CHUYẾN DU LỊCH KINH HOÀNG
Phấn là một đứa nhát gan, từ lúc nhỏ đã được bạn bè đặt cho một biệt danh là “Thỏ đế” để chỉ cái tính nhút nhát của nó.
- Tại lúc tui đẻ nó ra nhằm ban ngày nên nó nhát vậy đó!
Mẹ Phấn thường lý giải cái sự nhát của nó như vậy. Theo quan niệm của bà và một số người khác, nếu đứa trẻ chào đời vào ban đêm nó sẽ gan lỳ, can đảm, còn những đứa được sinh ra vào ban ngày thì luôn nhút nhát, sợ hãi bóng đêm.
Phấn cũng nghĩ mình nhát là do nguyên nhân ấy.
- Còn thằng Điểm thì sao?
Nếu ai chơi cắc cớ hỏi vậy, mẹ nó chỉ biết cười trừ. Bởi hai đứa con được sinh ra chỉ suýt sau hơn chục phút mà tính tình lại trái ngược hoàn toàn!
Hồi nhỏ Phấn không bao giờ dám ra sân một mình khi trời sụp tối. Ngủ không dám nằm bên ngoài, lúc nào nó cũng phải chui rúc vào giữa ai đó mới được. Đêm ngủ mắc tiểu là nó lại khều mẹ hoặc chị dẫn nó đi, vừa đứng tiểu mà tay nó vẫn phải níu chặt lấy người bên cạnh.
Ai cũng tưởng khi lớn lên thì nó sẽ hết nhút nhát, nhưng mãi đến năm Phấn học lớp mười một nó vẫn như thế, có đỡ hơn được một việc là dám ngủ một mình và đi tiểu khỏi phải có người kèm theo.
Mà sự đời cũng lạ, những kẻ sợ ma lại luôn luôn thích nghe kể chuyện ma và trí tưởng tượng của họ lại vô cùng phong phú. Bất cứ một hình ảnh, một sự vật nào đi qua mắt họ, vào một thời điểm nào đó thích hợp đều có thể biến thành méo mó, ma quỷ một cách rất lô- gích.
Phấn là một điển hình.
Khác với Phấn, Điểm lại vô cùng gan dạ. Điểm là em song sinh với Phấn, hai anh em từ nhỏ luôn học cùng lớp với nhau.
Cuối năm lớp mười một, cả lớp tổ chức đi tham quan Đà Lạt. Ai nấy vô cùng phấn khởi. Phấn, Điểm cũng nôn nao không kém.
Trước đó, hai đứa đã chuẩn bị đầy đủ nào là máy ảnh, áo quần…
Ngày lên đường, mẹ nó không quên căn dặn:
- Điểm, đi chơi có gì thì giúp đỡ anh nghe không? Anh con không được mạnh mẽ như con đâu…
Điểm thấy hãnh diện, vừa gật đầu vừa khinh khỉnh ngó mặt ông anh:
Bà mẹ cũng yên tâm thật sự. Người ta nói con song sinh thường giống nhau và thương yêu nhau lắm, nhưng ở trường hợp hai thằng con của bà thì lại khác hoàn toàn.
Hai đứa khác nhau về dung mạo. Thằng anh chui ra trước nhưng dáng người mỏng mảnh, làn da mịn màng, trắng trẻo như con gái. Thằng em ra sau lại có thân hình dềnh dàng, cao to giống y như ba nó. Tính tình hai đứa cũng khác nhau một trời một vực. Nếu thằng anh hiền lành, ít nói, nhút nhát bao nhiêu thì ông em lại quậy phá, lắm điều và gan dạ bấy nhiêu.
Hai đứa lại không quấn quýt nhau, bênh vực nhau như những cặp song sinh thông thường khác.
Hồi nhỏ thằng anh luôn bị đám trẻ con trong làng chọc ghẹo, thằng em không bênh thì chớ, đôi khi chính nó lại là đứa đầu têu xui đám trẻ bắt nạt anh mình.
Ba mẹ chúng vẫn thường nói vui với nhau rằng:
- May mà hồi đó bà sanh hai đứa ở tại nhà, do bà mụ vườn mát tay đỡ đẻ. Chứ nếu sanh ở bệnh viện chắc chắn thế nào tui cũng đi kiện mấy cô y tá vì đã làm lộn con tui. Ai có thể tin hai đứa song sinh lại khác nhau như nước với lửa vầy không chớ?
Khi Phấn và Điểm lớn lên một chút, Điểm thôi cậy mạnh mà ăn hiếp anh mình, nhưng trong thâm tâm Điểm khong nể nang một tí ti nào cả. Sở dĩ Điểm phải gọi Phấn bằng anh là do Phấn chào đời trước Điểm mười phút thế thôi. Nhưng cả đến chi tiết này Điểm cũng hoài nghi. Những lúc nói chuyện vui vẻ Điểm thường hỏi mẹ:
- Mẹ, mẹ có nhớ lầm không vậy? Coi chừng con là đứa chui ra trước mà mẹ quên đó! Chứ anh Phấn làm sao có đủ sức mà chen với con được?
Bà mẹ cốc lên đầu con trai mắng yêu:
- Cha mầy chứ! Sao mà lầm được con? Lúc thằng Phấn chui ra, nhỏ xíu như con mèo cứ ngoe ngoe khóc, bà nội phải bế nó ủ vào mấy lớp khăn. Chập sau tới lượt con, chưa kịp nhìn thấy mặt con đã khóc vang trời rồi, ấn tượng dữ lắm chứ bộ, sao mà lầm lẫn được?
Tuy mẹ đã nhiều lần nói vậy mà Điểm vẫn cứ tức anh ách. Ai đời ông anh ra trước mình mà lại giống y như con gái, chán chết đi được.
Điểm không ăn hiếp anh và trở thành người che chở cho anh nó trong những trường hợp cần thiết, nhưng không phải bằng sự kính mến thương yêu mà là như một sự thương hại, như một sự ban ơn.
Trái lại, đối với Điểm, Phấn luôn nhẹ nhàng săn sóc, quan tâm từng li từng tí. Từ áo quần, tập vở, giày vớ của Điểm đều có bàn tay Phấn nhúng vào. Phấn lặng lẽ thương yêu em, Điểm thì lại xem những việc đó là nhỏ mọn, là đương nhiên, không có gì đáng quan tâm.
***
Cả lớp chất hết hết lên một chiếc xe đò nên vui ơi là vui. Trên đường đi mấy đứa cứ chọc ghẹo lẫn nhau, tiếng cười, tiếng nói nổ ra như bắp rang. Điểm lại là một trong những nhân vật hoạt náo nhất của lớp.
Điểm chạy từ đầu xe đến cuối xe, đem cái này cho người này, chuyển cái kia cho người kia, nói cười hể hả.
Còn Phấn và một vài bạn nữ khác thì cứ lừ đừ ngầy ngật vì bị say xe.
Tới các chỗ dừng chân, Điểm cũng không quên quan tâm đến anh mình, nhưng vẫn không bỏ những trò vui riêng của Điểm.
Xế chiều, xe tới Đà Lạt. Cả đám ríu rít phân chia đứa nào ở cùng phòng với đứa nào. Ồn ào mất một lúc mới sắp xếp thỏa đáng.
Điểm và Phấn ở cùng phòng với hai bạn nam khác. Mọi việc đều do một tay Điểm thu dọn hết, từ việc mang vác hành lý vào phòng đến việc đem áo quần máng lên tủ… Phấn vô tới phòng là nằm vật ra ngủ luôn một giấc. Điểm vừa làm vừa liếc nhìn anh, lắc đầu mỉm cười.
- Ông anh mầy khác mầy quá trời quá đất!
Thằng bạn nhận xét.
Điểm cười:
- Ừ, vậy mà là anh em song sinh mới hay chứ!
Chiều và tối hôm đó cả lớp tự do đi dạo chợ, Phấn giống như mấy đứa con gái cứ dạo tới dạo lui ở các quầy áo lạnh, khăn len… điểm không đi cùng anh, luôn luôn trong các chuyến dã ngoại Điểm đều không đi cùng với anh mình.
Sáng hôm sau, xe chở cả lớp đi tham quan Suối Vàng, Suối Bạc, tới ga ngồi xe lửa lên Trại Mát vui ơi là vui.
Sau đó là Langbiang trực chỉ!
Những đứa học trò ở miền đồng bằng, được đi tham quan cảnh núi non đẹp mắt này thì còn gì thích thú hơn nữa!
Theo sự tư vấn của Điểm và một nhóm nam sinh trong lớp, cô chủ nhiệm đồng ý bày ra một cuộc thi, ai trèo lên đỉnh Langbiang tước thì sẽ được nhận nhận một một phần quà kỷ niệm, phần quà đó sẽ được trích ra từ quỹ lớp để mua!
Hấp dẫn thật nha! Vừa được chơi đùa, thử sức, lại vừa có cơ hội để nhận phần thưởng lưu niệm, nên mọi người háo hức ghê lắm, đặc biệt là đám con trai.
Nam sinh của lớp đứa nào cũng tham gia, phía nữ sinh không chịu thua kém, nhao nhao đăng ký, chỉ có một vài đứa quá yếu đuối tỏ vẻ lưỡng lự, cuối cùng rút lui cùng nhau lên đỉnh bằng xe Jeep.
Phấn là nam sinh duy nhất trong lớp hờ hững với cuộc chơi này. Nó lững thững lội bộ lên đỉnh chứ không đi theo xe với mấy đứa con gái.
Điểm và ba bạn khác bứt phá dẫn đầu. Tính háo thắng trong Điểm bùng phát dữ dội, Điểm nhủ thầm, mình sẽ phải chiến thắng trong cuộc chơi này để chứng tỏ được bản lĩnh trước bọn con gái trong lớp, và mai mốt trở về trường, cái thành tích này chắc chắn sẽ được truyền đi rộng lắm!
Nghĩ thế, Điểm ngầm so sánh, sức lực mình và ba đứa bạn cũng suýt soát nhau, nếu không dùng trí óc kèm theo mà chỉ phó thác cho cơ bắp thì chứa chắc gì mình nắm được phần thắng trong tay.
Ngó quanh quất khắp nơi, Điểm bỗng nảy ra sáng kiến:
- Tao sẽ lên đỉnh theo đường tắt, ba đứa tụi mầy có đi với tao không?
Ba người bạn mồ hôi đẫm trán ngó nhìn Điểm rồi lắc đầu:
- Thôi, tao sợ… không dám đâu! Mầy gan thì đi một mình đi!
Điểm khoái trá tách rời đám bạn để đi theo một lối khác hướng thẳng lên đỉnh mà không phải vòng vèo theo lối đi quen thuộc.
Lối đi mà Điểm chọn rất dốc và lắm đá, nhưng chắc chắn quãng đường sẽ được rút ngắn lại rất nhiều. Nghĩ vậy nên Điểm càng cật lực leo lên.
Bây giờ thì chỉ còn mỗi mình Điểm trên những dốc thẳng chênh vênh, đám bạn đã ở rất xa rồi. Vốn là người gan dạ nên Điểm không lấy điều đó làm lo ngại sợ sệt gì cả.
Nó cứ leo mãi, leo mãi… đến lúc mồ hôi nhễ nhại và cả người nóng bức do những tia nắng mặt trời chiếu thẳng xuống, Điểm cởi chiếc áo len mà sáng này anh Phấn của nó đã cận thận đem theo ra tận xe đưa cho nó mặc vào.
Cột chiếc áo len vào ngang thắt lưng, Điểm hăng say leo tiếp.
Càng leo, Điểm càng thấy mệt, đã nhiều lần nó phải dừng lại thở dốc và quay nhìn bốn phương tám hướng vẫn không thể xác định được mình đã sắp đến đích hay chưa.
Khi cả đoàn lên hết trên đỉnh núi, người thắng cuộc đã được xướng danh, nhưng người đó không phải là Điểm. Những đứa bạn vô tư cười giỡn với nhau:
- Một chút nữa thằng Điểm lên tới phải chọc cho nó một trận, tưởng đi đường tắt ngon hơn hả? Hơ hơ… ai biểu tài lanh, nó mà đi chung với tụi mình thì có thể nó là người thắng cuộc rồi!
Về phần Điểm, càng đi lên Điểm càng thấy lối đi rậm rạp và cây cối bịt bùng hơn. Trong lòng Điểm đã bắt đầu thấy có sự lo ngại.
- Chẳng lẽ mình đi lạc đường?
Điểm lẩm bẩm.
- Mà không đâu, lúc đó mình đã nhắm hướng rất rõ ràng rồi mà, tại sao lại lạc được…
Điểm đi từ lúc mặt trời lên cao chiếu rọi những tia nắng nóng xuyên vào da thịt, đến bây giờ bầu trời đã dần dần chuyển sang mà xám xịt của buổi chiều tà.
Nỗi sợ hãi bắt đầu tăng dần lên trong lòng Điểm. Từ sáng giờ Điểm chỉ mới ăn có một ổ bánh mì lúc sáng, giờ này bụng đã đói meo, cổ khô khốc tay chân cũng đã rã rời không còn sức lực để leo lên tiếp nữa…
Điểm dừng lại suy tính, nếu bây giờ leo trở xuống thì quãng đường sẽ rất xa, chi bằng mình cứ leo lên rồi đi xe xuống sẽ nhanh và tiện hơn.
Và thế là Điểm cố gắng lê lết từng bước cố nâng mình lên theo con dốc.
Điểm đang ở giữa một ngọn đồi cây cối chằng chịt và rất âm u, ghê rợn. Điểm chợt nhớ tới chuyện những người lạc lối trong rừng, tối đến gặp hùm beo, thú dữ mà bất giác rùng mình. Có lẽ từ thuở bé đến giờ, đây là lần đầu tiên Điểm biết thế nào là cảm giác hoảng sợ, cảm giác cần có một ai đó ở bên cạnh mình…
- Các bạn ơi! Các bạn đâu rồi?
Điểm hét lớn với hy vọng sẽ có ai đó nghe được tiếng gọi của mình, vì biết chắc chắn giờ này thế nào cả lớp cũng túa ra tìm kiếm Điểm. Nhưng đáp lại tiếng kêu đầy sợ hãi của Điểm chỉ là tiếng vọng âm âm của vách đá càng làm cho Điểm run sợ nhiều hơn.
Càng leo, Điểm càng kiệt sức, vừa đói lại vừa lạnh. Điểm tủi thân quá nước mắt bắt đầu trào ra mặn đắng nơi đầu lưỡi.
Bóng tối giờ đây đã bao trùm cảnh vật, những thân cây trước mặt Điểm lúc này trông giống như những thân người đứng bất động đó, bất cứ lúc nào cũng có thể nhảy bổ vào Điểm, bất cứ lúc nào cũng có thể đè bẹp Điểm dưới chân.
Trong rừng đêm, có những ánh sáng lập lòe nhưng không phải là ánh sáng của đom đóm như hồi nhỏ Điểm từng bắt bỏ vô hủ để chơi giả làm đèn học. Những ánh sáng đó có cái gì rất ma quái, kỳ lạ…
Nhìn vào chiếc kim dạ quang của đồng hồ đeo trên tay, Điểm biết lúc này đã hơn bảy giờ tối. Điểm không còn giữ được bình tĩnh, cố sức kêu gọi đến khản cả cổ, nhưng cũng giống như lúc nãy, đáp lại Điểm chỉ là tiếng vọng của núi rừng.
Xung quanh Điểm bây giờ chỉ còn tiếng cú kêu ớn lạnh, tiếng côn trùng rỉ rả và tiếng chân của Điểm bước đi đạp trên lá khô loạt xoạt…
Càng về đêm khí trời càng lạnh, từ nãy giờ Điểm co ro nhưng quên mất chiếc áo len đang cột dưới thắt lưng mình. Bất chợt nhớ lại, Điểm mừng rơn, vừa choàng chiếc áo len vào thân hình lạnh giá vừa thầm cảm ơn sự chu đáo của ông anh nhút nhát.
Và bỗng dưng, giữa lúc bơ vơ một mình nơi rừng núi này, Điểm lại nghĩ đến anh mình nhiều hơn. Có lẽ Điểm đã thông cảm được với anh về cái nỗi sợ hãi tột cùng… Điểm biết anh Phấn rất thương mình, nhất định anh sẽ bắt mọi người đi tìm cho bằng được mình mới thôi… Điểm thấy hối hận vì tất cả những gì mình đã từng đối xử với anh. Trong tâm trí Điểm lúc này là hình ảnh của ba mẹ, của anh và toàn bộ những người thân thương trong gia đình…
Cả người rã rời, mệt mỏi, Điểm không còn nhấc chân lên được nữa nên ngồi xuống một đám lá nghỉ mệt.
Cứ thế, cứ thế… ngồi nghỉ, mò đi tiếp rồi lại cất tiếng kêu vang… Điểm giờ đây không còn giữ chút bản lĩnh nào của ngày thường.
Đôi giày dưới chân Điểm đã xơ xác, chiếc áo len và cả cái áo sơ mi bên trong cũng không còn nguyên vẹn vì bị cành cây vướng víu, cào xước nhiều chỗ lắm rồi. Trên mặt Điểm một vết trầy do quẹt phải cành cây hình như đang rướm máu, cảm giác đau rát, buốt nhói tận trong tim gan Điểm.
Chín giờ tối, ánh trăng vằng vằng vặc chiếu xuống khu rừng làm cho cây cối mang những hình thù quái dị và ghê rợn hơn nữa.
Điểm bắt đầu tự nhát mình, nhìn cây nào Điểm cũng tưởng như nó đang nhìn lại, cười khanh khách và huơ huơ những cánh tay dài ngoằng để vẫy gọi mình.
Điểm nhớ tới bộ phim Ma Cây mà hồi năm ngoái đã cùng xem với tụi bạn, giờ đây những hình ảnh mà hồi đó Điểm không hề sợ vì biết tỏng đó chỉ là kỹ xảo điện ảnh, bây giờ thì những hình ảnh đó lại sống động ngay trước mắt Điểm, sẵn sàng vồ chụp lấy Điểm.
Điểm sợ hãi, muốn bước thụt lùi, nhưng những cái cây to đùng phía sau lưng dường như đang nhích dần lên phía trước, những hàng cây phía trước thì lại tiến sát vào Điểm hơn…
Điểm đã quá đuối sức, lại hoàn toàn không còn xác định được phương hướng gì nữa, tinh thần trở nên hoảng loạn chỉ nghĩ tới cái chết đang chực chờ trước mặt mình mà thôi.
Những thân cây phía trước, phía sau, bên trái, bên phải vẫn cứ lù lù tiến sát vào Điểm, vòng vây ngày càng thu hẹp lại, siết chặt lại…
Tay chân Điểm bủn rủn, Điểm ngã nhào ra bất tỉnh.
… Hơi sương lạnh phả vào mặt làm Điểm chợt tỉnh dậy. Trăng đã lên đến đỉnh đầu. Hai hàm răng Điểm va vào nhau lập cập vì quá lạnh, chiếc áo len mỏng manh, rách rưới không đủ sức ngăn chặn những luồng khí lạnh của đêm rừng núi cao nguyên. Mặt mũi Điểm tái mét, lờ đờ, hốc hác, giống như một người bị bỏ đói đã lâu ngày.
Điểm cố gắng lê thêm vài bước nữa, dưới ánh trăng lờ mờ nó thấy một chấm tròn màu trắng lấp ló ở phía xa xa trước mặt. Mất hết ý thức, Điểm vội vã trườn lên, trườn lên và leo lên đó, không cần biết nó là cái gì và nó ra sao, mặc kệ cho đôi môi tím tái vì lạnh và hai cẳng chân đầy những vết trầy xước đang tóe máu.
Nằm thở dốc một hồi, Điểm dần dần tỉnh táo lại. Lúc này nó mới để tâm quan sát xem cái nơi nó đang nằm là đâu mà có vẻ bằng phẳng, dễ chịu hơn những chỗ lúc nãy.
Nó nhướng mắt lên, cố chống tay nhổm dậy và nhân thấy mình đang nằm trên một cái bệ bằng xi măng. Trái tim Điểm như nghẹn lại vì mừng vui. Nó cứ nghĩ nó đã lê chân đến được cửa nhà của một ai đó rồi, như vậy là nó được cứu rồi!
Nhưng niềm vui vừa loé lên đã nhanh chóng tắt lịm khi Điểm nhìn thấy trước mắt nó là một ngôi miếu nhỏ. Một cái miếu ở giữa nơi núi rừng hoang vắng quả là điều đáng sợ. Điểm muốn bỏ chạy khỏi nơi này, càng xa càng tốt, nhưng hỡi ơi, sức lực của nó giờ đây đến lết đi cũng không nổi thì nói làm gì đến chuyện bỏ chạy.
Hai chân Điểm rã rời, tê buốt, bao tử nó nhộn nhạo vì đói, đầu óc thì choáng váng, lơ mơ… Nó biết mình không thể rời khỏi chỗ này được rồi! Không còn sức nữa rồi!
Trời càng lúc càng lạnh, làn hơi giá buốt cứ như đang ôm siết lấy nó, muốn biến nó thành một tảng băng…
Đằng xa, có những đốm sáng màu đỏ, rồi màu xanh cứ lập lòe qua lại, Điểm nghĩ chắc đó là mắt của thú rừng đang đi mồi, nó bỗng thấy sợ khi hình dung ra cảnh thân xác mình sẽ bị đàn thú cắn xé tả tơi ra từng mảnh vụn…
Nỗi sợ hãi cái chết trước một thế lực hiện hữu đã thắng được nỗi sợ ma quỷ trong Điểm, nó thu hết sức lực để lăn người vào phía bên trong ngôi miếu hoang.
Ngôi miếu nhỏ, không thể nằm dài ra được, Điểm phải co quắp người lại như một con tôm và đầu óc nó lại mơ màng trôi vào một giấc ngủ nặng nề, mệt nhọc…
… Thiếp đi trong cơn mê, Điểm nghe văng vẳng có rất nhiều tiếng í ới gọi tên mình, nhưng vì Điểm quá mệt và quá đuối rồi, không gượng dậy được nữa. Điểm cố hết sức nhưng chỉ nghe được những tiếng kêu âm ỉ phát ra từ cổ họng mình, nơi cổ họng nghẹn lại như là có một bàn tay vô hình nào đó chặn ngang, cản tiếng gọi của Điểm lại.
Ngoài kia, có ánh đèn pin rọi qua rọi lại, tiếng chân người, tiếng gọi huyên náo, có người soi hẳn đèn vào bên trong ngôi miếu làm Điểm mừng đến run người, nhưng tuyệt nhiên họ không nhìn thấy Điểm mà Điểm thì không có cách nào để báo hiệu với họ được
***
Ban đầu cả lớp còn tưởng Điểm đi đâu đó chưa lên kịp, nhưng chờ mãi, chờ mãi tới khi Phấn đi bộ từ dưới chân núi mọi người mới đổ xô tới hỏi:
- Ê, Phấn! Mầy hấy thằng Điểm đâu không? Nãy giờ tụi tao chờ nó quá trời mà không thấy?
Phấn ngơ ngác:
- Chứ không phải nó thi leo núi với tụi mầy sao? Tao tưởng nó đã lên tới từ lâu rồi chớ!
Thấy cả bọn nhốn nháo, cô giáo chủ nhiệm hỏi:
- Có chuỵên gì mà tụi em lo lắng vậy?
- Dạ… thằng Điểm đâu mất, nãy giờ không thấy nó…
Một đứa lên tiếng.
Cô giáo lo lắng:
- Lúc nãy em nào đi chung với Điểm?
Ba đứa Hiên, Tài, Thắng cùng lên tiếng:
- Dạ, tụi em!
- Nhưng khi lên gần tới đỉnh thì thằng Điểm rủ đi theo đường tắt cho nhanh, ba đứa em không đi thế là nó đi một mình. Tụi em cứ tưởng thế nào nó cũng thắng trong cuộc chơi này, ai ngờ thằng Hiên lên tới đích trước, mà nó thì mất tăm rồi!
Thắng kể, không giấu được vẻ lo âu.
Phấn hỏi:
- Nó tách rời ba đứa tụi mầy ở đoạn đường nào?
- Chỗ kia kìa!
Tài nhanh tay chỉ hướng.
Phấn quay sang cô giáo chủ nhiệm, run giọng:
- Cô ơi, cô cho các bạn đi tìm Điểm đi cô!
- Ừ, để cô sắp xếp!
Cô chủ nhiệm vẫy tay gọi một cô giáo đi cùng lại, hai người bàn bạc một lúc rồi thổi còi tập hợp học sinh.
Trước mặt cô lúc này là bốn mươi bốn đứa học trò, vắng Điểm!
- Có thể bạn Điểm đã bị lạc ở đâu đó gần đây, bây giờ chúng ta chia nhau ra đi tìm. Nhưng các em phải nhớ không đowjc đi tách rời nhau, và không được đi sâu vào những chỗ vắng vẻ. Các em phải đi làm sao để có thể nhìn thấy những người khác. Vừa đi, các em phải vừa gọi to lên để bạn nghe tiếng mà biết hướng tìm ra. Các em nắm đượcc hết chưa? Ngay bây giờ cô cũng sẽ đi hỏi mượn các cái loa để tìm kiếm em Điểm. Thôi, các em bắt đầu xuất phát đi!
Phấn là người chạy ra khỏi hàng đầu tiên. Thường ngày trông nó chậm chạm, rề rà nhưng không biết hôm nay sức lực ở đâu mà nó trở nên mạnh mẽ, nhanh nhẹn một cách khác thường.
- Điểm ơi… Điểm ơ….ơ….ơ…i!
- Điểm ơi… ơi…. Mầy ở đâu, Điểm ơ… ơ… ơ…i!!!
Bốn mươi bốn đứa học trò chạy túa ra gọi vang trời
Tiếng loa phóng thanh của cô giáo cũng hối hả không kém. Trong lòng hai cô lúc này cũng đã bắt đầu lo thắt ruột. Lỡ không may có chuyện gì xảy ra với Điểm, hai cô không biết sẽ phải làm sao đây. Chuyến đi này là do lớp tự tổ chức, không xin qua ý kiến lãnh đạo nhà trường, nên nếu có sự cố tội lỗi của hai cô càng thêm nặng.
Đến gần hai giờ chiều vẫn không ai phát hiện được dấu vết nào của điểm, tụi học trò đói rả ruột phải tập trung về để ăn cơm trưa, chỉ có Phấn là nhất định không chịu quay lại. Nhưng đám bạn kiên quyết không để Phấn ở lại bìa rừng một mình, chúng lôi kéo Phấn về lại chỗ tập trung và nói:
- Phải về ăn chút gì mới có sức đi tìm nó tiếp. Với lại về đó coi cô mình có tính cách nào không, như báo cảnh sát chẳng hạn.
- Ừ, đúng rồi! Phải báo cảnh sát ngay!
Phấn lóe lên một tia hy vọng và đồng ý quay về nơi tập trung cùng các bạn.
Bữa cơm trưa diễn ra một cách lặng lẽ, ai cũng cố nuốt vội cho no chứ không còn cảm giác gì là ăn nữa. Hai cô giáo cùng mấy đứa con gái mắt đã đỏ hoe, nhưng ráng ghìm nước mắt lại, không để đám con trai nhìn thấy, sợ chúng sẽ hoang mang thêm.
Sự mất tích đột ngột của Điểm đã được báo với cảnh sát địa phương, và người ta cũng đã huy động một lực lượng để truy tìm. Nhưng mãi lúc trời sẫm tối vẫn không ai tìm thấy!
Mấy đứa con gái rú rít lên vì sợ, chúng xì xầm một cách thất thần với nhau, có thể Điểm đã bị ma rừng bắt giấu rồi cũng nên, chứ làm gì mà cả đội cảnh sát cùng với mấy người dân tộc địa phương được cô phụ trách thuê đi tìm vẫn không thấy được?
Riêng ba đứa bạn leo núi cùng lúc với Điểm bắt đầu run rẩy và mặt đứa nào cũng xám ngoét. Nói gì thì nói, ba đứa này cũng có một phần trách nhiệm trong đó.
Phấn lo âu đến điên lên, trời đã lạnh thế này rồi mà Điểm chỉ mặc một chiếc áo sơ mi cộc tay và bên ngoài chỉ có một chiếc áo len mỏng, bữa trưa và bữa tối nó cũng chưa ăn gì, rồi nước uống cũng không có… Trời ơi… Phải làm sao đây? Phải làm sao đây?
Trời đã tối hẳn, hai cô phụ trách không cho bất cứ đứa nào đi ra khỏi khu vực tập trung, tất cả đều ngồi đó ngóng chờ tin tức từ những người đi tìm kiếm.
Một người dân tộc bán hàng ở đó nói rằng, trong khu rừng đó có nhiều vực, nhiều thú hoang, nếu không sớm tìm được nó thì e sẽ gặp nhiều rắc rối. Ông còn đế thêm một câu làm ai nấy rùng mình:
- Chưa nói tới chuyện rừng thiêng nước độc lắm quỷ nhiều ma, thằng nhỏ mà bị ma quỷ giấu đi thì có huy động toàn dân ĐaØ Lạt lên càn quét cả khu rừng cũng không thấy được nó!
Những người dân tộc sống ở vùng rừng núi có nhiều cái hay, họ có thể nhìn trên những đám lá khô mà thấy được dấu vết và phân biệt đâu là dấu chân người, đâu là dấu chân thú, và những dấu chân đó đi qua những lối nào… Vì thế họ đã nhìn và khẳng định Điểm đã leo hẳn sang ngọn đồi bên kia chứ không đi thẳng lên đỉnh Langbiang như Điểm nói với ba người bạn. Nhưng khi qua đến ngọn đồi bên kia họ lại mất dấu, không tìm ra vết tích nào của Điểm nữa.
Từ chiều, hai cô giáo đã không thể ăn được một muỗng cơm, mấy đứa con gái năn nỉ hết lời hai cô cũng không nằm xuống nghỉ ngơi đowjc một phút. Hai cô đã khóc rất nhiều, người tiều tụy hẳn đi. Hai cô chắp tay vái lạy bốn hướng cầu trời phật chở che cho đứa học trò nhỏ của mình.
Từ nãy giờ Phấn vẫn ngồi rúc vào một góc, phần vì lạnh, phần vì lo sợ cho em trai. Cô giáo cùng cả lớp cũng không ai quan tâm nhiều tới Phấn, vì cái tật nhát gan như thỏ đế của Phấn còn ai lạ gì nữa. Mọi người không ai bảo ai, nhưng tất cả đều đinh ninh Phấn sẽ ngồi như thế cho đến tận sáng mai.
Nhưng tất cả đã lầm.
Phấn rón rén thò tay vào ba lô của thằng Hiển rút ra một cây đèn pin, giấu vào trong túi áo, nó cẩn thận hơn, vớ luôn cái áo khoác to sù điệu đàng của nhỏ Hạnh, nhét vội vào túi áo mấy cái bánh ngọt rồi lặng lẽ đi thụt lùi ra xa chỗ cả lớp đang tập trung chờ tin tức.
Khi biết chắc không ai còn nhìn thấy mình nữa Phấn bắt đầu chạy thục mạng theo hướng mà lúc nãy người dân tộc chỉ và nói rằng có thể Điểm đã đi qua đó.
Phấn cứ chạy băng băng, mặc kệ những hòn đá nhọn hoắc dưới chân đâm đau nhói. Mặc kệ những nhánh cây cào xước trầy trụa tay chân. Vì hà tiện pin nên nó không mở đèn liên tục mà lâu lâu mở lên quét qua lại mấy lượt với hy vọng em mình ở đâu đó nhìn thấy được.
Nó chạy bước thấp bước cao, mấy phen té ngã dúi dụi u đầu sứt trán nhưng nó hoàn toàn không quan tâm tới bản thân mình, mà cứ lo tìm cho được mấy cái bánh văng ra khi té ngã.
- Điểm ơi… em ở đâu? Điểm ơi…
Tiếng gọi của Phấn lạc lõng giữa đêm đen, lạc lõng giữa núi đồi hoang vắng…
Bốn phía bịt bùng cây cối, tiếng con chim gì kêu lên như giọng một thứ quái vật đang cất tiếng cười khi trông thấy con mồi ngon sắp đem thân vào cống nạp. Đâu đó là những đốm sáng đỏ, xanh mà dưới cái nhìn của một đứa nhát gan như Phấn thì nó chắc chắn là những bóng ma đang thập thò rình rập theo mỗi bước chân cuống cuồng của nó…
- Cầu trời cầu phật, van vái thần linh núi rừng phù hộ cho con tìm được em con… Cầu khấn các vong linh khuất mặt khuất mày, làm ơn đưa đường chỉ lối để con tìm thấy em con rồi muốn làm gì con cũng được, con cúi lạy phật trời, cúi lạy thần linh rừng núi, cúi lạy các vong hồn vất vưởng quanh đây…
Trong cơn tuyệt vọng, Phấn quỳ sụp xuống hướng mặt lên trời khẩn cầu rồi vái lia vái lịa. Nước mắt nó chảy đầm đìa trên mặt, mồ hôi nó vx ra ướt cả lưng áo dù giữa rừng đêm lạnh lẽo…
Trăng lên cao, Phấn lờ mờ nhìn được những thứ xung quanh nó. Nó có cảm giác hàng trăm, hàng ngàn bóng ma đang nhảy nhót đùa vui… Phấn nhào tới, ôm chầm một gốc cây và khóc ngất lên:
- Em con đâu? Xin làm ơn chỉ giúp em con đang ở đâu?
Có lúc nó bước đi dò dẫm từng bước một, nhưng có lúc nó lại đâm bổ chạy nhanh về phía trước như vừa nhìn thấy một dấu hiệu nào đó của em mình, nhưng thực tế nó không thấy gì cả, chỉ là tự nhiên nó như thế mà thôi.
Càng đi, rừng càng sâu thăm thẳm. Phấn không biết mình phải đi về hướng nào nữa… tiếng gọi em đã khản đặc nơi cuống họng, những vệt đèn pin loáng loáng cũng không đủ xuyên thủng màn đêm, xuyên thủng núi rừng để nó tìm ra đứa em tội nghịêp của nó.
Một cây gai nhọn đâm vào chân nó sâu hoắm. Nó cúi xuống, soi đèn và cắn răng giật mạnh cây gai ra, một tia máu bắn ra theo. Nó ngó xung quanh rồi vớ đại một thứ lá cây gì đó bên cạnh, bỏ vô miệng nhai cho dập nát rồi đắp vào chỗ vết thương, nó xé luôn miếng vải lót túi áo khoác để buộc chặt vết thương lại.
Bây giờ chân nó rất đau không thể bước đi bình thường được nữa, nó phải đi cà nhắc một cách khó khăn vất vả.
Không biết cây gai Phấn đạp nhầm là loại gai gì, hay do thứ lá mà nó dùng để rịt vết thương là lọai lá độc, mà chỉ hơn một giờ đồng sau bàn chân nó đã bắt đầu sưng tấy, không còn xỏ được trong giày nữa.
Phấn lại một lần nữa ngồi xuống bật đèn pin soi rọi vết thương dưới chân mình. Bàn chân sưng vù lên đến khỏi mắt cá, sờ tay vào nóng hôi hổi. Phấn đau khổ và bất lực trướic hoàn cảnh như vậy. Nó gục đầu xuống gối khóc nấc lên từng cơn.
Nó sẽ phải ngồi lại nơi đây chờ trời sáng, miễn mai có ai đó phát hiện ra nó… Nhưng không được, còn thằng Điểm, còn em nó thì sao? Từ sáng hôm qua thằng Điểm chỉ mới ăn có mỗi một ổ bánh mì, trên người nó quần áo lại phong phanh, làm sao nó chống chọi được qua đêm nay? Mình mà không tìm được nó thì nó sẽ chết mất…
Phấn nhớ hồi nhỏ Điểm đã có lần ngất xỉu vì đói rồi, huống hồ chi hôm nay nó đã vận động mất biết bao nhiêu sức lực, giờ này không chừng nó đã xỉu mất rồi cũng nên.
Nghĩ tới đó, Phấn càng thêm lo lắng.
- Không! Không được! Nhất định mình phải tìm cho bằng được thằng Điểm! Nhất định…
Phấn cắn răng đứng dậy, nhưng cái chân bị thương không sao nhấc lên được. Nó đau đớn té quỵ xuống, nhưng nhanh chóng lồm cồm ngồi dậy, soi đèn pin xung quanh, thấy một cành cây gie ra phía nó, nó mừng rỡ cố lê người tới đó, dùng hết lực để bẻ gãy cành cây kia.
Nhưng Phấn vốn là một đứa yếu đuối, cành cây lại đang tươi sống, dẻo dai, người khỏe mạnh chưa chắc gì bẻ gãy thì một đứa như Phấn làm sao có đủ khả năng.
Cày cục mãi không suy suyển gì, Phấn chán nản ngồi phịch xuống đất. May mắn sau, nó vừa loáng thoáng trông thấy một cái cây khô ngã nằm ngang gần đó.
Phấn chống tay lết tới và mừng rơn vì thấy một cành khô to cỡ cánh tay gãy rơi ra ngoài. Vậy là nó không cần phải bỏ sức lực ra nữa mà đã có trong tay một cây để chống đi.
Phấn tấp tễnh bước đi, một bên người tì hẳn vào khúc cây đang dùng làm gậy. Nó cứ đi chừng vài chục thước lại cất tiếng gọi, dù tiếng của nó bây giờ đã khàn đặc…
Phấn cứ đi một cách vô thức, vì nó không thể đoán biết được mình đi theo hướng nào là đúng, hướng nào là sai, bây giờ chỉ còn phó thác cho sự rủi may, phó thác cho sự đẩy đưa, giúp đỡ của các đấng linh thiêng…
Phấn không còn biết mình đã đi bao lâu rồi, nó cũng không biết bây giờ là khoảng mấy giờ đêm, đầu óc nó giờ chỉ tập trung vào từng ngõ ngách hai bến để tìm dấu vết của Điểm.
Trước mắt Phấn lờ mờ hiện ra một ngôi miếu nhỏ. Phấn vội vã tiến lên, quỳ sụp xuống cầu nguyện lần nữa.
- Con cầu trời khẩn phật, con cầu xin các đáng thần tiên, các linh hồn khuất mặt, xin cho ocn tìm được em con, con bằng lòng đánh đổi bằng tuổi thọ của con…
Vừa ngẩng đầu lên, Phấn thoáng thấy phía trong ngôi miếu có vật gì đó nhúc nhích khe khẽ. Phấn giật mình toan lùi lại phía sau vì tưởng là con thú nào đó làm ổ trong miếu hoang.
Nhưng không biết do một động lực nào xui khiến, Phấn lại tiến tới sát bên ngôi miếu và rọi thẳng đèn pin vào bên trong. Trong quầng sáng của ngọn đèn là Điểm đang nằm co quắp!
- Điểm! Trời ơi, Điểm ơi! Anh đã tìm được em rồi!
Phấn run lập cập vội trèo lên thềm xi măng và khom người chui vào miếu kéo Điểm ra. Điểm đã ngất đi từ lâu, không biết mình đã được cứu.
Lúc này Phấn không còn nhớ đến vết thương của mình nữa, nó chỉ còn biết quýnh quáng lấy cái áo khoác to sù quấn chặt lấy người em trai, rồi nó cố lay em trai dậy:
- Điểm! Điểm ơi, ráng dậy ăn một chút bánh nè em! Aên vô là em khỏe lại liền cho coi! Dậy đi em!
Phấn vừa lay gọi vừa khóc, nước mắt nước mũi lòng thòng trên mặt nó.
Cuối cùng thì Điểm cũng tỉnh dậy, nhưng nó chưa ý thức được nó đang ở đâu và tại sao lại ở đấy. Nó cũng chưa nhận biết được người đang ôm nó trong đôi tay run rẩy lạnh cóng là ai nữa. Nó chỉ nhướng mắt lên một cái rồi thều thào:
Phấn vội vã thò tay vào túi áo lấy ra một cái bánh ngọt bẻ vụn ra từng miệng đút vào miệng Điểm:
- Nè, em ăn đi! Aên đi! Aên từ từ thôi coi chừng sặc đó…
Mới đầu Điểm còn ăn một cách khó nhọc, nhưng chỉ một chút xíu sau nó đã nhai nhồm nhoàm nguyên cả cái bánh trong miệng, vừa nhai vừa lúng búng nói:
- Nước… nước… uống nước!...
Phấn giật mình thầm nghĩ:
- Trời ơi, mình quên đem theo chai nước! Bây giờ biết làm sao đây?
Bất ngờ cái đầu óc vốn chậm chạp của Phấn lại linh hoạt một cách khác thường. Nó nhớ lại có lần đã xem một cuốn truyện nào đó kể về hai người đi lạc trong rừng, một người không may bị bệnh, người kia phải chăm sóc, và cái cách mà người kia cho bệnh nhân uống nước chính là hái một chiếc lá to rồi đi chắt những giọt sương hứng vào đó.
Đúng rồi! Để có nước cho em nó uống, nó sẽ làm theo cách ấy!
Phấn nhẹ nhàng đặt đầu em nó xuống sau khi đút thêm cho em một cái bánh nữa. Nó lết xuống bậc thềm, chống tay chồm ra một chiếc lá to hơn bàn tay và khập khiễng đi chắt từng giọt sương ở những cái cây cạnh đó. Phấn không dám đi xa, nó sợ lại một lần nữa lạc mất em mình.
Cuối cùng thì nó cũng hứng được một ít sương. Nó nâng niu cẩn thận lê chân trèo lên bậc xi măng cố gắng không để rơi ra ngoài dù chỉ là một giọt.
- Nước nè, uống đi em!
Một tay nó giữ chặt chiếc lá được quấn thành hình cái phễu, dưới đáy nó bẻ quặt qua một bên không cho nước chảy ra ngoài, một tay nó nâng đầu em trai dậy và rót từ từ, cẩn thận từng giọt nước vào miệng em nó.
Điểm chép miệng liên tục khi cảm nhận được ai đó đang cho mình uống nước. Uùông xong hớp nước, Điểm cảm giác thân thể mình nhẹ nhõm, khoan khoái hẳn lên và nó từ từ nhớ lại tất cả mọi việc.
Điểm mở choàng mắt ra, trước mắt nó, dưới ánh sáng của vầng trăng nó thấy rõ ràng anh Phấn đang nhìn nó chăm chú, mặt cau lại đầy vẻ lo lắng.
- Anh… là anh sao?
Điểm ngạc nhiên.
Phấn mừng quýnh khi thấy em trai đã tỉnh, nó ghì chặt đứa em trai to lớn dềnh dàng bằng đôi cánh tay khẳng khiu của nó, trả lời em trong tiếng khóc:
- Ừ, anh đây! Tìm được em rồi, em tỉnh lại rồi anh mừng quá Điểm ơi…
- Còn mọi người đâu cả rồi anh?
Điểm ngơ ngác hỏi.
Phấn đưa tay quẹt nước mắt nước mũi trên mặt mình, nhoẻn cười:
- Cô và mấy bạn lớp mình còn ngồi chờ tin tức của em dưới chân núi Lang Biang. Từ hồi xế trưa tới giờ, cảnh sát và dân địa phương đã vào rừng lùng sục tìm em quá chừng mà không ai thấy… May mắn sao anh lại gặp được em ở đây…
- Anh? Chỉ mình anh đi tìm em thôi sao?
Điểm hỏi vẻ ngờ vực.
Phấn có vẻ mắc cở:
- Ừ, mình anh thôi. Cô không cho đứa nào rời khỏi khu vực đó, nhưng anh thật sự không an tâm, anh không thể ngồi im ở đó trong khi tính mạng em mình không biết sẽ ra sao… Thế là… anh lấy trộm đèn pin, lấy trộm áo khoác và lẻn ra đi tìm em…
- Anh… dám đi một mình? Anh không sợ ma sao?
Điểm nhổm dậy giương mắt ngó anh.
Phấn cười ngỏn ngoẻn:
- Ừ, anh quên mất! Chắc tại lúc đó lo cho em quá nên anh quên luôn nỗi sợ…
- Anh! Trời ơi…! Anh!
Phấn vỗ nhè nhẹ lên tấm lưng to bè của em trai:
- Không sao rồi! Không sao rồi! Anh em mình đã gặp được nhau là ổn rồi, không phải sợ điều gì nữa… Không biết bây giờ là mấy giờ rồi?
Phấn chợt hỏi.
Điểm cúi xuống, bật đèn soi vào đồng hồ và nói:
- Gần bốn giờ sáng rồi đó anh!
Phấn gật đầu:
- Ừ, vậy bây giờ anh em mình chui trở vô miếu ráng ngủ một chút cho lại sức, chờ tới sáng thế nào cũng có người đi tìm mình… Nè, em mặc thêm cái áo này cho ấm, tay em lạnh như nước đá rồi nè…
Vừa nói Phấn vừa dợm cởi chiếc áo khoác đang mặc trên người ra đưa cho Điểm.
- Không! Không! Em đủ rồi, anh mặc đi, người anh có hơn gì em mà nói, sắp thành ông già tuyết rồi kìa!
Hai anh em bật cười và lồm cồm chui trở vào bên trong ngôi miếu.
- Em ngồi ngoài đi, anh ngồi trong, anh sợ… ma!
Phấn đẩy em trai ra phía ngoài và nói.
- Trời đất! Sợ ma mà anh dám một mình lặn lội trong đêm giữa nơi núi rừng thế này để tìm em sao? Vậy là em biết rồi, lâu nay anh toàn giả bộ, anh giả bộ sợ ma, giả bộ nhút nhát thôi, phải không? Nè, giả bộ nè! Nè, dám gạt em nè!...
- Ui cha… đau…
Điểm đánh thùm thụp lên lưng anh trai, hai anh em cùng cười vang trong bóng tối…
***
Gần hai giờ sáng, cả lớp chỉ còn lại mấy đứa thức ngồi gật gù bên cạnh hai cô giáo phụ trách đang cháy gan cháy ruột đợi chờ tin tức của đoàn người đi truy tìm Điểm. Mấy đứa con gái ngồi dựa vào nhau mà ngủ. Mấy đứa con trai thì rúc hết cả về một góc, nằm chồng chéo lên nhau như một bãi chiến trường.
