Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

Hối Hận Muộn Màng

Mỗi năm, cứ đến ngày 20 tháng 11, nhìn những gương mặt học trò rạng rỡ bên những cánh hồng đỏ thắm dâng tặng thầy cô, trong lòng tôi lại ray rứt một niềm hối hận và nôn nao một nỗi nhớ xa xăm…

Ngày ấy, khi mới bước chân vào cấp hai, môn tiếng Anh hoàn toàn mới mẻ đối với chúng tôi. Những đứa học trò thôn quê nhút nhát, mỗi khi bị gọi đứng lên đọc mấy câu tiếng Anh, phải sửa miệng sửa mồm, quả là một cực hình. Dạo đó, giáo viên dạy ngoại ngữ còn hiếm lắm, trường tôi chỉ có hai giáo viên ngoại ngữ, cô Tiếng dạy Anh văn, thầy Lộc dạy cả Anh lẫn Pháp.
Chúng tôi không thích học Anh văn và ghét luôn cô Tiếng! Phần vì cô khó, cho điểm “ mắc thấy sợ”, phần vì không thích môn cô dạy. Vậy mà trời xui đất khiến, chỉ hai tháng sau khai giảng lớp tôi thay đổi giáo viên chủ nhiệm, oái oăm làm sao, người dẫn dắt bọn tôi lại là cô Tiếng!

Suốt tuần, hầu như ngày nào cô cũng ghé thăm lớp, nhắc nhở việc học hành, trực nhậ. Còn đến giờ sinh hoạt chủ nhiệm thì ôi thôi, khỏi nói, lớp tôi bao giờ cũng về muộn nhất trườn. Bất kỳ một động tịnh gì của lớp cô đều nắm bắt được, dù rằng giáo viên bộ môn không phê vào sổ đầu ba.
Một hôm cô tuyên bố:
“ Bắt đầu từ tuần này, mỗi chiều thứ hai, tư, sáu các em đến trường để học thêm tiếng Anh”.
Chúng tôi giẫy nẫy lên:
“Cô ơi, ba em không cho đi đâu, em mắc giữ trâu để anh em đi học”,
“ Em giữ em nhỏ”,
“ Em không có tiền đóng”…
Cô khẽ chau mày, gõ thước xuống bàn bảo chúng tôi im lặng.
“ Các em đừng nghĩ cô tổ chức lớp học thêm này là tiền, cô dạy hoàn toàn miễn phí bởi vì cô thấy hầu hết lớp ta học Anh văn yếu quá. Cô muốn giúp các em củng cố và nâng cao kiến thức. Những em nào có hoàn cảnh không thuận lợi , cô sẽ đến nhà bàn bạc với gia đình”.

Nói là làm, ngay hôm sau cô bắt đầu đi từng nhà xin cho chúng tôi đi học thêm. Cuối cùng, cả lớp chỉ mỗi bạn Hoa còn vướng mắc. Mẹ bạn buôn bán suốt ngày ngoài chợ, hai chị em Hoa học trái buổi phải thay nhau giữ em – một thằng nhóc chưa đầy hai tuổi!

Thế nhưng cô vẫn không chịu đầu hàng. Cô bảo Hoa cứ bế em đến lớp. Mấy ngày đầu thằng bé thấy lạ cứ bám riết chị, Hoa nản định bỏ học. Cô bày mấy thứ đồ chơi, mấy cái bánh dỗ nó để làm quen. Thế rồi khi thì thằng bé chạy chơi lon ton trong lớp, khi cô bế trên tay. Lớp học của chúng tôi duy trì được hơn ba tháng thì “ giải thể” do trường được xây dựng lại, phải đập bỏ dãy phòng đó nên không có chỗ cho chúng tôi học.

Tình cảm của chúng tôi dành cho cô Tiếng có nhiều thay đổi. Nhưng trẻ con vốn vô tư và cả… vô tình nữa, chúng tôi chưa nhận thức đầy đủ sự hy sinh của cô, chưa biết đền đáp lại công ơn bằng trọn vẹn tấm lòng mính, chúng tôi vẫn có những hành động nông nỗi để mãi đến nhiều năm sau này, bạn bè cũ mỗi lần gặp lại , nhắc về cô mà thấy lòng ray rứt khôn nguôi .

Sáng hôm ấy, trống vào học đã mấy phút rồi vẫn chưa thấy cô xuống lớp. chúng tôi vừa ngóng lên phòng giáo viên, vừa bàn tán đủ thứ chuyện. Lát sau, cô giám thị thông báo:
“ Cô tiếng bị bệnh nghỉ hai tiết này, các em giữ trật tự”.
Cô giám thị vừa đi khỏi chúng tôi reo hò thích thú, cười giỡn với nhau, chẳng đứa nào quan tâm cô bị bệnh gì, nặng nhẹ ra sao?
Tiết thứ hai chưa kết thúc, cô giám thị lại đến:
“ Cô Tiếng mất rồi! Sau buổi học này các em hãy đến thăm cô lần cuối !”

Cả lớp đờ ra, và trên những gương mặt đờ đẫn ấy còn phảng phất những nụ cười chưa tắt kịp.
“ Cô ơi !”, Hoa bật khóc , chúng tôi khóc òa theo. Và có lẽ đó là lần đầu tiên chúng tôi cảm nhận sâu sắc nhất cái gọi là tình nghĩa thầy trò.

Gần hai mươi năm trôi qua, cứ mỗi mùa hiến chương đến là tôi lại âm thầm ao ước, giá như thời gian quay ngược lại, để tôi có thể cài lên ngực áo của người cô đáng kính một bông hoa…

Thế nhưng, thời gian không thể quay lại được, và có những điều người ta không thể làm lại từ đầu!  


www.mietvuon.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét