốn khổ như vậy? Chi bằng mẹ sẽ hy sinh cái thân gì để cho con gái của mẹ được siêu thoát…
Rồi như nhớ ra điều gì, bà chồm lên nói với Nam:
- Đúng rồi, ngay hôm nay mẹ sẽ dọn về đó ở. Mẹ sẽ tình nguyện chui đầu vào vòng dây để con gái của mẹ được tự do… Mẹ sẽ về đó ở…
Tôi và Nam hết lời can ngăn nhưng vẫn không cản được sự quyết tâm của một bà mẹ thương con, muốn hy sinh thân mình vì con…
Tôi thất thểu ra về, lòng nặng trĩu như đeo đá.
May mắn làm sao hôm đó mẹ tôi từ dưới quê lên chơi. Trông thấy vẻ mặt khó coi của tôi, mẹ lo lắng hỏi:
- Bộ vợ chồng chúng bây có chuyện không vui à?
Tôi lắc đầu:
- Không đâu mẹ! Mẹ còn nhớ Phượng không? Phương chơi thân với còn từ hồi còn ở dưới quê mình ấy!
Mẹ tôi gật đầu:
- Nhớ chứ sao không con, giờ nó chồng con gì chưa?
- Nó chết rồi mẹ ạ, thắt cổ chết!...
Tôi nói nhỏ.
Mẹ tôi giật bắn cả người:
- Sao? Chết rồi à? Thắt cổ à? Trời… sao lại đến nông nỗi đó? Chồng nó phụ bạc hay sao thế?
Tôi lắc đầu nhè nhẹ và kể lại toàn bộ câu chuyện cho mẹ tôi nghe, không giấu cả việc mẹ Phượng khăng khăng đòi hy sinh cho Phượng.
Mẹ tôi cau mày suy nghĩ một lát rồi bảo:
- Con ăn cơm đi rồi chở mẹ đi đằng này một chút!
Tôi hơi phật ý vì thấy mẹ không quan tâm tới bạn của con mình mà giữa lúc này lại nói tới việc kêu tôi chở đi thăm viếng ai đó.
Nhưng dẫu bất bình mẹ tôi cũng đâu dám cãi.
Tôi lẳng lặng xuống bếp ăn cơm rồi trở lên nói với mẹ:
Trong lúc tôi ăn cơm thì mẹ đã chuẩn bị quần áo xong xuôi rồi, nên tôi vừa cho xe nổ máy thì mẹ đã ra đến.
- Đi đâu mẹ?
- Đi tới chùa nào gần đây nhất!
Mẹ bảo:
- Đi chùa? Không phải mẹ đi thăm người quen sao?
Mẹ tôi điềm tĩnh trả lời:
- Thăm người quen thì mẹ sẽ đi vào lúc khác, giờ phải lo cho bạn con trước đã chứ!
Tôi giật mình hối hận vì lúc nãy mình đã trách oan cho mẹ. Mặc dù tôi chỉ lo mơ đoán rằng mẹ đi chùa để cầu an cho Phượng nhưng tôi thật sự cảm động trước hành động này của mẹ.
Tôi chở mẹ đi lòng vòng một lát, thấy một ngôi chùa nhỏ trong hẻm vắng tôi liền rẽ vào.
Mẹ xuống xe, tất tả đi vào chánh điện để thắp nhang vái lạy.
Tôi theo công giáo nên chưa khi nào thắp nhang hay cúng bái, tôi chỉ đứng bên ngoài quan sát mẹ mà thôi.
Khi đã thắp nhang khắp lượt các bàn thờ trong chánh điện, mẹ tôi tìm gặp sư trụ trì và hai người nói chuyện gì đó với nhau rất lâu.
Tôi ngồi đợi mẹ ngoài sân chùa với một niềm hy vọng mơ hồ, tôi cũng chẳng biết mình hy vọng điều gì nữa?
Phượng thì đã chết rồi, không thể hy vọng ngày mai ngày kia nó sẽ sống lại như trong truyện cổ tích hay như trong các bộ phim kiếm hịêp được!
Ở đời sống thực tế này một khi đã chết, đã được chôn sâu dưới ba tấc đất nhiều ngày qua thì không thể có khả năng nào sống trở lại được.
Vậy thì tôi đang hy vọng điều gì?