Hai cô giáo phụ trách cũng không buồn rầy la sắp xếp gì nữa, mặc chúng muốn nằm ngồi kiểu gì cũng được.
Từ đằng có ánh đèn loang loáng và tiếng người nói chuyện râm ran. Biết là họ đã về tới, hai cô giáo cùng mấy đứa con trai còn thức mừng quýnh, đứng cả lên và không ai bảo ai tất cả đều chạy ào về phía đó.
- Anh… anh ơi… sao…?
Cô giáo phụ trách lắp bắp không ra tiếng khi trông thấy đoàn người trở về mà không có mặt Điểm.
- Chúng tôi đã quần nát cả khu vực đó rồi mà vẫn không phát hiện được gì… Bây giờ anh em ai cũng đuối cả rồi, chúng tôi phải dừng cuộc tìm kiếm lại, sáng mai sẽ tiếp tục. Xin cô giáo thông cảm…
Người trưởng đoàn buồn bã nói.
Cả hai cô giáo cùng loạng choạng khi nghe người chỉ huy nói vậy. Trời ơi, Điểm mà mất tích luôn thì hai cô phải ăn làm sao, nói làm sao và sống làm sao đây?
Vì sợ gia đình hoang mang nên từ trưa tới giờ việc Điểm mất tích vẫn chưa được báo về cho gia đình biết. Nhưng đã đến lúc này rồi thì không thể nào giấu được.
- Anh làm ơn báo về gia đình em ấy giúp tôi nhé? Chỗ chúng tôi không có điện thoại…
Người chỉ huy tìm kiếm chừng như rất thông cảm, anh ta gật đầu đồng ý:
- Được rồi! Cô cho xin số điện thoại, chút nữa về tới đơn vị tôi lập tức gọi đi ngay…
- Dạ, xin anh theo tôi lại đây, để tôi hỏi anh của thằng bé mất tích đã…
Cô giáo vừa đi vừa nói.
- Ủa, nó có anh đi cùng à?
Người chỉ huy ngạc nhiên.
Cô giáo giải thích:
- Hai anh em sinh đôi học cùng một lớp. Nhưng thằng anh yếu đuối, nhút nhát, thường ít tham gia vào các hoạt động ngoại khóa nên lúc thằng em trèo núi thì không có thằng anh ở bên cạnh.
Người chỉ huy không nói gì chỉ gật gù.
Về tới nơi tập trung, cô giáo bảo:
- Mấy đứa kêu em Phấn dậy, hỏi nó số điện thoại nhà để nhờ mấy chú báo về cho gia đình em ấy biết!
Mấy đứa con trai trèo qua đứa này, bước qua đứa kia, soi đèn pin vào tìm mãi mà chẳng thấy thằng Phấn đâu cả.
- Cô ơi, thằng Phấn không có đây!
Hai cô giáo té ngồi xuống đất khi nghe thêm tin báo động trời đó. Từ tối giờ không ai quan tâm đến Phấn vì nó vốn lặng lẽ trước đám đông, vả lại không ai nghĩ nó dám đi cách chỗ này một trăm thước!
Vậy mà bây giờ lại không có nó, nó đi từ lúc nào cũng không đứa nào rõ thì có chết không chứ!
Mất một đứa chưa tìm được giờ lại thêm một đứa nữa, biết phải tính sao đây?
- Có thể nó nóng ruột nên đã lén đi tìm thằng em rồi!
Một người trong đoàn người tìm kiếm phán đoán.
Cô giáo phản đối bằng giọng rên rỉ:
- Không có đâu! Em Phấn không đời nào dám đi đâu, nó rất nhút nhát… Nó không dám đi một mình vào rừng đâu… Trời ơi, chẳng lẽ gia đình nó có kẻ thù, người ta rình rập lên tận đây để bắt cóc hai anh em nó?
- Nhà nó có giàu không? Có làm ăn gì lớn không mà có người bắt cóc? Lại bắt mộpt lúc hai anh em?
Có người tò mò hỏi.
Thằng Hiển nói nhỏ:
- Nhà nó cũng bình thường thôi, đâu có giàu gì đâu, ba má nó có sạp rau cải ngoài chợ chứ đâu có làm gì lớn lao…
- Vậy thì loại trừ khả năng bắt cóc rồi!
Một người nói.
- Biết đâu được! Đâu phải cứ bắt cóc là nhằm mục đích tống tiền? Có khi vì thù hằn cá nhân, người ta bắt cóc con kẻ thù để trả thù thì sao?
Một giọng nói khác xen vào.
Mọi người bắt đầu bàn tán xôn xao về sự mất tích của hai anh em sinh đôi trong cùng một ngày.
Hai cô giáo phụ trách bây giờ không thể kìm nén được nữa rồi, cả hai ôm chầm lấy nhau khóc nức nở:
- Trơi ơi… nếu mất hai đứa nó… chắc tôi cũng chết mất chứ sống làm sao được đây trời?
Người chỉ huy tìm kiếm an ủi:
- Hai cô và các em cứ bình tĩnh đi, việc đâu còn có đó mà! Giờ thì tất cả vào cố nghỉ ngơi một chút đi, chỉ còn mấdy tiếng đồng hồ nữa là trời sáng, chúng tôi lại ra quân đợt nữa, đợt này chúng tôi sẽ xin cường thêm chó nghịêp vụ, các cô yên tâm đi, đừng khóc nữa…
Mặc những lời an ủi động viên, hai cô gíao trẻ không còn lòng dạ nào để nghỉ ngơi hay hy vọng gì nữa. Hai cô cảm thấy như mình bị rượt đuổi, bị dồn vào ngõ cụt, đang đứng cheo leo bên bờ một vực thẳm, hai bên là những thế lực dồn ép, phía sau lưng lại là vách núi dựng đứng, không thể nào lùi bước được nữa rồi, chỉ còn mỗi một con đường là lao mình xuống vực mà thôi…
Thấy tình cảnh hai cô giáo như vậy, người chỉ huy không an tâm ra về. Anh kéo mấy đứa học trò nam ra một góc dặn dò:
- Mấy em phải ráng thức canh chừng hai cô, nghe không? Hai cô của tụi em đang bị sốc dữ dội, sợ không làm chủ được hành động của mình mà gây ra những điều đáng tiếc. Mấy em phải thức canh cho kỹ, đừng có lơ là, nghe không?
Mấy đứa học trò sợ xanh mặt, hứa chắc với anh chỉ huy:
- Dạ, tụi em biết rồi… nhưng tụi em sợ…
Người chỉ suy nghĩ một lát rồi quay lại nói gì đó với một người dân tộc đi cùng, sau đó quay sang mấy đứa học trò:
- Được rồi, anh sẽ để anh này ở lại đây cùng với các em, anh phải về đơn vị để chuẩn bị cho cuộc tìm kiếm sáng mai. Chỉ còn có mấy tiếng đồng hồ nữa thôi, mấy em cố gắng nhé?
Nói xong, người chỉ huy quay về chào hai cô giáo rồi dắt theo đoàn người rồng rắn ra về.
Mấy đứa nam sinh cùng anh thanh niên người dân tộc không dám nói một câu nào để an ủi cô giáo, mà chỉ lặng lẽ ngồi bên đống lửa đã sắp tàn, đứa nào cũng thầm cầu mong cho trời mau sáng…
***
Tiếng chuông điện thoại dựng cả nhà ông Năm thức dậy, liếc mắt nhìn lên chiếc đồng hồ to tướng trên tường, ông Năm thấy mới hai giờ hai mươi phút sáng.
- Trời! Giờ này mà ai gọi điện thoại vậy cà?
Ông Năm vừa lẩm bẩm vừa vội vã chui ra khỏi mùng chạy tới chỗ bàn để điện thọai, trong bụng ông hồi hộp không yên. Những hồi chuông điện thoại vào giờ giấc này thường không đem đến điều gì vui vẻ! Ông biết thế nên càng lo lắng hơn nữa.
Bà Năm cũng lật đật bước theo sau lưng chồng.
- A lô! Xin hỏi ai đầu dây?
- À… ừ, đúng rồi! Có gì không anh?
Bà Năm nghe tiếng chồng mình run run, và chỉ một loáng sau chiếc điện thoại trên tay ông Năm rơi xuống đung đưa tòng tèng mà cả hai vợ chồng không ai còn tâm trí đâu để sửa lại cho ngay ngắn.
- Có chuyện gì vậy ông?
Bà Năm run rẩy hỏi.
- Thằng… thằng Điểm bị lạc mất ở ĐaØ Lạt rồi!
- Sao? Ông nói sao? Thằng Điểm bị lạc mất? Thằng điểm hay thằng Phấn?
Bà Năm thảng thốt kêu lên.
Ông Năm ngồi phịch xuống ghế ôm đầu rên rỉ:
- Cả hai thằng!... Thằng Điểm mất trước… thằng Phấn mất sau…
- Cái gì?... ông nói gì? Thằng…
Bà Năm chưa nói hết câu đã ngã vật ra bất tỉnh.
- Bà ơi… bà ơi…! Trời ơi… sao gia đình tôi lại xảy ra chuyện xui rủi như thế này hở ông trời?
Ông Năm vừa vực vợ dậy vừa khóc ròng, hàng xóm nghe ồn ào đã chạy sang, người một tay giúp ông Năm đưa bà Năm vô bệnh viện gần đó.
- Nhờ anh chị ở đây săn sóc giúp giùm bà nhà tui, để tui đón chuyến xe sớm nhất di lên Đà Lạt ngay bây giờ…
Ông Năm đau đớn nói.
Người hàng xóm can:
- Tụi tui rất sẵn lòng chăm sóc chị giúp anh, nhưng việc anh đi lên Đà Lạt thì nên suy tính lại. Từ đây lên đó xa xôi diệu vợi mà anh có biết đường xá gì đâu, cũng không biết cả chỗ lớp nó đang ở, không liên lạc được với ai thì tìm bằng cách nào đây? Phải chi hồi nãy anh hỏi cho rành mạch rồi đi, đằng này…
- Lúc nghe tin, hồn vía tui bay đi mất hết rồi, còn biết gì đâu mà hỏi với han nữa anh ơi…
Ông Năm rên rỉ.
Người hàng xóm vỗ lên vai ông Năm an ủi:
- Thôi, chắc không sao đâu! Anh cố gắng bình tâm ráng chờ chút nữa xem có ai liên lạc lại thì hỏi cho kỹ càng… Để vợ tui ở lại đây với chị Năm được rồi, anh phải về nhà để canh địên thọai chứ… Giờ anh ra xe, tui chở anh về!...
Ông Năm thất thểu ra xe, người hàng xóm đưa ông về nhà và không nỡ bỏ ông một mình, anh ta cũng ở lại ngồi cạnh bên ông Năm thắc thỏm chờ nghe tiếng chuông điện thọai.
***
Đội truy tìm sáng nay được tăng cường tổng cộng hai mươi người và có thêm một chú chó nghịêp vụ. Mấy đứa con trai trong lớp năn nỉ xin theo nhưng hai cô giáo của chúng dứt khoát không đồng ý, cả anh chỉ huy cũng lắc đầu:
- Đường rừng núi vất vả lắm, lại dễ lạc đường nữa! Anh không muốn cái cảnh vừa tìm được đứa này lại mất tiếp đứa khác đâu nhe! Thôi, mấy em chịu khó ở lại đây chờ tin tốt lành của bọn anh nhe!
Rồi anh nháy mắt, hạ giọng nói tiếp:
- Với lại mấy em còn có nhịêm vụ tối qua anh giao nữa mà, quên rồi sao? Không được quên đâu đấy!
Mấy đứa ỉu xìu đành phải đứng nhìn theo đoàn người tiến sâu vào núi.
Mới sáng sớm sương mù còn giăng kín cả một vùng trời trước mặt, mọi người ai nấy co ro trong những chiếc áo khoác to sù sụ, nhìn giống như trong một cảnh phim nước ngoài. Vào tới khu rừng, người chỉ huy giao nhiệm vụ cho từng nhóm người và họ bắt đầu tản ra, dàn thành hàng ngang mà tiến sâu vào bên trong.
Hôm nay người chỉ huy nhất định phải tìm cho ra hai anh em cậu đó, sống thì tìm được người, bằng có chết cũng phải tìm được xác, chứ không lý gì cả hai anh em lại mất tích một cách bí ẩn đến như vậy.
Khả năng chết chỉ là dự phòng thôi, chỉ sợ các cậu ấy hoảng loạn rồi té xuống khe xuống vực, chứ khnôg sợ chuyện làm mồi cho thú dữ. Vì là người nắm rõ địa bàn này, anh chỉ huy biết ở đây không có thú dữ ăn thịt người xuất hiện.
Nhưng anh cũng thắc mắc lắm, tại sao cậu nhỏ đó lại có thể rẽ quặt vào đây một cách vô lý đến vậy, trong khi đang nhắm hướng lên đến đỉnh Lang Biang? Mà nghe kể lại thì cậuu nhỏ này hiếu thắng lắm, đã thế thì sao có chuyện đang trong giai đoạn chạy nước rút của cuộc thi, sắp về tới đích rồi cậu ta lại có thể rẽ ngoặt vào đây để thám hiểm hay ngao du cho thỏa trí tò mò? Dù gì đi nữa, với tính cách đó cậu ta phải lên đến đích trước đã rồi mới làm gì thì làm, đi đâu thì đi chứ?
Thiệt tình, nghĩ đến nát óc vẫn không sao nghĩ ra một lời giải thích nào nghe cho hợp lý được! Hèn gì mấy người dân tộc khẳng định cậu ta đã bị ma dẫn đường đem đi dấu ở một chỗ nào đó rồi, ừ, không chừng lập luận đó nghe ra còn có lý hơn nữa à!
Người chỉ huy vừa đi vừa suy nghĩ. Hình ảnh đau khổ, tuyệt vọng của hai cô giáo trẻ miền Tây Nam bộ cứ ám ảnh lấy anh không rời. Anh mong sao mình đem được hai cậu học trò nguyên lành về cho hai cô ấy…
Tiếng chó sủa dồn dập một cách khác thường làm người chỉ huy giật mình. Anh ra hịêu cho mấy đi cùng tiến thẳng tới trwosc, chỗ chú chó đang giương mõm lên sửa.
Đó là một cái miếu nhỏ do mấy người dân ở đây lập nên từ hồi lâu lắm rồi để thờ một vị thần rừng nào đó anh không còn nhớ rõ, nhnwg anh chỉ biết lâu nay nó đã bị bỏ hoang, thương là nơi nghỉ chân của những người đi săn hoặc hái củi.
Tối hôm qua, đoàn người tìm kiếm cũng đã qua lại nơi này rất nhiều lần, thậm chí chính bản thân anh đã soi đèn vào tận bên trong mà chẳng thấy gì. Bây giờ con chó này sủa rống lên như vậy là sủa cái gì kia chứ?
Vừa lại gần ngôi miếu, người chỉ huy đã nhận ra dấu vết! Những chiếc lá cây, những mẩu bánh vụn còn vương vãi trên thềm xi măng. Tim anh đập thình thịch. Anh khom người nhìn vào trong, và thật không ngờ khi nhìn thấy hai đứa con trai ngồi co người ôm chặt lấy nhau ngủ thật say sưa…
Anh chỉ huy đứng thẳng người lên, thở phào nhẹ nhỏm. Anh đưa còi lên thổi một tiếng tập trung. Tiếng còi vang lên chát chúa vậy mà hai chàng trai trong miếu vẫn không hề giật mình thức giấc.
Khi mọi người đã tập trung đầy đủ, anh chỉ huy đích thân chui vào miếu lay gọi:
- Này này! Hai ông tướng! Mau dậy đi thôi, cả thành phố Đà Lạt đang nổi sóng vì hai ông kia kìa! Dậy! Dậy mau!
Phát liên tiếp mấy phát vào mông mới đánh thức được Điểm dậy.
Điểm ngơ ngác dụi mắt ngó ra ngoài, khi nó trông thấy bên ngoài có rất nhiều người thì nó hiểu ra đó chính là những người đang đi tìm kiếm anh em nó. Mừng rỡ, Điểm lay gọi anh:
- Anh Phấn! Anh Phấn! Họ tìm gặp mình rồi kìa! Dậy đi anh Phấn!
Nhưng Phấn vẫn không nhúc nhích.
Điểm sờ lên trán anh, nó hoảng hốt rụt vội tay lại như bị bỏng, anh nó đang bị sốt rất cao!
- Anh Phấn!
Điểm kêu lên thảng thốt.
Người chỉ huy giật mình hỏi:
- Có chuyện gì vậy chú nhỏ?
- Anh của em… anh của em sốt cao lắm rồi!
Điểm run run nói.
- Giúp một tay đỡ anh chú ra đây!
Người chỉ huy ra lệnh.
Khi mọi người đỡ được Phấn ra ngoài, lúc này Điểm và mọi người mới phát hiện một bên chân của Phấn sưng to đến tận đầu gối. Cả lớp da bên ngoài đỏ rực lên, căng cứng như sắp sửa rách toạc ra.
Trong lúc điểm hoảng hốt lo âu thì người chỉ huy săm soi một lúc và phát hiện dưới lòng bàn chân Phấn có một lỗ thủng rất sâu.
- Nó đạp phải gai độc rồi đây!
Người chỉ huy nói.
Nhưng một người dân tộc đứng bên cạnh vội vã khom người xuống khều khều gì đó chỗ vết thương, nhặt lấy một mẩu nhỏ đưa lên gần mắt quan sát, một lúc sau anh ta kêu lên:
- Cái gai độc cậu ta đạp nhầm không gây độc đến mức này đâu! Nguyên nhân chính là đây!
Anh ta giơ lên cho mọi người xem một mẩu nhỏ xíu có màu xanh xám. Mọi người còn đang ngơ ngác thì anh ta giải thích:
- Có lẽ khi đạp phải gai rừng, cậu ta đã vớ đại một thứ lá bên đường, nhai cho dập nát rồi rịt vào để cầm máu. Nhưng không may cho cậu ta, đây lại là loại lá độc. Bình thường chạm vào thì không sao cả, nhưng nếu có vết trầy xước thì chất độc từ lá cây này sẽ ngấm nhang vào máu gây sưng tấy thế này đây…
- Anh ơi… có cứu… cứu được không?
Điểm run rẩy hỏi.
Anh thanh niên người dân tộc ngồi hẳn xuống để quan sát vết thương một cách tỉ mỉ, cuối cùng anh ta kết lụân:
- Chưa đến nỗi nào! Có lẽ do khi buột vết thương không được chặt, lá cây độc rơi ra sau đó không lâu chỉ còn vướng lại một ít, thế cho nên phần thịt ở quanh miệng vết thương vẫn chưa thâm đen, tức là vẫn còn cứu được! Thôi, bây giờ mau mau đem cậu ta về dưới đó đi, tôi sẽ về nhà lấy thuốc rồi mang xuống ngay!
Nói dứt câu, người thanh niên vội vã đứng lên băng rừng đi mất.
Anh chỉ huy ra hiệu cho mọi người khiêng Phấn đặt nằm lên chiếc cáng mang theo, rồi anh nhìn sang Điểm hỏi:
- Sao? Cậu có đi được không hay cũng nằm lên cho chúng tớ khiêng đi nhé?
Điểm lúng túng:
- Dạ không!... không… em đi được!...
- Cậu đã làm cho bao nhiêu người lo lắng mất ăn mất ngủ! Suýt chút nữa hai cô giáo của cậu cũng đã chết luôn vì cậu đó! Cậu đi đâu thế? Nói cho tôi nghe xem nào?
Người chỉ huy nói với Điểm vẻ trách cứ.
Điểm biết lỗi, vừa cắm cúi đi vừa nói lí nhí:
- Lúc đó em tính đi tắt cho nhanh, nhưng em cũng không biết tại sao em cứ đi hoài, đi hoài mà không lên tới đỉnh núi được. Đến tối mịt thì em biết chắc mình đã hoàn toàn mất phương hướng rồi…
- Đêm hôm qua bọn tôi đi tìm cậu nát cả khu vực này, cậu lúc đó ở đâu?
Người chỉ huy hỏi.
Điểm thật thà đáp:
- Em đi tới cái miếu đó lúc hơn chín giờ đêm, không còn sức lực nữa nên em chui vào đó nằm cho đỡ lạnh… hình như trong lúc mê man, em có nghe tiếng người kêu tên em nhưng em không thể lên tiếng được, lúc đó hình như em có thấy ánh đèn soi vào…
- Khoan… khoan… cậu nhớ lại xem, từ lúc tới cái miếu đó là cậu nằm luôn không đi đâu hết à? Lúc cậu tới miếu là vào độ hơn chín giờ à? Cậu có nhớ chắc không?
Người chỉ huy gặng hỏi.
- Dạ, em nhớ chính xác là như vậy! Vì kim đồng hồ em có dạ quang, em vẫn nhìn xem giờ để mong trời mau sáng mà…
- Thế thì lạ thật! Cũng vào khoảng thời gian từ mười giờ tới hơn mười một giờ tối qua, tôi đã mấy lượt rọi đèn pin vào đó, thậm chí tôi còn cúi khom người để nhìn vào quan sát bên trong, sao tôi không nhận cậu nhỉ?
Người chỉ huy lẩm bẩm.
Một người trong đoàn người tìm kiếm nói xen vào:
- Có thể anh không tin, nhưng bọn thường dân chúng tôi ở đây đều rất tin vào hiện tượng ma giấu này. Một người nằm ngay đó nhưng đã bị án lại bởi các bóng ma nên không ai có thể nhìn thấy người đó được… Chúng tôi đi rừng thỉnh thoảng vẫn gặp trường hợp như thế hoài. Nhưng do thuộc đường lối, nên chỉ sau khi bọn họ thôi đùa giỡn là chúng tôi có thể tự về lại nhà của mình… Tôi nghĩ là hôm qua anh bạn nhỏ này đã bị bọn họ rủ rê, dẫn dắt nên mới đi vào đây, và chính họ đã giấu anh bạn nhỏ vào đó không cho chúng ta nhìn thấy được!
Người chỉ huy toan lên tiếng cãi lại, nhưng thật sự anh cũng không biết phải dùng lời lẽ nào để cãi lại lời giải thích… rất có lý kia?
Khi đoàn người rồng rắn kéo xuống tới chân núi thì đã thấy cả lớp đứng chờ dưới đó rồi.
Hai cô giáo trông thấy học trò mình trở về mừng đến nỗi ngất xỉu. Còn mấy cô nữ sinh, vừa hoảng hốt vây quanh Phấn lại quay sang đấm thùm thụp lên lưng Điểm mà nước mắt như mưa…
Anh thanh niên người dân tộc đã đem thuốc tới nơi. Anh cẩn thận rửa sạch vết thương của Phấn, lau thật khô rồi rắc đều lên khắp mặt vết thương một thứ thuốc bột màu trắng.
Mọi việc xong xuôi, anh đưa cho cô giáo lọ thuốc nhỏ xíu, dặn dò:
- Cô đem về, mỗi ngày xức cho anh bạn nhỏ hai lần, làm giống như tôi vừa làm khi nãy ấy! Còn muốn cho uống thêm thuốc Tây thuốc Tàu gì tùy, không có ky kiêng gì hết, yên tâm đi, vài ba hôm anh bạn nhỏ sẽ lại chạy nhảy thôi mà…
Cả hai cô giáo và đám nữ sinh rối rít cảm ơn.
- Bây giờ thì mấy cô trò chuẩn bị về khách sạn để nghỉ ngơi đi chứ, bộ tính ngủ bụi nữa sao?
Người chỉ huy vừa nói vừa cười.
Cô giáo mắc cỡ, chúm chím cười, lí nhí nó lời cảm ơn lần nữa.
Bất chợt người chỉ huy vỗ đùi đánh đét một phát làm ai nấy hết cả hồn vía:
- Trời đất ơi, quên nữa chứ! Này cậu nhỏ, mau mau chạy lại đằng kia gọi điện thọai về nhà cho ba má cậu ngay đi, có lẽ giờ này ông bà già đang ngồi trên đống lửa đó!
Vừa nói người chỉ huy vừa vẫy tay gọi Điểm và chỉ cho nó thấy quầy địên thọai công cộng đằng xa.
Điểm ngớ ra một giây rồi chợt hiểu, nó co giò phóng đi thật mau.
Anh chỉ huy lại thở dài:
- Thôi rồi! Thằng nhóc đi gọi điện mà chắc trong túi không có đồng teng nào rồi…!
Nói dứt câu, anh đứng lên làm bộ nhăn nhó chạy đuổi theo Điểm.
***
Ông Năm ngồi ngó chăm chăm vào cái địên thoại, từ khuya tới giờ nó không chịu reo lên một lần nào nữa.
Có lúc ông nghi hoặc không biết nó có bị trục trặc gì không, muốn cầm lên xem xét nhưng ông lại sợ lỡ đúng lúc đó có người gọi đến thì sao?
Từng phút, từng phút trôi qua một cách nặng nề, chậm chạp.
Trời sáng rõ, chị hàng xóm đưa bà Năm về, bà đã tỉnh nhưng vẫn còn vật vã khóc than và nhất định không chịu vào phòng nằm nghỉ. Bà đòi được ngồi canh điện thoại với ông Năm.
Chìu theo bà, ông Năm phải nhắc một cái ghế bố ra đặt cạnh bàn điện thoại cho bà Nằm.
Hai vợ chồng lặng lẽ nhìn nhau, ai cũng muốn nói thật nhiều nhưng ai cũng sợ sẽ làm cho người kia càng thêm lo lắng.
- Reng… reng… reng…!
Ông Năm chộp vội lấy đưa ngay lên tai, run run hỏi:
- A lô…
- Ba ơi, con nè…
Bên kia đầu dây tiếng thằng Điểm nấc lên. Ông Năm vừa mừng vì biết vậy là thằng điểm an toàn, vừa lo cho thằng Phấn.
- Điểm! Trời ơi… con đó hả? Còn anh con đâu? Con ráng tìm anh con về nghen, con chăm sóc anh con nghen… nó yếu đuối, nhút nhát… ba lo cho nó quá con ơi…
Ông Năm nói luôn một hơi.
Bên kia tiếng thằng Điểm vừa cười vừa khóc:
- Ba má yên tâm đi, cả hai đứa con không sao đâu! Ba má cũng đừng lo cho anh Phấn nữa… Anh phấn là một anh hùng, anh Phấn gan dạ không ai bằng, lâu nay con luôn coi thường ảnh, nhưng hôm nay con mới biết con không bằng… cái móng chân của ảnh nữa… Thôi, ba má yên tâm đi, ngày mai tụi con về tới…
Thằng Điểm đã cúp máy rồi mà ông Năm vẫn còn đứng ngơ ngẩn, ông cứ nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại trên tay, lẩm bẩm:
- Cái thằng Điểm này nói gì tao khnôg hiểu gì hết trơn…
- Tụi nó sao rồi ông?
Bà Năm hồi hộp hỏi, tuy bà đã đoán được phần nào.
- Thằng Điểm gọi về, nói là cả hai đứa đều không sao! Nhưng tui không hiểu sao nó lại nói thằng Phấn là thằng gan dạ nhất trên đời? Thiệt tình mấy đứa này nó làm mình hết lo thắt ruột đến thắc mắc điên người đây…
Bà Năm như đã khỏe hẳn lại sau khi nghe tin đó. Bà cười thật tươi:
- Biết được hai đứa nó bình yên là được rồi, tốt rồi! Mặc kệ nó gan dạ hay thỏ đế gì cũng được, cũng là con yêu con quý của tôi…
Ông Năm liếc bà, mỉm cười:
- Con của một mình bà chắc?
Hai vợ chồng già nhìn nhau, thở phào nhẹ nhõm…
Nguyễn Thị Mộng Thuwww.mietvuon.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét