Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Truyện ngắn Lệ Mưa


Em gặp anh trong chiều mưa ấy, không thể nào quên, em đã thích anh ngay từ giây phút đó. Nghĩ lại cũng thật buồn cười, chỉ là ánh mắt của một thanh niên đeo đàn trên vai đang vội vã tìm chỗ trú mưa mà làm em rạo rực. Lần đầu đấy anh ạ, anh là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng trong suy nghĩ của em suốt ba năm qua. Em mơ mộng, em đã hy vọng, đã tự xây trong tim mình một tương lai hạnh phúc.

Nhưng rồi tất cả biến mất, mọi thứ sụp đổ chỉ trong một cơn mưa. Đó là mùa mưa lạnh giá nhất trong cuộc đời em, anh biết không? Từng giọt mưa làm tay anh lạnh toát, làm màu đỏ độc ác ấy cứ lan rộng ra tới tận cuối con đường. Em đã chẳng thể làm gì. Tại sao anh lại làm thế với em? Sao bắt em nhìn thấy mắt anh khép lại, bắt em nắm lấy bàn tay anh - cứ buông dần ra? Mãi mãi mất anh là điều em chưa từng nghĩ đến. Vậy nghĩ sao, em vẫn phải cố sống với cả thế giới, có mọi thứ trừ anh?

Em đã yêu mưa, rất yêu. Mưa đem anh đến bên em. Em vẫn yêu mãi những chiều anh dẫn em đi tắm mưa, ướt nhẹp. Em vẫn yêu mãi những hôm mưa anh cầm ô đứng đợi em ở cổng trường. Yêu mãi những lúc anh chỉ cho em "show diễn nhạc rock" vào ngày mưa, âm thanh hay tuyệt của tiếng mưa, tiếng sấm với ánh đèn chớp giật. Em yêu mỗi lúc anh lau nước mắt cho em, yêu câu nói của anh: "Anh thích nhìn thấy nắng trên khuôn mặt em hơn". Những lúc ấy em vẫn muốn mưa mãi để anh mãi bên em, nhẹ nhàng và thương em như thế...

Nhưng rồi em sợ mưa, mưa mang anh đi. Em sợ, sợ mưa lại tiếp tục cướp đi những thứ quan trọng nhất với em. Em né tránh, em chẳng dám đối mặt với những cơn mưa nữa, chỉ cần thấy mây đen là em lao về nhà, tự nhốt mình trong phòng.

Em sợ, sợ mưa làm tạnh con tim em và em sợ mưa lại tuôn rơi, lăn trên má em vì giờ không còn anh ở bên em, lau đi những giọt mưa ấy. Em sợ phải nhìn từng chiếc ô nhấp nhô trên đường - những chiếc ô dành cho 2 người, em sợ sấm, sợ sét, sợ tiếng lá cây trong mưa, sợ cái ướt nhẹp khi trời mưa, em sợ tất cả những gì liên quan đến mưa.

Ngày mọi người tiễn anh đi, em đã không đến. Mọi người nói em là đồ máu lạnh. Vâng, đúng rồi, kể từ ngày mưa đó, máu em lạnh, tim em lạnh. Không có anh, sự ấm áp cũng rời bỏ em. Em đã ngồi yên, co mình dưới khung cửa sổ, em không muốn nhìn ra bên ngoài, trời đang mưa tầm tã để tiễn anh...

Mưa giờ đây đã là ranh giới cách anh và em. Anh đã thuộc về một thế giới khác, ở đó không có em. Và em cũng đang sống trong một thế giới mãi mãi không có anh.

Anh bảo em ngốc nghếch vì tin vào sự tích Ngưu Lang, Chức Nữ. Giờ em vẫn muốn tin, muốn hy vọng một lần, một lần thôi, điều kì diệu có thể xảy ra, anh là Ngưu Lang còn em là Chức Nữ. Ba năm rồi, em vẫn sống như thế, vẫn tránh né, tránh né mưa, tránh né những tình cảm từ nhiều chàng trai, tránh né sự thật, tránh né bản thân em. Trong tim em chỉ hiện hữu ba từ: "anh", "mưa" và "đớn đau" mà thôi. Và cũng 3 năm rồi nắng đã tắt trên khuôn mặt em, bình minh không còn trên đôi môi em. Với em, hạnh phúc, bình minh, được cười vui chỉ còn là quá khứ.

Hôm nay, em ngồi lâu ở quán cà phê ngày xưa em vẫn ngồi nhìn anh chơi đàn, giờ đã có người khác ngồi đó. Em một mình bên ly cà phê, mải miết cảm nhận từng giọt đắng. Nhưng rồi, ca khúc ấy lại vang lên. Đã lâu lắm từ khi anh đi, em không còn được nghe "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa", bài hát cả anh và em cùng thích, bài hát anh đã chơi trong buổi hẹn đầu...

Ba năm nay, mỗi lần tới đây, bác chủ quán vẫn luôn dành cho em chỗ ngồi ở góc cuối căn phòng nơi em vẫn ngồi ngắm nhìn anh. Em đang khóc, nức nở khi nghe bác chủ quán nói: "Thằng Sơn mất rồi, bác biết cháu khó có thể chấp nhận sự thật này. Ba năm qua, bác không yêu cầu ai chơi bản nhạc này, bác sợ cháu sẽ lại nhớ, lại đau, lại dằn vặt. Nhưng hôm nay bác quyết định để khúc nhạc đó vang lên một lần nữa, thấy cháu đã khóc, bác tin là mình làm đúng. Sơn mãi hiện hữu trong tim cháu, nó luôn ở bên cháu...".


Em trở về, mưa đã tạnh, nắng đã dần hiện, nhẹ nhàng, nắng trên kia, nắng trong em...

Theo TGPN

Mất duyên!


Thoạt nhìn Trang có dáng người cao ráo, da trắng, xinh xắn, khiến ai gặp lần đầu cũng thấy ưng mắt nhưng cách cư xử “vô tư” quá mức của Trang đã làm gia đình Dũng ái ngại.

Về đến nhà, vừa kịp chào hỏi bố mẹ Dũng, cô con dâu tương lai hồn nhiên nhảy lên giường đánh một giấc ngon lành. Dũng gọi kiểu gì Trang cũng nhất định không dậy với lý do mệt.

Thương người yêu vừa đi cả chặng đường dài nên Dũng đành muối mặt ra giải thích với bố mẹ. Thế là một mình mẹ Dũng phải lúi húi nấu nướng dưới bếp.

Biết Dũng về, bố mẹ làm cơm mời thêm bác cả và chú ba sang cho vui. Khi mọi người đã ngồi vào mâm đầy đủ Trang mới từ trong buồng bước ra, Dũng giật thót mình khi thấy cô đang mặc cái áo phông cổ rõ rộng. Dũng nháy mắt, hất hàm mấy lần nhưng Trang không hiểu ý. Thế là bữa trưa hôm đó cả nhà Dũng được một bữa ngượng chín mặt vì nội y của Trang cứ đập vào mắt mỗi lần cô cúi xuống gắp thức ăn.

Đã thế khi ăn uống xong, thay vì dọn dẹp bát đĩa để lấy lòng mẹ chồng tương lai, Trang lại vắt chân trên salon ngồi xem tivi, thỉnh thoảng lại cười phá lên khiến mẹ Dũng chỉ lắc đầu ngao ngán, bác cả và chú ba thì nháy nhau uống vội chén nước rồi xin phép ra về.

Mặc dù Dũng đã góp ý nhiều lần nhưng Trang vẫn chứng nào tật ấy, không thay đổi. Trước mặt mọi người, Trang cứ vô tư nhõng nhẽo, cười đùa với người yêu mà không để ý đến người xung quanh đang “ngứa con mắt bên trái”.

Ở quê, dù có tân tiến đến mấy, người ta vẫn cực kỳ dị ứng với kiểu thể hiện tình cảm thái quá như vậy. Còn Dũng thì có cố gắng thế nào cũng không hãm lại được những hành động vô duyên của cô người yêu.

Biết là Trang đã bị mất điểm với bố mẹ và gia đình bên nội nên Dũng đưa sang bên ngoại để cô có cơ hội vớt vát. Không ngờ, trong lúc ngồi nói chuyện với mọi người, Trang tiện tay với lấy cái bấm móng tay rồi vô tư bấm tanh tách...

Sau hôm đó, về thành phố Dũng cũng lấy lý do để tránh mặt Trang. Dũng muốn có thời gian yên tĩnh để suy nghĩ nhiều hơn về chuyện của hai đứa. Mẹ Dũng thì gọi điện lên thở dài:

- Anh làm bố mẹ mất mặt quá. Tưởng anh học rộng, đi nhiều nên kén được người yêu lý tưởng cỡ nào! Con gái mà không có duyên chẳng khác nào bông hoa không sắc.

Mẹ không nói thẳng nhưng Dũng biết là trong lòng bố mẹ đã không chấp nhận cô con dâu tương lai như vậy. Không phải chỉ có bố mẹ mà hành động của Trang cũng thực sự làm Dũng thất vọng.


Theo PNVN

Mẹ Ơi Con Xin Lỗi


Bé Minh Tâm ngọ ngoạy và khóc lên vài tiếng khe khẽ- Lam tỉnh giấc, thay tã cho con,  âu yếm vỗ nhẹ vào mông con  : " Yên nào cún con, đừng quấy mẹ nữa !". Căn phòng lờ mờ dưới ánh đèn ngủ ở cạnh góc phòng- ngoài đường yên vắng đêm sâu thẳm, chỉ có tiếng côn trùng rả rich, tiếng gió rít từng cơn và lác đác đâu đó trong làng tiếng gà gáy báo hiệu sang canh. Lam nghĩ chắc có lẽ đã khuya lắm rồi. Sau khi sinh con cô mới thấm thía được tình mẫu tử , bắt đầu hiểu ra dần công lao của mẹ cha thật là to lớn. Lam cảm thấy một nỗi ray rức dấy lên, một niềm hối hận đang lớn dần trong cô vì trong những năm tháng qua Lam đã sống không ra gì. Cô xấu hổ  với những việc đã làm -không muốn về nhà,  nhưng lại không muốn con mình phải  khổ  đau, tủi nhục khi có một người mẹ không xứng đáng, tội lỗi như cô. Nói cho đúng hơn Lam đang muốn trốn chạy khỏi quá khứ tối tăm dối lừa của chính mình.  Con người đúng là đã điên đảo trong vô minh- không thể lường trước được mọi  hậu quả của cái nhân mình đã gieo xuống cuộc đời.. Tính ích kỉ, nhẹ dạ và ngang bướng đã giết chết cuộc đời của Lam từng tháng năm qua. Cô thường nghĩ : Giá mà thời gian có thể quay ngược lại thỉ cuộc đời cô có lẽ sẽ mở sang một trang khác rồi?
               Bé Lam rất vui và tự hào khi được giải ba kì thi giỏi văn cấp tỉnh. Nó trông mau hết giờ để được về nhà khoe với ba, với em. Chắc là ba sẽ vui mừng lắm vì cô con gái cưng đã đạt được thành tích cao như vậy . Lam vừa đi, vừa nghĩ -  vừa nhảy nhót suốt chặng đường về nhà.  Kể từ khi mẹ mất đi,  chỉ có hôm nay là ngày nó vui thực sự, Nó tạt vào chợ mua một ít thức ăn, nó muốn làm một bữa cơm thật ngon để đợi chờ, chung vui với Ba và cu Sơn...
             Buổi tối thật vui- ba xoa đầu Lam, ôm  nó vào lòng- âu yếm nói :" Con gái ngoan! Ba rất tự hào về con, con hãy cố gắng hơn nữa con nhé? Ba hi vọng chị em con sẽ làm đẹp mặt. đẹp lòng cho dòng họ nhà ta đấy! ". Cu Sơn mới sáu tuổi - đang học lớp một, không hiểu rõ điều gì- cũng nhoẻn miệng cười thật tươi , chia vui cùng chị. Ông Lợi kéo hai chị em Lam vào lòng như muốn nắm bắt lấy niềm hạnh phúc-giọng ôn tồn-âu yếm: " Ba có chuyện này muốn nói với hai con..."- Ông  liếc nhìn vào gương mặt Lam- "Mẹ chúng con đã mất gần  bốn năm rồi, ba thì đi làm xa  suốt ngày-không chăm lo cho hai con chu đáo được". Dừng lại một lúc- ông ngập ngừng : " Ba tính tìm mẹ mới về thay ba chăm sóc cho hai con, con thấy thế nào?".   Câu hỏi của ông Lợi quá đột ngột, Lam bỗng thấy như bị hụt hẫng, bị  giằn xé, đất trời như quay cuồng dưới chân mình. Nó không muốn ai thay mẹ cả, và nó sợ mẹ kế sẽ giành lấy hết tình thương yêu của ba . Nó lắc đầu quầy quậy và khóc nức nở. Cu Sơn  thấy chị khóc -sợ hãi cũng khóc theo. Ông Lợi im lặng . Một lúc sau- ông với giọng trầm nhỏ- buồn buồn :" Các con không thích thì thôi, ba  sẽ sống mãi như thế này cùng các con, ba không lấy vợ nữa..."
                      Sau ngày hôm đó ba Lam không hề đề cập đến chuyện lấy vợ kế nữa, nhưng ông  như trầm lặng hẳn đi- ít nói ít cười hơn trước và thường xuyên vắng nhà hơn .Bé Lam cố gắng giữ nhà cửa sạch sẽ, chăm sóc cu Sơn và nấu những bữa cơm ngon như thời còn mẹ, với hi vọng sẽ làm ba vui lòng.   Nhưng Lam vẫn nhận ra  vẻ buồn, nét trầm tư trên mặt cha mình và nhất là những tiếng thở dài bất chợt hằng đêm khi ông tưởng Lam và cu Sơn đã ngủ say. Lam cảm thấy rất đau lòng và cuối cùng nó đành nhượng bộ. Nó nghĩ hãy để ba cưới mẹ kế, Ba cứ hạnh phúc với dì, còn nó sẽ âm thầm nuôi em Sơn, hai chị em sẽ nương lẫn nhau, mà cùng lắm  nó sẽ dắt em theo mẹ đến nơi không còn buồn khổ nữa.
                     Ông Lợi cưới cô Mai năm Lam học lớp 10. Ngày cưới nó viện cớ học cả ngày nên không về nhà, nó sợ phải nhìn thấy ba cùng cô Mai dắt tay nhau bước vào ngôi nhà thân yêu của mẹ nó .Nó sợ không kìm giữ được sẽ bật khóc trước đám đông. Và nó sợ phải nghe  lại lời bà Thanh bên cạnh nhà nói " Có hai đứa con rồi, trai có, gái có- còn tái hôn làm gì không biết? Mà tưởng cưới được ai chứ cô vợ vừa già vừa xấu như vậy ?". Bà ấy nhiều lần nói với nó như vậy- bà  cũng bảo người như cô Mai thường là rất độc ác.   
Trời xẩm tối- Lam mới về tới nhà.  Cu Sơn đang ngồi trong long dì Mai nhõng nhẽo đòi mẹ Mai dạy gấp cho chiếc thuyền. Không hiểu sao vừa nhìn thấy- một nỗi buồn, nỗi giận chẹn ngang cổ, Lam đứng sững một hồi lâu-  không nói được một lời nào.
    -  Thấy Lam về- dì Mai cười rất tươi , nói như reo lên :
      
              Không trả lời thẳng câu hỏi của dì Mai, Lam gằn giọng :       - Dì không phải là mẹ của tôi! Tôi cũng không phải là con gái của dì bây giờ và cả sau này cũng vậy. Dì nên nhớ điều đó...
             Ba Lam xuất hiện từ lúc nào Lam không biết nữa, chỉ nghe tiếng ông quát lên :" Lam! Con không được hỗn, kể từ ngày nay trở đi  dì Mai sẽ là mẹ của con và cu Sơn"
            Dì Mai ngăn ông lại : "Thôi đi anh! Con nó chưa quen mà, không sao đâu, rồi nó sẽ hiểu em thôi !"
            Lam quăng cặp lên ghế chạy vào phòng - nó thấy rất tủi thân. Lam nghĩ: Vậy là trên đời này nó không còn lại người thân nào nữa, nó chỉ có một mình. Nó khóc nấc lên- gọi mẹ , và  thiếp dần, chìm vào giấc ngủ nặng nề.
            Cu Sơn ngày càng quyến luyến với dì Mai hơn, trừ lúc đi học thì thôi về nhà là nó lẽo đẻo theo dì- thỏ thẻ kể đủ thứ chuyện ở trường, ở lớp. Chưa bao giờ Lam thấy nó vui như vậy kể từ ngày mẹ mất. Lam nghĩ mình đã mất đi tình thương của cha, nó không thể mất đi cu Sơn nữa. Nó làm mọi cách để lôi kéo cu Sơn về với nó. Nó kể cho em nghe những chuyện cổ tích về những mụ mẹ kế độc ác như Tấm Cám, cô bé lọ lem, Bạch Tuyết và bảy chú lùn...  Kể xong chuyện bao giờ Lam cũng nói với em : " Mẹ kế độc ác vậy đó- Dì Mai cũng là mẹ kế của chúng ta em à ...". Lúc đầu cu Sơn có vẻ sờ sợ , nhưng lâu dần nó không tin lời Lam nữa mà càng ngày càng mến dì Mai hơn. Và gần một tháng sau Lam biết chắc rằng mình mất hẳn em Sơn rồi.
              Dì Mai vẫn đối xử với Lam một cách  dịu dàng, không một lần làm trái ý nó -nhưng không hiểu sao lúc đó Lam  càng thấy ghét dì kinh khủng. Dì đã lấy đi hai người thân yêu nhất còn lại của cuộc đời nó.  Nó  đã sống cô độc, lặng lẽ trong ngôi nhà...
              Lam học hành sa sút hẳn, thường hay cúp cua ra quán, theo đám bạn bụi đời tập tành cafe hút xách , tập vào quán net hằng buổi. đua đòi bia ruợu.  Lam có ý muốn trả thù ba mình- làm cho ba phải hối hận khi bỏ rơi đứa con gái này.
              Quảt thật- Lam là một cô gái xinh xắn, mơn mởn như đóa hồng nhung chớm nở-  nên mau chóng lọt vào những  mắt hau háu của một số công tử bột con nhà giàu ngày đêm thường lui  tới quán. Ai cũng muốn chiếm đoạt- đùa giỡn, muốn dập liễu, vùi hoa-đâu có trái tim nào chân thành trong đám người tham lam, dư dật , mà hèn nhát ấy?
               Nhà trường gởi giấy báo về nhà- ba Lam đi họp phụ huynh mấy lần, và lần nào về ông cũng tức giận la mắng  và bắt Lam phải hứa hẹn đủ thứ mà đến giờ nó không còn tài nào nhớ nỗi nữa.  Sau những lần như vậy, dì Mai chạnh lòng-vừa thương cho Lam, cũng vừa thương cho thân mình- dì lấy nước muối, dầu nóng nhẹ nháng xoa  những lằn roi trên mông Lam. Nó vùng vẫy -hất đổ chén nước đi và hét lên : " Bà đừng làm bộ tốt bụng như vậy trước mặt cha tôi, bà có giỏi thì bảo ba đánh chết tôi luôn đi !". Dì Mai vẫn  yên lặng, nhìn Lam thương xót- dì đến ngồi cạnh Lam - giọng ngập ngừng : " Con đừng vậy , Lam à! Chắc là con ghét dì lắm đúng không? Nhưng con phải thương lấy bản thân mình chứ? Đừng làm hư  hỏng  nó  bởi vì đời người chỉ có một lần ,con à?" . Lam lấy hai bàn tay bịt chặt tai lại rồi gào lên : " Dì ra khỏi phòng tôi mau, tôi không muốn nghe gì nữa cả, bà làm ơn để tôi yên đi!".  Tiếng thét lên uất hận của Lam  làm dì Mai sợ hãi rời khỏi phòng. Còn lại một mình- Lam khóc chán chê một hồi, rồi quơ vội mấy bộ đồ nhét vào xách tay và trốn khỏi nhà.  Nó thề với lòng là không bao giờ trở lại ngôi nhà này nữa.
             Lam bỏ học-đi học khiêu vũ, rôi xin vào làm gái nhảy cho vũ trường Hoa Hồng, có dịp cợt nhã, buông thả- hưởng  thụ với hết thảy mọi đàn ông đến vũ trường.  Nó không tin là có tình yêu thực sự tồn tại trên đời, không có tình yêu đôi lứa, tình cha con, tình anh chị em. Lam không tin vào một điều gì nữa- tất cả với nó chỉ là  sự giả dối. Ba, mẹ Lam yêu nhau là vậy, mà khi mẹ nó mất đi, nó và cu Sơn như những con gà con mất mẹ cần hơi ấm của ba biết bao, ba lại bỏ chúng nó để đi yêu một người phụ nữ khác đó thôi. Cu Sơn cũng không cần một người chị  đã hết lòng yêu thương nó như Lam thì còn sống mà làm gì? Nó không muốn giữ gìn, muốn nổi loạn, muốn quậy phá , và muốn làm đủ mọi thứ không hề nghĩ đến hậu quả để ba nó phải hối hận.
                  Ông Lợi và dì Mai đến tìm nó luôn, nhưng hễ thấy bong dáng họ là nó trốn biệt, hoặc nếu phải chạm mặt -nó liền buông lời vô lễ, xấc xược và gằn giọng :" Tôi có cuộc sống của tôi, xin ông và bà đừng làm phiền nữa. Hai người hãy về mà hưởng lấy hạnh phúc của mình đi.  Hai người không thấy tôi đang sống vui vẻ và tốt gấp nhiều lần ở nhà sao?"
                 Dì Mai  chỉ rưng rức khóc và khuyên bảo nó đủ điều- Lam dã lắt đầu không nghe mà hét lên : " Dì đừng đóng kịch nữa, đừng nhỏ nước mắt cá sấu ra đây, chẳng phải tôi ra khỏi nhà là đúng ý đồ của dì sao?". Ông Lợi giận quá, giơ tay định tát, nhưng nó cũng câng mặt lên thách thức.  Lần nào cũng vậy, Ông Lợi và vợ, cũng lại  thất vọng ,lủi thủi ra về...
               Lam sống cuộc đời vũ nữ thiêu thân- không cần biết đến ngày mai, hôm nay nó cặp với người này , mai đi với người kia. Ban đầu- có lúc Lam còn tự vấn lòng mình, còn cảm thấy xấu hổ không dám ra đường, không dám gặp ai, nhưng lâu dần Lam  trở nên chai lì,  thành quen. Lam  đã qua tay bao nhiêu người , bao nhiêu đêm ở khách sạn này- phòng ngủ nọ- bản thân cũng không còn nhớ rõ nữa. Lam không còn xem mình là một con người , mà có lúc  nghĩ-mình chỉ như " một giống cái có chút nhan sắc"  mà thôi.. Nó có mặt trên đời là để mua vui cho kẻ khác - ban đêm ăn chơi thác loạn, ban ngày ngủ vùi.  Ngày qua ngày vội vã , trống rỗng. Cũng có đôi lần- Lam bị vợ của những người đàn ông mua hoa chận đánh  tơi tả bầm dập cả người nhưng với Lam có nghĩa gì đâu -đó chỉ là vết thương ngoài da vài  ngày sẽ lành , còn nỗi đau trong lòng Lam thì mãi không lành sẹo được mà  cứ âm ỉ , đớn đau...
                Lam đã uống thuốc ngừa thai mỗi ngày- nó không muốn sinh ra những đứa con với những người đàn ông vô trách nhiệm đàng điếm kia, những người đàn ông chỉ cậy vào nhiều tiền để mua lấy thân xác nó khi cần hưởng thụ lạc thú  mà thôi.
                Nhưng những cuộc  rượu thâu đêm suốt sáng dày vò thân xác làm nó mờ dần lí trí- không  hề có ý niệm về thời gian và trong  phút giây đắm chìm nào đó một mầm sống đã tượng hình trong người nó rồi.Khi  nhận biết rõ điều này thì cái thai  đã gần ba tháng . Ban đầu , Lam muốn phá bỏ  cái bào  thai oan nghiệt kia đi vì ngay cả Lam cũng không biết ai là người đã để lại trong nó giọt máu ấy.  
              Một đêm,  Lan nằm mộng thấy một  bé con khóc nức nở  dơ hai tay nhỏ xíu về phía nó đòi ẳm. Tỉnh dậy- mồ hôi ướt đẫm áo, đứa bé trong bụng quẩy đạp  làm nó đau nhói. Ước mơ tự nhiên của người đàn bà  mong được làm mẹ trong Lam trổi dậy-Lam quyết định sẽ không nỡ rời bỏ đứa con-một sinh vạt đang hình thành bởi dòng máu của nó.  Lam thu xếp, âm thầm dời đi đến một nơi xa -mong được yên thân- làm lại cuộc đời,và để  chờ ngày sinh con....
              Tuy bào thai đã hơn tám tháng rồi, nhưng Lam ngày ngày vẫn đi nhận rửa chén bát thuê cho tiệm cơm cách chổ ở trọ cây số. Lam ăn cơm ở tiệm và giữ lại tiền công để dành khi sinh nở. Nghĩ đến đứa con trong bụng, nó biết mình cần phải hy sinh, cố gắng nhiều hơn nữa.
          Lam vượt cạn một mình- đau đớn quằn quại mà bên mình không có ai. Nhìn những sản phụ khác đều có chồng, người  thân dìu đỡ-  cô tủi thân rấm rức khóc.  Ngay trong giờ phút cô độc, bơ vơ đó- dì Mai đã có mặt như một điềm lạ.  Dì đến bên Lam , xốc vào một cánh tay cô- dìu cô đi đi lại lại cho  dễ sinh-bớt đau. Lam muốn đẩy dì ra,  không muốn nhận sự giúp đỡ của dì- nhưng cô không còn đủ sức nữa. Cô bám lấy tay dì như bám lấy cái phao cuối cùng để khỏi phải chết ngạt. Lam sinh khó phải mổ. Dì Mai kí giấy cam kết mổ cho cô và phụ cùng  hai cô hộ sinh đẩy chiếc băng ca  vào phòng.  Lam thoáng nghe tiếng dì Mai vọng lại  : " Cố gắng lên con nhé? Dì luôn ở bên con đây...". Cô nhìn theo dì mãi đến khi cửa phòng khép lại...
              Lam mê thiếp trên giừong mổ, bên tai cô nghe  văng vẳng  tiếng mẹ đang gọi, cô thấy mình chạy ào về phía mẹ, vùi đầu vào ngực mẹ và khóc. Mẹ âu yếm, vỗ nhẹ lên người cô xoa dịu cơn đau. Lúc Lam choàng tỉnh dậy,  chỉ thấy  có dì Mai đang ôm choàng vai cô- nước mắt lưng tròng. . Thấy Lam đã dần tỉnh,  dì Mai vội quay đi- lau khô dòng nước mắt . Dì dịu dàng như thì thào: " Con gái  được 4kg, dể ghét lắm!  Nó đang nằm ở phòng bé, mẹ đã cho nó uống sữa rồi, tý nữa dì sẽ ẳm bé lên cho con ...". Cô im lặng- khẻ gật đầu. Dì lại nói -giọng  vui tuơi :" À, con định đặt tên cho bé là gì?" Lam cảm thấy người mỏi rã, hơi thở rất yếu-  cô  gắng nhếch môi : "  Dì đặt giúp tên cho bé..". Dì Mai vui hẳn lên : " Vậy dì đặt tên cháu tên Minh Tâm nhé? Minh Tâm là một cái tên đẹp con à !". Lam gật đầu, rôi nhắm mắt lại.
              Bà chủ tiệm cơm vào thăm Lam với nhiều thức ăn, sữa-và đồ dùng cho em bé.  Lúc về - bà ghé tai Lam nói : " Dì Mai  gởi cháu cho cô, vì dì ấy sợ cháu biết . Dì cũng ở nhà trọ như cháu vậy, hàng ngày vẫn lo cho cháu mọi thứ qua tay cô. Những món quà này, lon sữa , hộp thuốc  bổ này là của dì ấy.. ".
             Dì Mai đón mẹ con Lam về lại ngôi nhà cũ, hằng ngày dì tất tả lo cho con, cho cháu. Lam chỉ có mỗi một việc là cho bé bú và nằm ngủ thôi. Mọi việc từ tắm bé, giặt giủ, pha sữa cho bé bú vào buổi tối -dì đều tự tay làm hết. Nhiều lần, Lam nhận ra dì Mai đã làm những việc ấy với niềm vui lạ lùng. Qua những lời thủ thỉ ân cần chỉ dạy cô mọi thứ mà một người mới sinh cần phải kiêng cữ, phải gắng làm mỗi ngày của dì Mai-đã khiến Lam vừa  cảm thấy hạnh phúc, vừa đau lòng...
              Ba Lam vẫn đi làm xa, vài hôm hay một tuần mới về nhà- ông vẫn tỏ ra bình thản- không giận Lam- không nói gì- về nhà là chỉ ôm  lấy bé Minh Tâm vào lòng nựng nịu thôi.
             Cu Sơn ngày xưa  giờ đã là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học y  thành phố Hồ Chí Minh. Sơn nghe dì gọi điện báo tin là chị đã về nhà- Sơn liền gọi về gặp chị- chúc mừng và hứa  cùng Lam sẽ về thăm bé Minh Tâm sớm , sẽ có quà đặc biệt cho cháu nữa. ..
           Chiều nay dì Mai bị cảm cúm, đầu váng vất nhức, và cơn sốt âm ỉ-dì vội tìm  thuốc uống.  Dì sợ bé Minh Tâm bị lây nhiễm nên dặn Lam là hãy chăm sóc bé thay dì một đêm . Sau  khi  Lam thay tã và cho con  bú no, nó đã say ngủ . Lam trở dậy- bước lần ra  nhà ngoài, cô  chợt nhìn thấy  dì Mai đang nằm ngủ quên ở giường mà chưa kịp buông mùng- nét mặt dì mỏi mệt, đờ đẩn -khắc khổ, và Lam  như nhìn thấy rất rõ  nơi gương mặt nhân hậu ấy của dì là sự ích kỉ, sự tồi tệ bao năm qua của mình. Lam sẻ sàng đến kéo tấm chăn đắp lại cho dì và buông mùng. Cô khẽ nói : " Mẹ ơi! Cho con xin lỗi!"
www.mietvuon.vn

NL

Nếu Ngày Mai Tôi Chết

Nếu tôi chết ai là người rơi lệ Ai là người phủ mảnh vải niệm cho tôi Ai là người đau lịm cả bờ môi Vành tang trắng ai cài lên mái tóc. Nếu tôi chết ai là người bật khóc Ai là người thổn thức mãi vì tôi Ai là người sẽ nguyện ước chia phôi Sẽ nhớ mãi về một người bạc phước Nếu ngày mai.... cuộc đời ai biết được Sẽ có người :" phí nước mắt vì ta.. ?!" Sống làm chi để lúc phải đi xa Người chẳng nhớ, chẳng thương dù một phút Mà lẽ đời, có ai nào đâu biết Sống vì người, người ắt hẳn vì ta Hãy sống sao giữa trời đất bao la Sẽ có kẻ khóc thuơng người quá cố
 ...Nếu ngày mai tôi chết xin hãy đặt trên mộ tôi 1 nhành hoa loa kèn trắng, loài hoa kiều diễm mà tôi yêu bấy lâu. Cánh hoa không mỏng manh mà kiên định và cứng cáp khiến khi chạm vào ta thấy mình bỗng tự tin hơn, mạnh mẽ hơn. 5 cánh hoa toả đều ra 5 hướng tựa như 5 cung mệnh của cuộc đời và 1 trong số chúng thuộc về tôi. Những cánh hoa thon dài, búp dần về phía đài hoa, một vẻ đẹp kín đáo khiến tôi muốn nâng niu mỗi khi chạm vào. Những chiếc lá cũng thật lạ kì! Chúng không khác gì những cánh hoa mà ai đó nhuộm xanh rồi vụng về gắn lên cành hoa, nhìn từ phía cuối của cành hoa ngược lên, sẽ thấy những chiếc lá được xếp khéo léo thành những đường xoáy ôm trọn lấy đoá hoa yêu kiều.
...Nếu ngày mai tôi chết, xin hãy khóc thương tôi, để nơi xa xôi ấy, tôi có thể biết được bạn có nhớ đến tôi dù chỉ trong tích tắc. Khi đó, tôi có thể biết những lỗi lầm tôi gây ra cho bạn đã được bạn bỏ qua.Bạn nhỏ 1 giọt nước mắt vì tôi, điều đó đồng nghĩa với việc tôi vĩnh viễn xa cõi trần thế xô bồ. Tôi sẽ vui. Thật đấy!


...Nếu ngày mai tôi chết, tôi xin bạn đừng ghé thăm mộ tôi vào ngày giỗ! Tôi sẽ rất sợ đấy! Hãy viếng mộ tôi vào mùa thu, khi mà lá cây ngoài nghĩa địa chuyển màu vàng và chuẩn bị rụng lá; cỏ trên mặt đất cũng chuẩn bị cho kì ngủ đông dài. Và tôi cũng chuẩn bị nhắm mắt ngủ thêm 1 giấc ngủ thật sâu nữa.
...Nếu ngày mai tôi chết, nếu bạn rảnh rỗi, có thể ghé thăm mộ tôi vào mùa đông! Khi mà gió mùa đông bắc tràn về, lá cây đã rụng hết, cỏ đã trơ trụi... bạn đến thăm tôi, tôi sẽ gửi những lời thương nhớ mọi người về theo con gió lạnh buốt.
...Nếu ngày mai tôi chết, đây là điều cuối cùng, tôi hy vọng bạn có thể đừng đeo găng tay khi đến mộ thăm tôi, vì tôi muốn có thế chạm vào bàn tay ấm áp của bạn, nắm bàn tay ấy... Bởi bàn tay của 1 con MA thì lạnh ngắt!


      Sự sống và cái chết thật quá mong manh ! Nhiều lúc buồn tôi lại nghĩ biết đâu ngày mai tôi sẽ chết và nếu ngày mai tôi chết.....
      Nếu ngày mai tôi chết...................mọi người thân trong gia đình tôi chắc sẽ vô cùng đau đớn vì dù không nói ra thì tôi cũng biết họ rất yêu quý tôi. Mà chắc rằng người đau đớn tuyệt vọng nhất là bố mẹ tôi -hai người yêu thương tôi nhất.
      Nếu ngày mai tôi chết..................liệu bạn bè tôi có đến đông đủ để tiễn tôi ra đi?Những người bạn thân thiết của tôi có cảm thấy mất mát,buồn đau khi tôi ra đi mãi mãi?Những người bạn ghét tôi vì những hiểu lầm nho nhỏ có bỏ qua cho tôi mà đến tiễn biệt?
     Nếu ngày mai tôi chết....................liệu có một ai đó sẽ khóc vì tôi?Một người mà hiện tại tôi có thể không biết rõ.
     Nếu ngày mai tôi chết...................
     Nếu ngày mai tôi chết...................
     Nếu ngày mai tôi chết...................tôi muốn nói với bố mẹ tôi rằng: Bố mẹ hãy tha thứ cho những lỗi lầm mà con đã mắc phải,những lúc con ngang bướng,những lúc con ốm đau làm bố mẹ phiền lòng suy nghĩ dù con biết là bố mẹ luôn rộng lượng tha thứ cho con mọi chuyện và vì bố mẹ luôn yêu thương con.
     Nếu ngày mai tôi chết....................bạn bè ơi ! hãy tha thứ cho những lúc dù vô tình hay cố ý tôi làm các bạn buồn,hãy bỏ qua cho tôi những hiểu lầm nho nhỏ và hãy coi tôi mãi là một người bạn của các bạn.
     Nếu ngày mai tôi chết.....................
     Nếu ngày mai tôi chết.....................
     Nếu ngày mai tôi chết.....................tôi mong tro của tôi sẽ được rắc xuống biển bởi tôi yêu biển và tôi cũng muốn nhờ biển đem linh hồn tôi đi chu du mọi nơi cho đến khi tôi siêu sinh vào kiếp khác.
     Nếu ngày mai tôi chết......................nếu có kiếp sau và trong kiếp sau ấy tôi vẫn được làm người thì tôi mong ước vẫn là con của bố mẹ tôi dù đôi khi thật tội lỗi trong thực tại những lúc tức giận tôi không muốn điều đó xảy ra.
     Nếu ngày mai tôi chết.......................nếu có kiếp sau và trong kiếp sau tôi vẫn được làm người thì tôi vẫn muốn làm bạn với những người bạn trong kiếp này vì những người bạn của tôi thật tuyệt vời dù đôi lúc họ làm tôi buồn hay giận dữ.
     Nếu ngày mai tôi chết.......................nếu có kiếp sau và trong kiếp sau tôi vẫn được làm người thì tôi mong ước sẽ nhớ mãi những niềm vui của kiếp này còn xóa hết đi những nỗi buồn .
     Nếu ngày mai tôi chết.......................nếu có kiếp sau nhưng trong kiếp sau tôi không thể làm người thì tôi mong mình sẽ được trở thành một con chim bồ câu trắng hoặc một đám mây để có thể tự do bay lượn trên bầu trời.
     Nếu ngày mai tôi chết.......................
     Nếu ngày mai tôi chết.......................
     Nếu ngày mai tôi chết.......................điều đó khiến tôi trân trọng ngày hôm nay.
     Nếu ngày mai tôi chết........................cũng có thể lắm chứ!Bởi vậy ngày hôm nay tôi sẽ sống thật ý nghĩa. Tôi sẽ trân trọng từng giây phút mà mình đang sống dù đôi lúc cuộc sống không như tôi mong muốn nhưng tôi sẽ tìm những lối thoát,những ngã rẽ trong những lúc tưởng rằng cuộc sống đã đến đường cùng ,vì tôi tin rằng có thể cuộc sống đang muốn thử thách lòng can đảm của tôi.
     Nếu ngày mai tôi chết.......................
     Nếu ngày mai tôi chết.......................
     Nếu ngày mai tôi chết.......................đó là chuyện của ngày mai còn ngày hôm nay tôi vẫn đang sống! tôi sẽ sống theo đúng nghĩa của từ sống vì biết đâu không có kiếp sau như người ta nói.
     Ngày mai tôi hoặc bạn có thể chết nhưng hoom nay hãy sống thật ý nghĩa bạn nhé!
 

Về Nhà Đi Em

Về NHÀ đi em
Về NHÀ đi
NHÀ có anh mong ngóng, đợi chờ
Từng chiều vàng ngó hoài qua khung cửa

Về đi em ơi
Về với anh
Vui vầy bên nhau từng phút giây
Chỗ em trống anh nguyện sẽ vun đầy
Nơi em bơ vơ anh xây thành cột vững
Cho em dựa lưng khi mỏi
Để em tựa bờ vai mỗi lúc vui buồn

Về nha em
Đưa tay anh dắt
Bên anh em luôn được chở che
Cạnh anh em luôn mát những trưa hè
Với anh em thích ngắm những hạt mưa
Không bao giờ buồn nữa...

Nào, về với anh
Về NHÀ của mình
www.mietvuon.vn

Về với em đi anh


"Ngày tháng trôi, theo mùa lá rơi, anh như cái bóng vô hình nơi tim em". Chỉ là "cái bóng vô hình" thôi, thế mà em chẳng cách nào xoá đi được, em thật là kém cỏi và hèn nhát anh nhỉ. Tại sao có những chuyện đã biết là sẽ chẳng đi về đâu, chẳng bao giờ có một cái kết tốt đẹp, vậy mà vẫn cứ bắt đầu, vẫn cứ làm cho em đau khổ, sau khi hạnh phúc nhường ấy.
Anh ạ, khi em để anh đi rồi, em mới nhận ra em yêu anh đến thế nào, em nhớ anh cuồng điên đến thế nào. Chỉ một cú điện thoại gọi nhỡ vào máy em, em gọi lại cho người ta, một bản nhạc chờ giống như bản nhạc anh dành riêng cho em, một giọng nói giống như giọng nói yêu thương của anh với em, nhầm máy thôi mà, em không quen người ta, thế mà em cũng khóc.
Hoá ra tình yêu kỳ lạ nhỉ, em xoá số điện thoại của anh rồi, xoá tất cả những gì liên quan đến anh rồi, nhưng hình ảnh anh trong trái tim em, tình yêu nồng ấm anh dành cho em thì em chẳng thể nào xoá nổi. Em nhận ra mình ngày càng yêu anh nhiều hơn, nhưng anh xa rồi, còn đâu.
"Anh có biết em vẫn chờ anh, để trao anh nụ hôn khát khao, để tan đi trong gió mưa, trong giọt nước mắt ngày nào, khi anh nói yêu em". Em chờ anh, về với em anh nhé. Em yêu anh.
Hà Linh
Việt Báo (Theo_NgoiSao)

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

Con Trai Họ Chỉ Có Một Chân

Chuyện kể: Một anh lính Mỹ trở về nước sau khi đi tham chiến nước ngoài về. Anh điện thoại cho cha mẹ là anh sẽ dẫn về một người bạn, người ấy không có thân nhân, muốn về ở luôn tại nhà, anh ta bị thương rất nặng “chỉ còn có một chân và một tay.”

Cha mẹ anh cùng nói : Tội nghiệp quá! Con cứ đưa cậu ấy về đây, ba má sẽ liên hệ với các tổ chức từ thiện để tìm cho cậu ấy một chỗ ở.” – “Không, con muốn anh ta sống chung với gia đình mình.” Tiếng người cha liền vang lên ở đâu giây bên kia: “Con ơi! Con không biết gì sao? Một người tàng tật như vậy sẽ là một gánh nặng cho gia đình chúng ta. Ai cũng có việc khó khăn cả, và không thể để gia đình bị ảnh hưởng bởi những việc như vâỵ.”

Cuộc điện đàm liền kế thúc, ba mẹ không thấy anh ta về nhà, và cũng không nhận được tin tức gì nữa. Vài ngày sau họ nhận nhận một cú điện thoại của cảnh sát gọi về, báo tin con trai họ đã rơi từ trên lầu của một bệnh viện và đã chết. Cảnh sát cho biết là một vụ tự tử. Trong lúc đau buồn khôn tả, cha mẹ anh vội đến để nhận xác anh.

Đúng là thi thể của anh; và họ đã bàng hoàng khám phá nhận ra rằng: “Con trai họ chỉ còn có một chân và một tay.!”

Một phút hồi tâm: Cái chết đáng thương của anh lính trẻ thật đáng trách, vì thiếu nói thành thật với cha mẹ. Anh cần hiểu rằng đó chỉ là thái độ của cha mẹ anh đối với một người tàn tật xa lạ.

Nhưng dẫu sao, người lính này vẫn có quyền thăm dò thái độ của cha mẹ mình đối với một người tàn tật. Một điều đáng tiếc là anh lính đã không cho cha mẹ biết sự tàn tật của mình, nếu biết, thì chắc cha mẹ anh đã đối xử tình cha con môt cách vô cùng yêu mến, rồi đưa xe đến nhà thương đón anh về nhà để săn sóc con mình ngay. Thật xót thương khi người con và cha mẹ không thành thực chia sẻ những thực tại của nhau, nên họ đã mất đứa con yêu dấu đang bị dằn vặt vì mặc cảm tật nguyền của mình.

Anh lính này dù có bị ruồng bỏ hoặc đối xửa thậm tệ, hãy nhớ rằng Thiên Chúa vẫn yêu bạn hơn bao giờ hết: “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con.” (Thánh vịnh 27, 10)

Phó tế: GB. Maria Nguyễn Định 20-6-2010
www.mietvuon.vn

10 Lời Khuyên Giúp Con Lên Người

Những vụ bạo động xảy ra trong các trường học gần đây, ở Hoa Kỳ cũng như Gia Nã Đại, khiến nhiều phụ huynh ưu tư không biết phải làm gì để bảo vệ con em mình. "Nhận thức rằng chúng ta đã có nhiều sai lầm, và bây giờ phải tái phối trí lại," đó là lời nhận xét của bà Brook Noel, tác giả cuốn "Back to Basics: 101 Ideas for Strengthening our Children and our Families"
Sau đây, là tổng hợp các lời khuyên của bà Noel và một số các nhà chuyên môn, về cách giáo dục con cái để trở nên người lành mạnh về tình cảm.
1. Con Em Cần Được Chú ý
-  Dành thời giờ cho con cái. Không có gì phát triển sự liên hệ bằng sự gần gũi.
-  Luôn luôn bày tỏ tình cảm đối với con cái.
-  Tỏ lòng thương yêu con cái qua việc đặt định các quy luật và tập thói quen sống an toàn, tỉ như đội nón an toàn khi đi xe đạp và thắt giây an toàn trong xe hơi.

- Thực sự lắng nghe con cái. Khuyến khích chúng nói lên ý nghĩ và tâm tình. Bà Noel còn khuyên cha mẹ phải khuyến khích con cái nói lên cảm xúc của chúng.
Bà nói, "Cha mẹ nên cho phép con cái biểu lộ cảm xúc, và đó là cách chúng ta nghe, sửa sai và đánh giá con cái."
-  Cho thấy chúng ta lưu tâm đến sinh hoạt của chúng. Tỉ như, dành một khu trong nhà để chúng treo các tranh ảnh, hình vẽ mà chúng thích.

2. Hãy Tham Dự Vào Sinh Hoạt Đời Sống Con Cái
Tiến sĩ Michael Popkin, tác giả chương trình giáo dục "Active Parenting Education Video Programs" nói rằng: "Cha mẹ phải biết rõ con em mình. Hãy biết chúng đang làm gì và bạn chúng là ai. Hãy tham dự vào sinh hoạt nhà trường của chúng. Nên dành thời giờ để cùng học hỏi và chơi đùa với chúng." Nếu không thể tham dự trong các trò chơi thể thao của con em, ít nhất cha mẹ phải là khán giả trung thành.
3. Cả Gia Đình Làm Việc Tình Nguyện
Cùng nhau giúp đỡ tha nhân là cơ hội độc đáo để phát triển con người, tạo thói quen sống vị tha và giúp phát triển tình gia đình. Trong giáo xứ, cộng đoàn có nhiều cơ hội để cả gia đình tham gia. Đừng bỏ lỡ cơ hội độc đáo này.
4. Hòa Thuận Với Láng Giềng
Sự hỗ trợ của xóm giềng là điều quan trọng cho gia đình, nhưng ngày càng khó khăn để có được điều này. Tiến sĩ Popkin giải thích, "Dân chúng ngày nay không an cư lạc nghiệp lâu như trước. Một gia đình ngày nay trung bình dời nhà đến bốn lần. Mỗi lần di chuyển, bạn mất đi sự liên hệ với cộng đồng."
5. Hướng Dẫn Con Cái
Con em cần sự hướng dẫn và chúng cần nếm mùi thất bại để học hỏi. Những em quá thả lỏng, khi lớn lên chúng coi thường luật pháp và coi thường người khác. Những em được chăm sóc quá cẩn thận, khi lớn lên chúng không biết cách đối phó với đời. Với các em lớn tuổi, cha mẹ nên cùng với các em đặt ra các quy tắc, tỉ như giờ đi ngủ, giờ về nhà ban đêm. Hãy giúp các em suy nghĩ về hành động và hậu quả thích hợp với lứa tuổi của các em. Khi một hành động cần bị trừng phạt, hình phạt ấy phải xứng với hành động. Thí dụ, một hình phạt xứng hợp với các em phá vườn tược của người hàng xóm là phải trồng lại cây cối cho người ta.
6. Làm Gương Tốt
Bà Lucia Hodgson là giám đốc trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên của trường trung học Crossroads ở California và cũng là tác giả cuốn "Raised in Captivity: Why Does America Fails its Children?" (St. Paul, Minn.; Graywolf Press, 1997). Bà nhắc nhở cho các cha mẹ biết rằng, con cái họ đang theo dõi họ. Bà nói: "Bất cứ một hành động nào của người lớn trước mặt con cái đều dạy chúng về một cách đối xử."
Bà Noel nói tiếp, "Nếu chúng ta muốn con cái nên người tốt lành, chúng ta phải dạy chúng những giá trị" dù có phải thiệt thòi. Tỉ như, nhiều cha mẹ gian dối mua vé xinê hạng trẻ em cho con cái dù chúng đã lớn tuổi, điều đó "không có ý nghĩa gì, khi dạy chúng phải thành thật."
7. Giúp Con Em Phát Triển Giá Trị
Theo Tiến sĩ Popkin, "Cha mẹ thường để ý đến lỗi lầm của con cái. Chắc chắn là cha mẹ phải để ý đến khuyết điểm của con cái để dạy bảo, nhưng nếu con cái chỉ nghe được những điều sai trái thì lớn lên chúng không biết mình có gì đúng để phát triển. Chúng tôi khuyến khích bậc cha mẹ để ý đến những điều tích cực. Nhận xét xem con cái có gì tốt và nên có nhận định về điều ấy."
8. Củng Cố Hôn Nhân
Một gia đình vững bền thật quan trọng để giúp các em có hạnh phúc. Hãy hãnh diện về hôn nhân và người phối ngẫu của mình. Hãy luôn luôn củng cố hôn nhân, nhưng trong phương cách nhẹ nhàng, vui tươi.
9. Tạo Truyền Thống Gia Đình
Truyền thống gia đình thường bao gồm việc cầu nguyện chung, nhưng không phải chỉ có thế. Bất cứ sinh hoạt nào cũng có thể biến thành truyền thống, nếu cố gắng thi hành thường xuyên. Tỉ như, ăn chung vào tối thứ Sáu hàng tuần, hay đi thăm ông bà mỗi tuần hay mỗi tháng một lần. Hãy nhìn đến mục đích của những cuộc thăm viếng hay ăn uống chung là tạo cơ hội đối thoại và biết về nhau nhiều hơn.
10. Tập Cho Con Cái Sự Lạc Quan
Hãy lạc quan nhìn đến đời sống và giúp con cái cũng có cái nhìn ấy. Hãy phản ứng tích cực khi con cái có điều gì thích chí. Khuyến khích chúng nói về những điều chúng mong muốn trong đời.
Hạnh phúc là cảm giác sung sướng có liên hệ chặt chẽ với sự tự trọng, đồng thời hạnh phúc phát sinh từ sự nhận biết và thi hành lẽ phải.
Đâu là yếu tố then chốt trong việc nuôi con thành người lành mạnh? Hãy nhận thức rằng con cái là điều cha mẹ phải để ý trước hết và trên hết, đồng thời chúng cũng phải thấy như vậy. Bà Noel cho biết, "Chúng ta thấy nhiều cha mẹ nói rằng, 'Tôi phải bỏ bớt cái này cái kia để có thời giờ cho con cái'. Và họ cố gắng về nhà càng sớm càng tốt để có nhiều thời giờ với con cái thay vì làm thêm giờ. Bây giờ phụ huynh ngày càng ý thức hơn về sự giáo dục con cái và tìm cách gần gũi với chúng."
www.mietvuon.vn

Cậu Bé Dưới Bóng Cây


Trong mùa hè giữa năm thứ nhất và năm thứ hai đại học, tôi được mời vào làm phụ trách một trại hè cho học sinh trung học thuộc một trường đại học ở Michigan.  Tôi đã từng tham gia rất nhiều hoạt động của trại nên tôi nhận lời ngay lập tức.
Một giờ sau khi tôi bắt đầu ngày đầu tiên ở trại hè, giữa một đám ồn ào hỗn loạn các anh phụ trách và học sinh, tôi nhận ra một cậu bé ở dưới bóng cây.  Cậu rất nhỏ bé và gầy guộc.  Rõ ràng việc cậu đang mất tự nhiên và xấu hổ rụt rè càng làm cho cậu trở nên yếu đuối, mỏng manh.  Chỉ 50 bước gần đó, 200 trại viên đang hăm hở rượt đuổi, chơi đùa, và gặp gỡ lẫn nhau như đã thân nhau từ lâu lắm chứ không phải chỉ mới quen.  Nhưng cậu bé dưới bóng cây dường như đang ở một thế giới khác.  Vẻ cô đơn đến tột độ của cậu đã làm tôi khựng lại, nhưng nhớ lại lời những anh chị phụ trách lớn tuổi hơn rằng phải chú ý đến các trại viên có vẻ tách biệt ra, thế là tôi bước đến.
Đến gần cậu bé, tôi nói "Chào em, anh tên là Kevin.  Anh là một trong các phụ trách ở đây.  Anh rất vui được gặp em.  Em khỏe không vậy?"  Với một giọng nói run run bẽn lẽn, cậu bé cố sức trả lời, "Dạ em bình thường."  Tôi nhẹ nhàng hỏi cậu rằng cậu muốn tham gia những sinh hoạt và gặp các bạn bè mới không.  Cậu trả lời nhỏ "Dạ không, em không thích lắm."
Tôi có thể cảm nhận được rằng cậu đang ở trong một thế giới hoàn toàn riêng tư.  Trại hè quá mới, quá xa lạ đối với cậu.  Nhưng bằng cách nào đó, tôi cũng biết rằng cũng không nên ép cậu bé.  Cậu không cần một lời cổ vũ, cậu cần một người bạn.  Sau một lúc lâu im lặng, câu chuyện của chúng tôi chấm dứt.
Sau bữa trưa ngày thứ hai, tôi hét bể cuống họng để điều khiển cả trại hát.  Tất cả trại đều tham gia hăm hở.  Ánh mắt tình cờ xuyên qua đám đông ồn ào lộn xộn và thấy hình ảnh cậu bé đó đang ngồi một mình, nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi suýt nữa đã quên mất lời bài hát đang phải hướng dẫn.  Khi lại có cơ hội gặp cậu bé, tôi cố thử một lần nữa, với những câu nói hệt như trước "Em có khỏe không?  Em có sao không?"  Và cậu bé lại trả lời "Dạ vâng, em khỏe.  Em chỉ chưa quen thôi."  Khi tôi rời nơi cậu bé ngồi, tôi hiểu rằng để cậu bé hòa đồng phải tốn nhiều thời gian và công sức hơn tôi tưởng – dù tôi không biết rằng tôi và cậu bé có thể cởi mở được với nhau hay không nữa.
Vào buổi tối hôm đó khi họp với những người phụ trách của trại, tôi kể ra những điều lo lắng của mình về cậu bé.  Tôi giải thích cho các bạn phụ trách ấn tượng của tôi về cậu bé, yêu cầu họ chú ý và dành thêm thời gian cho cậu nếu có dịp.
Những ngày ở trại trôi qua nhanh hơn tôi tưởng.  Thật là tiếc, nhưng rồi đêm cuối cùng ở trại cũng đến và tôi đang theo dõi "bữa tiệc chia tay."  Các học sinh đang tận hưởng những giây phút cuối cùng của mình với các "bạn tốt nhất" của họ - những người bạn mà có thể họ sẽ chẳng bao giờ gặp lại.
Ngắm nhìn các trại viên cùng nhau chia sẻ những giây phút cuối bên nhau, tôi bất ngờ thấy được một hình ảnh mà sẽ lưu mãi trong cuộc đời tôi.  Cậu bé mà từng ngồi một mình dưới gốc cây đó đang làm một điều kỳ diệu.  Cậu đang chia xẻ cùng hai cô bé khác những món quà lưu niệm.  Tôi nhìn cậu đang có nhưng giây phút thân mật đầy ý nghĩa với những người mà cậu chưa bao giờ gặp chỉ mấy ngày trước đó.  Tôi không thể tin nổi đó chính là cậu bé dưới bóng cây.
Vào một đêm tháng 10 năm đó, tiếng chuông điện thoại kéo tôi ra khỏi cuốn sách hóa học.  Giọng một người lạ, rất nhẹ nhàng và lịch sự hỏi tôi "Dạ có phải là anh Kevin không ạ?"
"Dạ chính là tôi, xin lỗi ai đầu giây đó ạ?"  "Tôi là mẹ của Tom Johnson.  Cậu có nhớ Tommy từ trại hè không?"  Cậu bé dưới bóng cây!  Làm sao tôi có thể quên được?  "Dạ cháu nhớ rồi," tôi nói. "Cậu bé rất dễ thương.  Bây giờ cậu bé ra sao?"
Lặng đi một hồi lâu, sau đó bà Johnson nói,” Tuần này trên đường từ trường về, Tommy của tôi đã bị một chiếc xe đâm phải… Tommy đã không còn nữa rồi.”
Bàng hoàng, tôi chia buồn cùng bà mẹ.
"Tôi muốn gọi cho cậu," bà ta nói, "bởi vì Tommy nhắc đến cậu nhiều lần.  Tôi muốn cậu biết rằng nó đã trở lại trường mùa thu rồi như một con người mới.  Nó đã có nhiều bạn mới.  Kết quả học tập lên cao.  Và nó còn hò hẹn với bạn gái vài lần nữa.  Tôi chỉ muốn cám ơn cậu đã làm cho Tom thay đổi như vậy.  Những tháng cuối cùng là khoảng thời gian đẹp nhất của cuộc đời nó."
Vào lúc đó tôi đã nghiệm ra: hãy dành sự quan tâm, đồng cảm, sẻ chia với mọi người quanh bạn.  Bạn sẽ không thể ngờ được mỗi cử chỉ ần cần, chân thành của bạn có thể sẽ có ý nghĩa với người khác đến như thế nào đâu.  Tôi kể lại chuyện này mỗi lần có dịp, và khi tôi kể xong, tôi thôi thúc người khác nhìn ra bên ngoài và tìm cho mình một "cậu bé dưới bóng cây."

Điều Đó Rồi Cũng Qua Đi

(Vua Salomon trong Kinh Thánh được vang danh vì sự khôn ngoan, giầu có và các trước tác của mình. Ông lên làm vua vào khoảng 967 trước Công Nguyên. Quốc gia Do thái của ông, lúc đó, trải dài từ ven sông Euhrates trên miền Bắc, vùng Lưỡng Hà, xuống đến tận vùng cực Bắc của Ai Cập, phía Nam.)

Một ngày nọ, Vua Salomon bỗng muốn làm bẽ mặt Benaiah, một cận thần thân tín của mình...
Vua bèn nói với ông: "Benaiah này, ta muốn ông mang về cho ta một chiếc vòng để đeo trong ngày lễ Sukkot và ta cho ông sáu tháng để tìm thấy chiếc vòng đó. "

Benaiah trả lời: "Nếu có một thứ gì đó tồn tại trên đời này, thưa đức vua, tôi sẽ tìm thấy nó và mang về cho ngài, nhưng chắc là chiếc vòng ấy chắc phải có gì đặc biệt? "

Nhà Vua đáp: "Nó có những sức mạnh diệu kỳ. Nếu kẻ nào đang vui nhìn vào nó, sẽ thấy buồn, và nếu ai đang buồn, nhìn vào nó sẽ thấy vui". Vua Salomon biết rằng sẽ không đời nào có một chiếc vòng như thế tồn tại trên thế gian này, nhưng ông muốn cho người cận thần của mình nếm một chút bẽ bàng.



Mùa xuân trôi qua, mùa hạ đến nhưng Benaiah vẫn chưa có một ý tưởng nào để tìm ra một chiếc vòng như thế.

Vào đêm trước ngày lễ Sukkot, ông quyết định lang thang đến một trong những nơi nghèo nhất của Jerusalem. Ông đi ngang qua một người bán hàng rong đang bày những món hàng trên một tấm bạt tồi tàn. Benaiah dừng chân lại hỏi "Có bao giờ ông nghe nói về một chiếc vòng kỳ diệu làm cho người hạnh phúc đeo nó quên đi niềm vui sướng và người đau khổ đeo nó quên đi nỗi buồn không? ". Người bán hàng lấy từ tấm bạt lên một chiếc vòng giản dị có khắc một dòng chữ. Khi Benaiah đọc dòng chữ trên chiếc vòng đó, khuôn mặt ông rạng rỡ một nụ cười.

Đêm đó toàn thành phố hân hoan, tưng bừng đón mừng lễ hội Sukkot.

"Nào, ông bạn của ta, " Vua Salomon nói, "Ông đã tìm thấy điều ta yêu cầu chưa? ". Tất cả những cận thần đều cười lớn và cả chính vua Salomon cũng cười.

Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Benaiah đưa chiếc vòng ra và nói: "Nó đây thưa đức vua". Khi vua Salomon đọc dòng chữ, nụ cười biến mất trên khuôn mặt vua. Trên chiếc vòng đó khắc dòng chữ: "Điều đó rồi cũng qua đi"

Vào chính giây phút ấy, vua Salomon nhận ra rằng tất thảy những sự khôn ngoan, vương giả và quyền uy của ông đều là phù du, bởi vì một ngày nào đó, ông cũng chỉ là cát bụi..........

www.mietvuon.vn

Hãy Nói Yêu Khi Mẹ Còn Sống

Hãy yêu đi khi mẹ còn đây 
Còn biết được những giòng tình cảm 
Ngọt ngào, êm dịu lẫn nồng say 
Nếu có bao giờ con yêu mẹ 

Hãy yêu đi khi mẹ còn biết 
Ðừng chờ đến lúc mẹ ra đi 
Ghi lời yêu qúy lên bia đá 
Mỹ từ trên phiến đá vô tri 

Hãy nói lên điều con muốn nói 
Ðừng chờ đến lúc mẹ ngủ say 
Một giấc ngủ không bao giờ dậy 
Ngàn năm ngăn cách chẳng ngày mai 

Ðó là chia ly, là tử biệt 
Chẳng bao giờ nghe được tiếng con 
Nếu yêu mẹ, dù là một chút 
Hãy nói đi, khi mẹ sống còn 

Nói đi con, lời nào yêu dấu 
Cả tấm lòng hiếu thảo của con 
Ðể mẹ nâng niu như bảo vật 
Cho tình mẫu tử thắm như son.


********************************* 

Mẹ ơi, xin tha thứ cho những lúc con vô tình bỏ quên mẹ ở trong xó nhà cô đơn hay nơi viện dưỡng lão lạnh lẽo xa lạ! Xin bỏ qua những lúc đứa con khờ dại nặng lời với mẹ, những hành động xuẩn ngốc làm mẹ buồn.

Lạy Chúa, kính dâng lên Ngài cha mẹ của chúng con, xin cho chúng con biết sống hiếu thảo trọn tình làm con khi cha mẹ còn sống, biết siêng năng cầu nguyện cho cha mẹ khi họ đã qua đời. Lạy Mẹ Maria, Xin cho chúng con biết làm vui lòng người mẹ trần thế, người đã thay mặt Mẹ cưu mang và dạy dỗ chúng con ngay khi mẹ còn ở với chúng con. Xin soi sáng đừng bao giờ để chúng con phải hối hận ăn năn vì những bận rộn cuộc sống, mà quên đi sự hiện diện của bà mẹ trên cuộc đời này khi mọi sự không quá muộn màng.

www.mietvuon.vn

Tí Khùng

Đó là tên của hắn. Mọi người trong làng, từ người già cả cho đến bọn nhóc tì, ai cũng gọi hắn như thế.     Mẹ hắn, một phụ nữ nửa ngây nửa dại không biết từ đâu trôi dạt về đây. Lúc mới đến cô ả đi từng nhà xin ăn, tối tối chui vào các hàng quán bỏ không mà ngủ, có hôm cô ả còn nằm ngủ ngay dưới bệ thờ trong ngôi miếu đầu làng. Dân quê vốn rộng lòng, ai cũng sẵn sàng nhường bớt cho ả chút ít thức ăn mình có. Có lẽ vì vậy nên ả không đi đâu nữa mà quyết cư ngụ tại đây. Cô ả tuy dở người nhưng khỏe mạnh và khá chăm làm, bất kỳ gặp ai mang xách nặng hoặc bận rộn chuyện gì ả đều xấn tới “làm giúp cho” nên rất được lòng chòm xóm.
    Một thời gian dài, thấy ả cứ loanh quanh ăn xin mãi trong làng, người ta bèn họp nhau lại bàn tính cho cuộc sống của ả. Gần một buổi bàn bạc với nhau, cuối cùng họ quyết định:
    -Trời đất khiến xui nó về ở làng mình, thôi thì mình chung tay mà lo cho nó vậy!
    Thế là hôm sau họ dựng cho ả một túp lều con con trên mảnh đất công bên cạnh ao làng. Rồi thì người mang tới cho chiếc nồi cũ sứt quai, người giúp vài ba cái chén, đôi đũa… Cả làng nhộn nhịp, vui như có hội. Họ đùa với nhau “hôm nay cho gái ra ở riêng”. Mọi người trêu chọc ả, ả cứ nghệch mặt ra cười. Ả đã có một ngôi nhà để che sương che gió. Tối đó người ta nghe tiếng ả hát, chẳng biết hát bài gì nhưng chắc hẳn lòng ả đang vui, và dân làng cũng vui lắm.
    Từ đó, ả thôi không đi xin ăn nữa. Ngày mùa, ả giúp người ta phơi phong, thu dọn hoặc gánh rơm, gánh lúa, làm cỏ… Nói chung, những công việc đơn giản và không nặng quá nặng nề thì ả làm được hết. Lúc rảnh việc, ả tới quét dọn nhà máy xay lúa để nhặt nhạnh gạo thóc rơi vãi, người ta thương tình thường vốc hàng vốc gạo cho vào cái túi cũ kỹ lúc nào ả cũng đeo kè kè bên hông. Ả không biết đếm tiền và cũng không biết tiêu tiền, nên người ta trả công cho ả bằng gạo, cá, mắm muối, áo quần, chỉ thỉnh thoảng mới có người đưa cho vài đồng lẻ để ả ăn quà bánh. “An cư lạc nghiệp”, cuộc sống của ả từ ngày có nhà riêng dần dần khá lên, trong nhà lúc nào cũng có sẵn vài ba lít gạo. Ả bắt đầu đỏ da thắm thịt, áo quần tươm tất hơn lên.
    Ai cũng tưởng cuộc đời ả cứ bình lặng trôi đi như thế, nhưng rồi một hôm ả ngã bệnh. Buổi sáng không thấy ả, bọn trẻ đến nhà tìm rủ ả đi bắt cua đồng thì thấy ả ngồi ủ rũ, nôn ọe từng cơn. Người ta đè ả ra cạo gió và ngày nào bà cụ hàng xóm cũng nấu nước lá sả, lá dầu gió cho ả xông, nhưng cái chứng nôn ọe của ả mãi vẫn không hết, mới mấy ngày mà ả đã xanh như tàu lá. Cuối cùng người ta khám phá ra rằng ả đã mang thai.
    Cái tin động trời đó vỡ ra làm hết thảy đàn ông, trai tráng trong làng mất ăn mất ngủ, nhớn nhác lo âu. Đám phụ nữ thì tức giận, họ quyết tìm cho ra kẻ khóân nạn nào làm chuyệt bất nhân ấy. Họ nhỏ to khuyên bảo, răn đe rồi dẫn ả đi từng nhà để nhận mặt chỉ tên kẻ đã ăn nằm với ả. Ả riu ríu đi theo, nhưng tới đâu ả cũng lắc đầu nguầy nguậy, sau những cái lắc đầu đó là những tiếng thở phào nhẹ nhõm của các đấng mày râu. Ả bước ra khỏi cửa nhà ai, y như rằng sau lưng ả mấy ông sồn sồn, trai tráng đều chắp tay xá dài, nửa đùa nửa thật “bà mà chỉ quàng xiên là tôi khó sống”!
    Gần một tuần lùng sục vẫn không tìm ra thủ phạm, các bà thôi không bắt ả đi nữa. Vả lại họ mừng vì chồng con mình không dính dáng nên cơn giận cũng nhanh chóng qua đi. Mọi người lại đùa rằng tại ả “đón nhiều gió nam quá nên phưỡn bụng ra như thế!”
    Tám tháng sau Tí khùng ra đời. Người ta vẫn chưa biết cha hắn là ai, ẩn núp ở đâu sau những gương mặt chân chất quanh đây? Hắn là một thằng bé bụ bẫm, hay ăn chóng lớn và có gương mặt sáng láng nên dân làng bảo nhau “Thằng Cu Tí này lớn lên sẽ nuôi mẹ nó đây! Trời thương mẹ nó nên cho nó xuống đầu thai để phụng dưỡng…”.
    Nhưng khi hắn được 5, 6 tuổi người ta bắt đầu nhận thấy ở hắn có những nụ cười ngờ nghệch, ánh mắt hắn nhìn dài dại và những cử chỉ, lời nói không giống trẻ con bình thường khác. Cả làng thở dài thất vọng.
    Năm hắn lên 10 tuổi, một đêm mùa hè oi bức, mẹ hắn trải chiếu ra sân nằm ngủ, và đã ngủ luôn không bao giờ còn thức dậy được nữa.
    Đám tang mẹ hắn tuy sơ sài nhưng cũng có đông bà con lối xóm. Cũng có người khóc ả vì tuy không bình thường nhưng ả sống không mất lòng ai. Hắn cũng khóc, khóc to lắm, nhất là lúc hạ huyệt hắn cứ nháo nhào đòi lao xuống theo cỗ quan tài. Người ta bắt giữ hắn lại , hắn cố giãy dụa, cố dằn ra, rồi hắn quỵ xuống khóc nấc từng cơn, dòng nước mắt tràn ra khỏi đôi mắt dại khờ của hắn.
    Sau đám tang mẹ, hắn lại sống tiếp cuộc đời của mẹ hắn trước kia. Nhưng hắn không đi quét dọn nhà máy xay lúa nữa mà làm những công việc khác nặng hơn. Hắn giúp người ta chăn trâu, cắt cỏ, gánh lúa, gánh phân. Vì thuê hắn không phải trả ngay bằng tiền mặt nên người ta thích gọi hắn đến làm, chẳng khi nào hắn thất nghiệp. Hắn là kẻ chăm làm, nhà ai sắp có tiệc tùng hoặc ma chay, cưới hỏi hắn luôn là người đến giúp việc đầu tiên và ra về sau cùng. Gánh nước, bửa củi, khuân bàn ghế… việc nào cũng có hắn, và hắn làm bằng hai, bằng ba kẻ khác. Khi mọi việc xong xuôi, khách khứa đã ngồi vào bàn và mâm cỗ được dọn lên hắn vẫn chưa hết việc. Hắn tự coi nhiệm vụ châm nước, pha trà, dọn bàn… là của mình. Nếu đói, hắn mò xuống bếp xin một tô gì đó rồi ăn vội ăn vàng để không lỡ việc.
    - Tí khùng ơi, nước sôi chưa?
    - Tí khùng ơi, lấy giùm chai rượu!
    - Tí khùng, dọn mâm này đi!
    - Tí khùng, thêm chén đũa…
    Mãi đến lúc tiệc tàn người ta mới mời hắn ngồi vào mâm cơm gia đình, hắn tỏ ra vui vẻ, bằng lòng lắm. Hắn đã quen như vậy, người ta cũng quen như vậy!
    Hắn làm quần quật, chơi đùa quần quật. Người lớn thích hắn, trẻ con cũng thích hắn. Hắn sẵn sàng giả làm bò, làm ngựa cho chúng cưỡi trên lưng, hoặc trèo chót vót lên cây hái những chùm trái keo cong queo, chín nứt nở phơi lớp cơm trắng nõn đem cho lũ trẻ.
    Mười sáu tuổi, hắn đã có cái sức vóc của một thanh niên cường tráng, hắn lại thừa hưởng của mẹ cái nết siêng năng, hiền lành nên nhanh chóng hắn trở thành cánh tay đắt lực trong làng. Giống như mẹ, hắn không biết xài tiền, có đồng nào là hắc chạy vội đến quán bà Ba Ú mua hết bánh kẹo chia cho đám trẻ con trong xóm. Nhờ hắn có sức lực lại chịu khó nên người ta trả công cho hắn hậu hĩ lắm. Bây giờ hắn “giàu” hơn mẹ hắn trước kia nhiều! Căn chòi sau nhiều lần sửa chữa đã được dựng thành một túp lều nhỏ khang trang. Dân làng còn bàn tính tìm một đứa con gái nào đó mồ côi hoặc cũng thuộc loại dở hơi đem về làm vợ hắn, nhưng mãi mà họ chưa tìm được.
    Thường thì nhà hắn hay có sẵn một ít đường, trứng hoặc trái cây… đó là những thứ người ta trả công cho hắn. Từ ngày cuộc sống của hắn sung túc lên, hắn ít chơi đùa với lũ trẻ, ít lân la đi xem tivi buổi tối, hắn có những cuộc vui riêng tại nhà hắn ở cuối làng. Bọn trai tráng bất hảo trong xóm và các xóm lân cận trở thành bạn bè của hắn từ lúc nào không ai biết rõ. Ban đầu, buổi trưa hoặc tối bọn chúng tụ tập ở nhà hắn để uống trà, đấu láo với nhau và trêu chọc, cười đùa cùng hắn. Hắn ngây ngô và tốt bụng, hắn sẵn sàng đem hết thức ăn có trong nhà ra thết đãi đám bạn lôm côm đó. Bọn chúng toàn những kẻ lười chảy thây, chỉ thích chơi bời lêu lỏng chứ chẳng màng mó tay vào công việc.
    Thỉnh thoảng có tiền là đem nướng hết vô sòng bạc hoặc nhậu một chầu đi tong, sạch túi! Trong làng, lâu lâu lại xảy ra một vài vụ trộm vặt: mất buồng dừa, con gà, ổ trứng… Chưa ai bắt được tận tay, nhưng ai cũng biết chắc rằng chính đám thanh niên lêu lỏng ấy là thủ phạm.
    Bọn chúng được hắn tiếp đãi nồng hậu quá nên – như chúng nói – chúng thương cho cái số kiếp điên khùng của hắn, chúng là những người bạn tốt, muốn kết nghĩa đệ huynh với hắn để chia xẻ những buồn vui trong đời hắn, để bênh vực hắn nếu có kẻ nào thấy hắn ngây ngô dám ăn hiếp hắn, bắt chẹt tiền công của hắn. Bọn chúng thi nhau nói, hắn nghe những tiếng “đệ đệ, huynh huynh” đó ngồ ngộ, những cánh tay “thân ái” choàng qua vai hắn làm hắn thấy ấm áp hơn, yên tâm hơn. Hắn không thể hiểu hết bọn chúng nói gì nhưng hắn vui lắm nên cứ ngoác miệng ra cười , cười mãi, và ngoác miệng ra uống ừng ực cái chất nước đắng đắng, cay cay mà lũ bạn tốt ấy đổ vào miệng hắn. Đêm ấy hắn và đám bạn say mèm, ngủ lăn lóc khắp nhà, nằm cả trên những vũng ói.
    Sáng ra hắn thấy đầu nhức như búa bổ, lại nặng trình trịch, cố gắng lắm hắn mới ngồi dậy nổi. Hắn lê ra lu nước ngoài hè, khom đầu xuống uống ừng ực, mặt mũi tóc tai ướt nhẹp. Đã cơn khát, hắn xăm xăm đi ra ao nhảy ùm xuống tắm táp. Lúc trở lên bờ hắn cảm thấy người nhẹ nhõm hơn. Sau khi khép cửa lại, hắn lầm lũi ra đồng, bỏ mặc đám bạn đang say ngủ trong nhà.
    Những đêm vui như thế cứ nối tiếp nhau, ngày sau kéo dài hơn ngày trước. Hắn đã biết thích thú khi uống rượu, hắn cũng đã biết phì phèo hút thuốc. Dân làng có người khuyên hắn, hắn chỉ cười. Nhà hắn bây giờ trở thành nơi tạm trú của bọn “đệ huynh”, hắn đi về mỗi ngày không còn đơn độc nữa. Hắn không đủ trí khôn để suy nghĩ mỗi lúc nhìn vào hũ gạo rỗng không và cái chạn đựng thức ăn thì trống hươ trống hoác. Lũ huynh đệ của hắn những lúc ngà ngà say cứ rút bừa vách nhà đun vào bếp lửa, nổi hứng thì ca hát và đập xoong nồi loảng xoảng nên cái nào cũng móp méo thảm thương, và khi “máu anh hùng” nổi dậy chúng đập cả chén bát và bất cứ thứ gì có thể đập được trong nhà, rồi thì xoay ra đập lộn lẫn nhau.
    Giờ thì nhà hắn nhìn thảm lắm, bản thân hắn cũng thê thảm lắm. Lũ huynh đệ tốt ấy rất nhiệt tình “chia sớt” thức ăn với hắn nên hắn không còn đủ lương thực phục vụ cho cái bao tử to đùng của mình nữa. Đã vậy những cuộc nhậu nhẹt thâu đêm làm cơ thể hắn rã rời. Hắn trở nên biếng nhác và làm việc hời hợt, qua loa. Người ta vốn không thích hắn kết bạn với lũ kia, ngăn cản không được, giờ thấy hắn lại lười biếng nên họ ít khi nhờ hắn làm việc nữa, cũng chẳng còn ai cho nhiều thức ăn để hắn mang về “bảo trợ” bạn bè.
    Không có việc làm hắn càng nhậu nhẹt nhiều hơn. “ Huynh là thằng khùng nên tụi nó xử tệ với huynh, đệ sẽ cho tụi nó một bài học để biết thế nào là lễ độ! Đ.M., tụi nó là quân chó đẻ, tụi nó tẩy chai huynh thì thằng em này nuôi huynh, huynh đệ như tay chân mà, phải không huynh?” Hắn lại ngoác miệng ra cười khi nghe những lời tâm sự lè nhè ấy.
    Nhà hắn tuy không còn gì để ăn nhưng vẫn còn còn là nơi tụ tập của đám “ đệ huynh thủ túc” ấy. Dân làng không nỡ nhìn hắn chết đói, nhưng họ cũng không thể nhìn hắn bị bọn người kia hút máu, vả lại không mướn được ai hời như hắn, họ gọi hắn trở lại làm việc. Nhưng lần này chẳng ai trả công gì cho hắn mang về mà bắt hắn ăn uống tại chỗ. Hắn không phản kháng, hắn vô tư đánh chén, đến chiều hắn lại vô tư về nhà lăn vô mâm nhậu.
    - Đ.M., huynh là thằng chơi xấu, huynh phản bội anh em, huynh ních một mình một bụng mà không chia sớt cho ai cả, huynh không đáng mặt anh hùng!
    Hắn tợp một cái hết ly rượu, nhón tay bốc mấy hột đậu phộng rang bỏ vào miệng nhai nhóp nhép rồi lại ngoác miệng ra cười, làm thằng “huynh đệ” tức lộn ruột. Nó đứng lên đạp hắn một cái thật mạnh làm hắn ngã ngửa ra sau đúng vào cái bếp lửa đỏ rực, mấy cành củi văng tung tóe…
    Người ta cứu hắn khỏi vết bỏng nặng ở đầu, nhưng người ta không cứu được đôi mắt hắn, đôi mắt dại khờ, đờ đẫn ấy mãi mãi không còn nhìn thấy ánh sáng nữa rồi!
    Người ta xót xa cho hắn, thương hại hắn, lo lắng cho quãng đời còn lại của hắn.
    - Rồi chắc nó cũng phải bị gậy đi ăn xin thôi!
    Dân làng buồn lắm!
    Hắn cũng buồn lắm!
    Hắn mù rồi! Hắn không nhìn thấy gì nữa cả! Mấy hôm nay hắn cứ ngồi một chỗ chờ những người còn nợ công mang cơm đến cho hắn. Giờ đây hắn buồn quá, hắn nhớ cái không khí ồn ào mỗi tối trong nhà, hắn nhớ những tiếng đệ huynh là lạ mà vui tai, hắn nhớ vòng tay choàng qua vai hắn. Đầu óc âm u của hắn không biết thế nào là tình đời đen bạc nên lúc này hắn chẳng óan trách ai, vả chăng hắn cũng đâu biết thế nào là oán trách.
    Hắn mò mẫm tới chạn đựng thức ăn, mò mẫm tìm được diêm quẹt, hắn lại lần dò đi ra hè múc nước đổ vào ấm, còn một ít trà trong hộp, hắn nấu sẵn nước để chút nữa huynh đệ tới có cái mà vui với nhau. Hắn vừa đun lửa vừa nghĩ mông lung.
    Hắn không rõ bây giờ trời đã tối hẳn chưa, có lẽ tối lắm rồi vì hắn đã ăn cơm chiều từ lâu. Sao huynh đệ của hắn mãi hôm nay cũng chưa đến thăm hắn kìa?
    Ủa, sao bây giờ lại nóng như thế, mới lúc nãy không khí còn dễ chịu lắm mà! Hắn nóng quá, nóng như bị lửa đốt vậy, mà hình như có lửa thật, có tiếng gì nổ lép bép đâu đây. Hắn quờ tay vào vách và rụt ngay lại. Lửa rồi! Cháy nhà rồi! Hắn muốn kêu lên nhưng không hiểu sao đầu hắn nặng quá, miệng hắn cứng quá không mở ra được, hắn loay hoay tìm đường ra cửa. Ừ, ra được ngoài sân nhảy xuống ao tắm một cái cho mát!
    Nóng quá! ngột ngạt quá! Hắn thấy khó thở. Lối nào ra cửa hắn cũng không biết nữa, hắn chưa quen sống với cảnh đui mù. Hắn vấp chân ngã sóng soài ra đất, và trong một tích tắt đó dường như mắt hắn sáng ra, hắn nhận thấy quanh hắn rực lửa. Lửa làm hắn chói, hắn vội nhắm mắt lại, hắn quờ quạng như tìm cái gì đó, tìm mãi, vô vọng…
    Đám tang hắn thật buồn. Người ta đưa tiễn hắn như ngày xưa đã từng tiễn đưa mẹ hắn.
    Dân quê vốn rộng lòng, chôn cất hắn xong, họ quay về dọn dẹp đám tro than trên nền nhà cũ. Thay vào đó, họ dựng một cái miếu con con để đèn nhang cho mẹ con hắn, hai kẻ mà trời đất khiến xui đến sống ở đây và chết ở đây.
    Lũ trẻ con mới cách đó không lâu hễ thấy Tí khùng là ùa tới nô đùa, giờ thì chẳng đứa nào dám bén mảng đến khu vực ấy. Bọn trẻ kháo nhau “Tí khùng chết oan, hồn ma hiện về cháy đen, còng queo, ghê lắm!”.
    Còn người lớn thì chép miệng thở dài:
    - Tội nghiệp! 

Nguyễn Thị Mộng Thu
www.mietvuon.vn

Ngôi Làng Ma Ám

Suốt 10 năm trời, xóm Đầu (thôn Sơn Quả, xã Lương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang) chết không biết bao nhiêu trâu, bò, lợn, chó. Tất cả số vật nuôi thân thiết với nhà nông này cứ đột nhiên "nổi cơn điên" rồi lăn ra chết. Những câu chuyện kỳ lạ được người dân thêu dệt đầy chất ma quái.

Chuyện về "làng ma ám" đã được người dân trình cả lên Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang với mong muốn các nhà khoa học về làng tìm ra lời giải đáp và có cách giúp dân thoát cảnh... "ma ám". Gần đây, khi Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bắc Giang vào cuộc, xóm Đầu bỗng trở nên nổi tiếng và là sự kiện đáng quan tâm. Người ta gọi xóm Đầu là "làng ma ám".

Đi dưới những lũy tre xanh mướt, những con đường quanh co, tôi tìm đến xóm Đầu. Xóm Đầu cách thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) chừng 6 km, nằm co cụm quanh những **n cát, những ngôi nhà nghèo xác nghèo xơ lẫn trong những lũy tre.

Trưởng xóm Lưu Văn Lần vừa nói vừa thở dài thườn thượt: “Xóm có 34 hộ, có 37 con trâu bò thì cả 37 con đều lăn ra chết. Lợn, chó đếm không xuể, nhà có 1 con cũng chết, nhà có 10 con, 15 con, 40 con cũng chết sạch, chết không biết nguyên nhân”. Ngay cả nhà trưởng xóm Lần cũng đã tống tiễn 1 trâu và hơn chục chú lợn, chó về trời. Câu chuyện kỳ lạ này bắt đầu từ năm 1997, trong gia đình nhà anh Bùi Văn Thanh...

Ngôi nhà anh Thanh tường trình đất, lợp rạ núp dưới bụi tre rậm rì. Đứng trước cái chuồng lợn trống hoác, anh kể: Ngày 21/4/1997, vợ chồng vẫn băm bèo, nấu cám cho đôi lợn 80 kg ăn. Hai con lợn đều béo tốt, khỏe mạnh và sắp đến ngày xuất chuồng. Bỗng nửa đêm, nghe thấy tiếng lợn kêu éc éc, rồi nó lao vào thành chuồng rầm rầm. Soi đèn pin thấy hai con lợn hiền lành mọi ngày bỗng đổi tính đổi nết ***g lộn như hoang thú, anh chị sợ dựng tóc gáy. Sau khi hộc lên mấy tiếng, cả hai con lăn ra chết. Từ mép chúng rỉ ra vài giọt máu tươi.

Nghĩ có kẻ nào thù ghét gia đình nên đánh bả, do vậy vợ chồng gọi anh em đến xẻ thịt, vứt bỏ bộ lòng, chia thịt cho mọi người. Nhưng rồi ngẫm lên, nghĩ xuống, thấy khắp làng trên xóm dưới chẳng có ai thù hằn, mâu thuẫn với vợ chồng anh, nên rồi người ta cũng quên cái sự kiện đó nhanh chóng. Anh Thanh tiếp tục mua lợn về nuôi...



Lần này, anh Thanh tẩy chuồng sạch sẽ, đem vôi bột về rắc rồi mới dám thả đàn lợn mới. Đàn lợn 10 con của anh vừa nuôi được đúng một tháng, đang lớn nhanh như thổi bỗng dưng cũng như điên như loạn, rồi lăn ra chết y hệt như hai con lợn thịt trước. Anh gọi bác sĩ thú y đến xem xét, bác sĩ khẳng định không phải chết do bỏ độc, như vậy chỉ có thể do chúng mắc một loại bệnh dịch nào đó.

Lần này, cẩn thận hơn nữa, anh Thanh châm lửa... đốt chuồng. Anh phá tường cũ, xây lại tường mới hoàn toàn, quét vôi trắng xóa, phun các loại thuốc phòng dịch khắp chuồng, khắp vườn. Nhưng rồi, những cái chết của đàn lợn trong chuồng nhà anh cứ mỗi lần lại đến dày hơn. Thoạt đầu là một tháng thì chết, sau đó một tuần, rồi vài ngày, một ngày, sáng bắt về thì đến trưa đã chết. Đỉnh điểm của sự chết nhanh chóng với đàn lợn là đúng một giờ sau khi đem về nhà anh nó đã "nổi đóa" rồi về trời.

Chuyện tất thảy gia súc nhà anh Thanh chết sạch bách, với những kiểu chết rất đáng sợ khiến gia đình hoảng loạn, nghĩ nhà mình bị... ma ám, nên đã bỏ tiền mời một ông thầy cúng về giải hạn. Sau khi khấn vái suốt buổi sáng ở bụi tre trước nhà, ông thầy cúng khẳng định đã đuổi được tà ma đi rồi và bảo anh Thanh bắt lợn về nuôi.

Chọn một con to, khỏe, béo tròn của gia đình thôn bên cạnh, anh Thanh khiêng về để ông thầy cúng “làm phép” tạo “vòng kim cô” không cho “ma nhập” vào con lợn. Thế nhưng, khi thầy cúng còn chưa làm hết phép thì con lợn 30 kg nhảy dựng lên, đâm đổ cả bàn lễ, cứ nhằm thầy cúng húc rồi lăn ra chết trước sự chứng kiến của mọi người.

Đỉnh điểm của những lời đồn đại đổ lên đầu đại gia đình anh Thanh là vào năm 1998, khi gia súc trong nhà 5 anh em đều đồng loạt “lên cơn” và lăn ra chết. Thảm hại nhất là gia đình người anh trai Bùi Văn Hùng. Trận đầu tiên cả 7 con lợn thịt, mỗi con nặng 70 đến 80 kg và một con lợn nái nặng hơn tạ cùng nổi điên "nhảy múa" trong chuồng rồi lần lượt hộc máu mũi, sùi bọt mép và chết.

Tổng cộng số lợn nhà anh Hùng bị chết một cách bí ẩn từ năm 1998 đến năm 2001 lên tới 30 con. Đàn chó 7 con nhà anh Hùng cũng lần lượt nối đuôi đàn lợn về... chầu trời.

Xót của nhất vẫn là con bò mộng, béo vuông đít mà anh chị phải vay tiền khắp nơi mới mua được. Anh Hùng nhớ rõ, lúc đó khoảng 5 giờ sáng, sau khi đàn lợn 11 con chết sạch, chưa kịp gọi lái lợn đến mua thì con bò rống lên đúng ba tiếng kinh hồn, bốn chân nó bủn rủn rồi lăn uỵch ra đất chết thẳng cẳng.

Để tìm hiểu xem có phải do trúng độc không, mấy người xúm vào chọc tiết, rồi đem nửa chậu tiết cho đàn lợn trong xóm Đầu và nửa chậu cho đàn lợn xóm bên cạnh ăn. Một chuyện động trời xảy ra: đàn lợn xóm Đầu sau khi ăn liền nổi điên rồi chết hết, còn đàn lợn của xóm bên vẫn sống nhởn nhơ. Tuy nhiên, dân làng quen với chuyện kỳ dị này rồi nên cũng không sợ, cứ xẻ thịt đánh chén.

Nghĩ rằng gia đình bị ma ám nên chỉ giống vật nhà mình mới bị chết, anh Hùng liền mượn trâu nhà bố vợ ở làng khác về cày cho kịp thời vụ. Thế nhưng, con trâu mộng cày khỏe như vâm vừa được chị Lan, vợ anh Hùng dắt về đến nhà, khi anh Hùng còn chưa kịp lấy lưỡi cày trên gác chuồng trâu xuống, đã rống lên đúng 3 tiếng rồi lăn ra chết.

Sau này, ông Duyên cũng đi mượn trâu của họ hàng ở xóm khác về kéo cày để rồi phải lâm vào cảnh khó xử. Con trâu kéo phăm phăm cả buổi không thấy mệt, nhưng khi buộc trong chuồng nhà ông, đang ăn cỏ cũng đột nhiên lăn ra chết đứ đừ. Từ bấy, không ai trong làng dám mượn trâu, mượn bò về cày nữa, và cũng chẳng ai dại cho dân xóm Đầu mượn. Người dân phải chắt bóp sắm máy cày, hoặc vất vả cuốc xới bằng tay để trồng cấy.

Xưa nay, vợ chồng anh Hùng chỉ biết trông vào mấy sào ruộng pha cát trắng, hoa màu chỉ lên èo uột, nên coi nghề chăn nuôi là cách thoát nghèo không thể bỏ được. Vợ chồng anh đã trằn trọc nghĩ cách và quyết tâm rời bỏ ngôi “làng ma ám” để về nhà bố mẹ vợ ở làng Đông sinh sống, tiếp tục nghề chăn nuôi.

Theo hướng dẫn của các cụ, vợ chồng mời thầy cúng, làm hai cái lễ lớn bưng ra miếu và đình làng để xin nhập làng mới, cắt đứt mọi ràng buộc đối với xóm Đầu. Nhưng rồi bao nhiêu lợn, bao nhiêu chó mang về nuôi, giỏi lắm cũng chỉ được một tuần là lại lăn ra chết thẳng cẳng, trong khi tất cả những giống loài này bố mẹ vợ đều nuôi, cả làng Đông đều nuôi vẫn khỏe mạnh, bình thường.

Thậm chí, có một chuyện lạ thế này: Hồi ở làng Đầu, ông cậu cho con chó, vừa nuôi được một tuần thì nó bỗng nhảy dựng lên như phát điên. Anh Hùng dùng bao chụp lấy mang ngay sang nhà cậu trả. Thấy con chó sùi bọt trắng lẫn máu ở mép, nằm rên rỉ, nghĩ sẽ chết nên mọi người nấu nước làm thịt. Tuy nhiên, khi mọi người chuẩn bị làm thịt thì con chó bỗng nhỏm dậy và khỏe như bình thường...
Vài hôm sau, mẹ vợ lại cho vợ chồng anh Hùng con chó khác, nhưng lúc nó nổi điên, anh chị không ở nhà, hai đứa trẻ lại không tóm được đem trả bà ngoại nên không cứu được nó (?!). Ông trưởng xóm Lưu Văn Lần bảo, những chuyện kỳ lạ đại loại như thế nhà nào cũng có.

Chán cảnh chăn nuôi, vợ chồng anh Hùng lại trở về xóm Đầu sinh sống, nhưng quay sang làm nghề mộc. Không ngờ, làm nghề mộc cũng kiếm được, nên giờ vợ chồng anh đã có một xưởng mộc bề thế trong làng.

Bi kịch của cả làng

Sau khi tất tật đàn gia súc gồm trâu, bò, lợn, chó của đại gia đình nhà anh Bùi Văn Thanh lần lượt chết sạch trong năm 1997 và 1998 thì năm 1999 đến lượt cả xóm Đầu chịu hậu quả nặng nề. Hộ gia đình ông Khiêm cùng một lúc chết 16 con lợn thịt đang khỏe như vâm. Ông phải lôi xe cải tiến rồi đẩy đi khắp làng để cho. Sau đấy ít bữa, những gia đình trong xóm được “hưởng lộc” từ nhà ông cũng lần lượt “trả lộc”, vì gia súc nhà họ cũng đồng loạt chết. Súc vật chết không biết bán cho ai, nên cả làng cứ mổ xẻ chia cho nhau. Lần sau, súc vật nhà mình chết thì lại xẻ thịt trả nợ.

Có những kiểu chết kỳ dị đến mức khiến cả làng hoang mang tột độ. Cả gia đình anh Vượng, làng xóm và trưởng xóm Lưu Văn Lần đều khẳng định thông tin này chính xác: Con lợn nái nhà anh Vượng chỉ còn một tuần nữa là đẻ nên bụng nó to tướng, xệ xuống đất, chỉ nằm một chỗ. Mỗi lúc cho ăn, nó đứng dậy rất khó nhọc. Thế mà buổi chiều hôm ấy, sau khi anh Vượng xách xô cám đổ vào máng cho nó ăn, rồi anh vào nhà. Chưa kịp uống hớp nước, chưa rít xong mồi thuốc lào thì bỗng nghe thấy nó rống lên thảm thiết.

Biết có chuyện chẳng lành, anh chạy vụt ra ngoài. Ôi trời, con lợn nái nặng tạ rưỡi đã nằm chết thẳng cẳng bên ngoài chuồng. Anh Vượng khiếp quá hô hoán, cả làng kéo đến chứng kiến và ai cũng nhận ra rằng, con lợn nái sắp đẻ của anh không thể nào nhảy ra khỏi chuồng được. Bình thường, anh vẫn mở cửa chuồng nó còn không ra được vì còn lớp gạch xây cao khoảng 40 cm, đằng này anh đóng cửa chuồng rất cao, chốt bằng gióng tre rất chặt, thế mà nó “bay” thẳng ra ngoài để chết. Khiếp thật!

Điều kỳ dị nữa, theo chứng thực của ông trưởng xóm Lần và cả làng thì súc vật chết nhiều nhất vào những ngày làng có lễ lạt, hiếu hỉ. Những ngày này cũng là “ngày giỗ” của đàn gia súc. Dân làng đã để ý và thấy rằng, mỗi khi trong làng có đám cưới, đám ma, giỗ chạp là gia súc đồng loạt “nổi điên” rồi chết rất nhiều.

Đặc biệt nhất là chó, cứ đúng lúc diễn ra lễ đón dâu hoặc đưa dâu là y rằng chó khắp làng nổi cơn tru tréo kinh hồn, chạy quáng quàng khắp nơi rồi đâm vào tường vỡ đầu chết, hoặc lao xuống ao... tự vẫn. Vì thế, hễ trong làng có ngày trọng đại, người dân lại chuẩn bị trước dao thớt, nước sôi để làm thịt gia súc nhà mình. Và điều này cũng rất khác thường, đó là mặc dù đàn chó “nổi điên”, song lại chưa từng cắn người khi người lao vào bắt giữ nó.

Tới đây, trong làng có một lễ cưới, một số nhà khoa học ở Bắc Giang sẽ trực tiếp về làng theo dõi, nghiên cứu để chứng thực hiện tượng kỳ lạ này như lời người dân trong làng kể lại.

Cứ như vậy, cả thảy 37 con trâu. bò cùng hàng trăm chó, lợn trong làng đều lần lượt chết. Ông trưởng xóm Lần cùng một số người trong làng ngồi ngẫm nghĩ mãi vẫn không tìm ra gia đình nào nuôi trong chuồng nhà mình được một con gia súc để thịt hoặc bán cho thương lái khi nó còn sống, chỉ trừ gia đình anh Tâm. Chuyện này cũng hết sức lạ đời.

Gia đình anh Bùi Văn Tâm là trường hợp duy nhất trong làng nuôi được gia súc cho đến lúc này. Trong suốt 10 năm trời, dân làng phải đối mặt với cả ngàn cái chết kỳ lạ của gia súc thì đàn gia súc nhà anh Tâm vẫn bình an vô sự. Vợ chồng anh Tâm lý giải rằng gia đình gặp may, được... “Thánh nhân” phù hộ!

Theo anh Tâm, không những vợ chồng anh gặp may trong việc chăn nuôi mà còn gặp may trong nhiều chuyện khác. Một lần, anh Tâm đi làm phu hồ, sảy chân rơi từ tầng ba xuống đất mà chỉ bị thương nhẹ. Rồi vợ anh Tâm bị chiếc xe công nông chở đầy đất lật, đè lên người mà cũng chỉ bị sây sát nhẹ (?!).

Tin chuyện “Thánh nhân” cho gia đình anh Tâm mảnh đất tốt nên cả làng mang gia súc đến vườn nhà anh thả nhờ... lấy may. Quả thực, tất cả số gia súc của dân làng thả vào chuồng trâu, chuồng lợn nhà anh Tâm đều sống rất khỏe mạnh và chưa con nào chết. Một số gia đình thả gia súc vào nhà anh Tâm không thấy việc gì liền đem về, nhưng chỉ độ đôi ba ngày là lăn đùng ra chết. Do vậy, gia đình nào muốn nuôi được trâu, bò, lợn, chó, chỉ có cách thả vào khu đất nhà anh Tâm, còn đem gửi làng khác, xóm khác cũng hầu như chết cả.

Hiện tại, khu vườn nhà anh Tâm mọc kín chuồng bò, chuồng lợn. Anh em, dân làng đem tre, đem rạ đến vườn nhà anh dựng chuồng để nuôi và vợ chồng anh đều sẵn sàng chấp nhận. Anh Tâm vui vẻ biến mảnh vườn nhỏ nhà mình thành cái trại nuôi gia súc của cả làng và chấp nhận mùi hôi thối nồng nặc khủng khiếp là bởi anh muốn “trả nghĩa” cho bà con, vì từ nhiều năm nay, gia đình anh đều được hưởng “lộc” từ những đàn gia súc đột tử của hàng xóm.

Vừa qua, một số người dân đi xem bói, kêu đồng cô bóng cậu về cúng bái đều nhận được những câu phán rợn tóc gáy, đại loại: “Trước đây các cụ trong làng có chôn 4 con chó đá, song do có kẻ đào chó đá đem đi đâu mất nên không ai trông coi, bảo vệ phần âm của làng. Vì thế có con quỷ vào làng bắt hết vật, sau đó sẽ bắt đến người, mà chỉ bắt người trẻ”.

Nghe những lời phán đó, dân trong làng hết sức hoang mang. Sự hoang mang trở nên tột độ khi gần đây, trong cái xóm nhỏ này đã có hai người chết, một cậu thanh niên chết vì điện giật và một cháu bé con anh Bùi Văn Minh chết không rõ nguyên nhân khi mới hai tuổi rưỡi.

Theo lời gia đình thì cháu mập mạp, mạnh khỏe, không hề có bệnh tật gì, thế nhưng, một lần khi cháu đang chơi đùa đột nhiên lăn ra ngất lịm. Gia đình đưa xuống Bệnh viện Bắc Giang, rồi chuyển xuống Hà Nội chiếu chụp các kiểu, song bác sĩ không xác định được cháu mắc bệnh gì. Mới đây, khi cháu đang chơi với bà, tự nhiên bị nôn ọe liên tục. Gia đình cấp tốc đưa cháu xuống bệnh viện huyện. Trên đường đi cháu vẫn tỉnh táo, nói chuyện, lại còn đòi uống sữa. Nhưng vừa vào đến bệnh viện, cháu co giật, khó thở rồi mất. Gia đình vẫn chưa biết cháu mất vì nguyên nhân gì.

Cái chết của cháu bé con anh Minh tuy không biết có liên quan gì tới những cái chết bí ẩn của đàn gia súc trong làng không, song nó đã gây ra nỗi hoang mang rất lớn. Người dân trong làng đã làm gì? Các nhà khoa học lý giải hiện tượng này ra sao? Các cơ quan chức năng đã vào cuộc như thế nào?