Có lẽ tôi hy vọng một sự yên bình cho những người thân của Phượng. Mẹ Phượng, chồng Phượng, những người trong gia đình Phượng đang từng giờ từng phút hối hận ăn năn vì những điều đã gây ra cho Phượng, vì đã vô hình trung không đưa tay ra cứu vớt Phượng giữa lúc cô cần sự giúp đỡ đến cháy lòng….
Tôi chỉ biết hy vọng thế mà thôi chứ còn biết hy vọng điều gì nữa?
Lâu lắm mẹ tôi mới chào sư cụ để ra về. Vẻ mặt mẹ lúc này đã có vẻ giãn ra không còn căng thẳng nữa.
Ngồi lên xe, mẹ bảo:
Tôi ngoan ngoãn làm theo lời mẹ. Cxung may hôm nay có Nam ở nhà vào giờ này.
Sau một hồi lâu thăm hỏi ân cần, mẹ tôi vào đề một cách thẳng thắn:
- Bác đã nghe Hạnh kể về chuyện không may của gia đình cháu. Từ lâu nay bác vẫn luôn thương yêu quý mến Phượng gần giống như Hạnh, bác coi Phượng cũng như con gái của mình vậy. Nghe tin này bác cũng đau lòng lắm. Có thể con là đàn ông con trai, con không tin vào những chuyện mê tín dị đoan, nhưng bác xin phép con cho phép bác được cúng kiếng một chút tại đây để cầu siêu cho vong linh của Phượng. Rất mong con đừng từ chối.
Nam rơm rớm nước mắt:
- Thưa bác, con vô cùng cảm động trươc tình cảm bác dành cho vợ con. Nay nó đã không còn mà bác vẫn nhớ và tới thăm đã là một điều quý báu, bác còn muốn cúng cầu siêu cho vợ con nữa thì con càng đội ơn bác nhiều hơn, làm sao ocn dám không đồng ý ạ?
Được sự đồng ý của Nam, mẹ giục tôi xách xe chạy đi đón mẹ Phượng và ra chợ mua đủ thứ hoa quả, giấy tiền vàng bạc, và đặc biệt là hình nhân một người nữ.
Tôi làm theo mọi điều mẹ sai bảo mà không dám thắc mắc bất cứ điều gì.
Chẳng mấy chốc, mẹ tôi đã bày lên trên bàn thờ Phượng một mâm cúng tươm tất.
Mẹ thắp nhang, lầm rầm khấn vái gì đó rồi bưng ly nước để ngang trán lẩm nhẩm đọc kinh.
Đọc kinh xong, mẹ cầm ly nước vừa nãy tưới đều xuống nền nhà rồi rót thêm một ly nước khác, lặp lại quá trình giống y như thế, nhưng chỉ khác một điều là ở khâu cuối cùng, mẹ không tưới xuống nền nhà nữa mà lấy cành hoa nhúng vào ly nước đó rồi vẩy vẩy cho nước văng ra khắp bàn thờ Phượng.
Sau hàng loạt câu kinh kệ, cuối cùng mẹ tôi cầm hình nhân lên và đốt cháy.
Hình nhân rất to, khi mẹ đốt tôi có cảm tưởng như từ trong đám lửa rừng rừng đó đang bước ra ngoài một người con gái hoàn toàn xa lạ, rồi từ bên trong, loáng thoáng bóng một người quen quen tiến ra chầm chậm. Cái bóng người đó được bao quanh bằng một vầng mây xám xịt, dơ bẩn, nhưng tôi vẫn nhận ra.
- Phượng! Trời ơi… đúng là Phượng rồi! Phượng kìa bác ơi, Nam ơi…
Tôi gọi giật giọng dù tôi thấy rõ ràng lúc này mẹ Phượng và Nam cũng đang ngây người ra nhìn chăm chú giống như tôi.
Phượng nhìn mẹ, nhìn Nam thật buồn rồi nó khẽ liếc qua tôi, nhẹ gật đầu như lời chào hỏi…
Nó không nói gì, không tỏ một thái độ gì rõ rệt, chỉ thoáng hiện ra trước mắt chúng tôi, rồi lờ đờ đi tới cô gái hình nhân đang đứng đợi.
Trên tay Phượng là một sợi dây thật dài mà ở một đầu có thắt một vòng tròn rất khéo!
Phượng chầm chậm giơ cái vòng lên, chầm chậm tròng vào đầu cô gái hình nhân rồi ra sức thít chặt. Cô gái hình nhân kêu lên ằng ặc, lưỡi thè ra dài và đỏ lòm rất đáng sợ. Hai mắt cũng bắt lồi ra một cách khủng khiếp. Và chỉ một loáng, cô gái hình nhân biến mất, chỉ còn lại mấy vụn tro tàn bay lả tả dưới nền nhà.
Phượng quay lại nhìn chúng tôi thật âu yếm.
Nó đưa tay lên vẫy chào chúng tôi rồi từ từ, từ từ bay lên khỏi mặt đất. Xung quanh nó bây giờ không còn đám mây màu xám xịt lúc nãy nữa mà là một vầng hào quang lấp lánh, nó như đang đứng trên một chiếc cầu vồng đủ màu sắc.
- Phượng ơi… con đã thật sự được siêu độ rồi phải không con?
Lúc này mẹ tôi đã hoàn thành xong công việc, bà tới bên đỡ mẹ Phượgn dậy. Hai người bạn già tựa vào nhau cùng hướng nhìn lên bầu trời, ở đấy đang có một chiếc cầu vồng rất lớn nằm vắt ngang qua.
Văng vẳng trong gió, nghe như có tiếng chim hót, tiếng gió xạc xào và cuối cùng tất cả lắng đọng lại, nghe từ xa xăm vọng về tiếng của Phượng:
- Chào tất cả những người thân yêu… Con đã mãn số rồi, xin mọi người đừng quá đau lòng mà hãy an hưởng bình yên trong những ngày còn lại… Xin chào tất cả, con đi…
Nước mắt đang chảy tràn trên mặt hai người đàn bà lớn tuổi và cả trên mặt tôi và Nam, nhưng có lẽ trong lòng của mỗi người giờ đây đã vơi bớt phần nào niềm đau đớn…
Tối hôm đó trong giấc mơ tôi gặp Phượng.
Biết Phượng không còn, nhưng trong mơ tôi vẫn rất vui mừng ôm chầm lấy cô bạn thân thiết và cả hai cùng khóc một hồi lâu.
- Mầy đừng buồn, mỗi người đèu có một phần số riêng, mình không sao biết trước được. Tao đã trả xong nợ trần gian, giờ đây tao không đầu thai làm người nữa. Tao xin mầy hãy vì tình bạn của chúng mình mà giúp tao dòm ngó mẹ già và tìm người thay tao chăm sóc, lo lắng cho anh Nam.
Phượng cầm tay tôi nói như cầu xin.
Tôi ngắc ngứ:
- Tao… làm sao tao tìm được ai để thay mầy làm chuyện đó? Việc trông mẹ mầy thì có thể tao làm được, còn chuỵên này thì…
Thấy tôi thoái thác, Phượng mỉm cười:
- Mầy đừng lo, tất cả sẽ đi đúng theo con đường của nó mà thôi, tao nhờ mầy như thế mầy cứ nhận lời đi, rồi sau này mầy sẽ thấy…
Tôi chưa kịp nói lời gì thì thoắt một cái Phowjng đã biến mất, chỉ để lại một mùi hương thoang thoảng quanh tôi.
Giật mình thức dậy, tôi vẫn còn nghe mùi hương đặc biệt đó phảng phất bên mình.
***
Tám năm sau.
Mẹ Phượng đã mất sau một trận bệnh kéo dài hơn tuần lễ.
Các em của Phượng đều đã có gia đình và cuộc sống riêng của mỗi đứa.
Nam lúc này cũng đã có hai đứa con một trai một gái sinh năm một, đứa nào cũng kháu khỉnh đáng yêu.
Vợ Nam sau này chính là cô văn thư ở cơ quan tôi. Trong một lần đến nhà tôi dự tiệc, tình cờ hai người gặp gỡ và cảm mến nhau.
Nhận thấy tình cảm giữa họ có chiều hướng phát triển, chợt nhớ lại lời của Phượng trong giấc mộng trước đây nên tôi đã ra sức vun vào.
Ừ, cuối cùng rồi thì mọi việc cũng đã đi theo đúng của mình rồi, phải không Phượng?
Tôi thầm nghĩ như thế và thấy lòng mình nhẹ nhõm…
www.mietvuon.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét