Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Kỷ Niệm Tuổi Thơ

Mùa thu đã về. Không khí dịu mát. Sương phủ bồng bềnh trên dòng sông. Trên dòng sông thời gian người ta giữ lại được cái gì cho riêng mình, cho mãi mãi? 
Kỷ niệm bao giờ mà chả thuộc về quá khứ. Chiếc tàu thủy ra khơi năm ấy bị nhấn chìm đôi khi lại ái ngại trở về. Không ai có hình ảnh kỷ niệm của tương lai được. Tuy nhiên, đôi khi người ta cũng vẫn nói: “Anh cứ đến đó đi. Thể nào cũng có những kỷ niệm đẹp đấy”. Hình dung về tương lai ai mà chả muốn và chúc nhau cho nó đẹp. Gương mặt của tương lai thật mờ ảo, khó xác thực. Ánh lửa trên bờ kia thực ấm áp, cảm động. Ngọn lửa gắn với con người bằng những kỷ niệm, thậm chí bằng những mối dây liên hệ vô hình từ cội nguồn. Con người sống qua các đổi thay của thiên nhiên vẫn giữ nguyên những định kiến cố hữu. Trời trở heo may, lạnh lẽo ẩm ướt khiến người già đau nhức mỏi xương cốt. Còn với trẻ thơ bốn mùa đều đẹp đẽ, tươi vui. Anh và Nga đang sống lại tuổi thơ. Tuổi thơ của mỗi người. Dòng sông, cánh cò, những ngày xưa êm ả… và cả Trung thu này nữa.
 
Anh và Nga đang đứng trú mưa dưới mái hiên một phố cổ Hà Nội. “Đôi ta bắt gặp nhau đây. Như con bò gầy gặp bãi cỏ hoang…”. Trung thu Hàng Mã bán nhiều đồ chơi, những chữ xốp lồng nhau xanh đỏ. Thật ngẫu nhiên: Chẳng có chữ nào cắt tên anh và Nga cả. Chẳng lẽ hạnh phúc lại đặt làm? Đôi chữ cái quấn quýt nhau như dây leo, bay bướm, lắm chỗ như xâu qua lỗ kim. Đời sống uyên ương thật giống nhau, chật vật mà lại loè loẹt. Nga không hiểu sao anh lại quay đi như vậy.
Họ đi qua các hàng quần áo, mã vàng, tiền Đôla âm phủ, có cả ô tô, Mô kích, xe HONDA cho người ở thế giới bên kia sử dụng. Con người ta ở đâu cũng cần đến đồ đạc. Đồ đạc nhiều quá. Nga bảo: “Hôm ba mươi nhăm ngày đưa cụ ông lên chùa mẹ em sắm cho cụ cái ti vi National, bộ complet, giày da Ý với bộ quần áo lót, áo sơ mi ngoại cả… Lúc nhìn lên em thấy hương cháy rực, mà tàn lại rất cong. Người ta bảo như thế là có lộc. Nhiều câu kinh Cầu Siêu em không hiểu. Những câu như: “Nam mô Tây phương cực lạc. Cứu khổ, cứu nạn. Linh cảm ứng. Quan Thế Âm bồ tát. Nam mô thập phương Thương trụ Phật. Nam mô thập phương Thương trụ pháp. Nam mô thập phương Thương trụ tăng. Nam mô bản sứ thích ca Mâu ni Phật…”.
Anh bảo: “Đấy là thế giới huyền bí. Con người chỉ tin mà không hiểu được”.
Mười ngày phép trôi qua thật nhanh. Ngày mai anh sẽ ra biển. Nơi đó có con tàu no sóng, no gió và các đồng đội của anh. Biển ở trong lòng anh, ở trong tim anh. Người con gái đang đi bên anh là người con gái Hà Nội, đất liền. “Con gái chơi với con trai. Về sau hai vú bằng hai quả dừa”. Anh im lặng đi bên nàng sợ làm tan ảo ảnh. Anh ăn sóng nói gió ở đâu nhưng lúc này anh hiền như củ khoai, như đất đai, như luống cày. Chỗ anh công tác dừa có đầy. Những trưa hè uống nước mát rượi. Anh yêu nàng nhưng anh không hiểu nàng lắm.
Anh kể cho nàng nghe anh học giỏi, anh thi đỗ đại học được ra nước ngoài học… Nhưng anh yêu biển, anh yêu con tàu băng băng rẽ sóng. Anh làm kỹ sư hàng hải. Nga thích màu xanh nước biển. Biển thì bao la. Có nhiều nhà thơ ví biển với tình yêu. Tình yêu cũng lớn lao như biển.
Anh yêu biển bắt đầu từ một kỷ niệm. Ngày anh còn bé, vào dịp Tết Trung thu mẹ cho anh ba đồng bảo muốn mua gì thì mua. Anh lưỡng lự giữa một khẩu súng lục bằng nhựa, một chiếc máy bay trực thăng và một chiếc tàu thuỷ bằng sắt tây. Anh đã chọn chiếc tàu thuỷ. Anh và lũ em ngồi quanh chậu nước. Cho dầu hỏa, châm lửa, rồi đặt vào khoang. Lễ hạ thuỷ thật trọng thể, thiêng liêng. Lúc đó anh không hiểu nguyên lý vận hành của con tàu, chỉ sung sướng nghĩ rằng dưới bàn tay mình con tàu sẽ rẽ nước chạy được trong âm thanh “phạch, phạch…” vui tai. Có ánh lửa sáng trong khoang tàu, có khói phụt ra từ ống khói trên nóc tàu… Con tàu bắt đầu chạy. Anh bẻ bánh lái cho nó chạy vòng quanh chậu. Tất cả đều reo vui, sung sướng. Lá cờ hình tam giác bằng sắt tây sơn đỏ chẳng thể vẫy vẫy theo niềm vui của bọn anh được. Nhưng cũng chẳng sao. Song, hỡi ơi, niềm vui thật ngắn ngủi. Thiếc hàn bị chảy, nước tràn vào khoang, lửa tắt ngấm, tàu chìm nghỉm. Anh và các em khóc oà. Lần ra khơi đầu tiên ấy thất bại. Nga cười: “Nếu bây giờ cho anh chọn lại anh chọn cái gì?”. “Anh sẽ chọn quả bưởi bôi phẩm hồng này với cái đèn con thỏ kia”. Anh mua hai thứ đó. Mỗi người cầm một thứ. Nga cầm bưởi. Anh cầm cái đèn con thỏ chỉ bằng nắm tay người lớn bằng khung tre phết giấy bóng kính đỏ rất đẹp. Anh cứ giơ lên và một tay dắt Nga đi trong dòng người đông đúc, nhộn nhịp. Như là họ đang giữ đồ chơi cho trẻ nhỏ.
Có rất nhiều đèn cù, đèn ông sao… “Gió đưa trăng thì trăng đưa gió, Quạt nọ đưa đèn thì đèn có đưa ai?”. Ngày xưa anh được bà nội ru bằng ca dao. Những đêm trăng thanh bình, yên tĩnh… Trai gái hát đối nhau ở sân đình làng thật là hiền hoà, trong sáng. Giờ đã nhiều người lên ông lên bà. “Đêm qua mới gọi là đêm. Ruột xót như muối, da mềm như dưa”. “Chiều chiều mây phủ Ải Vân, Chim kêu ghềnh đá ngẫm thân thêm buồn”. “Đêm nằm lưng chẳng tới giường, Trông cho mau sáng ra đường gặp em”. “Chiều chiều ra đứng ngõ sau, Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”…
Nga hỏi: “Sao ca dao của mình toàn về chiều tối anh nhỉ? Cứ như đi hát KARAOKE ấy. Nhưng cứ buồn buồn…”. Anh bảo: “Tình yêu thương bao giờ cũng buồn, Nga ạ. Ngày xưa ban ngày là thời gian sản xuất, lao động; thời gian của cộng đồng”. “Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều”. Ai cũng phải đi làm cả. Chỉ có buổi chiều tối là của riêng mình cho nên em nhận xét thế là phải. Hát KARAOKE chỉ là âm thanh đánh lừa nỗi cô đơn thôi. Đó là hơi thở của máy móc. Không phải lời của thiên nhiên. Con người càng hiện đại, giàu có, càng cô đơn, biệt tịch…”. “Anh đừng nói nữa. Em bóc bưởi nhé?”. “Đi ăn sủi cảo đi?”. “Anh không thích cháo cá quả à?”. “Mình cứ như đèn cù ấy nhỉ?”. Có tiếng hát: “Ngựa giấy ối a ngựa giấy. Tít mù nó lại vòng quanh”. Anh nhìn những đồ chơi cắm ánh nến lung linh. Ngọn đèn nào sẽ đưa anh và Nga đến hạnh phúc? Nến mà hết thì phải chuẩn bị nến khác chứ. Nga mỉm cười nhìn anh đang mê mải ngắm muôn ngàn thứ đồ chơi con trẻ. Đàn ông chỉ là những đứa trẻ con lớn xác.
Họ dắt nhau đi giữa rừng ánh sáng, âm thanh, mầu sắc, giữa tình yêu với nhau, với cuộc đời. “Đầu năm ăn quả thanh yên. Cuối năm ăn bưởi cho nên đèo bòng”. Anh bảo: “Nếu em thích cứ bóc bưởi đi cũng được”. Tự nhiên anh thấy chóng mặt. Có rất nhiều mặt nạ. Thiên thần và quỷ dữ. Các con vật dữ tợn, hung ác và hiền lành, đáng yêu. Có ông quan và thằng hề, có hổ báo và thỏ cừu, có quỷ mặt xanh và người hiền từ mặt hồng… “Nếu có con gái anh chẳng bao giờ cho nó chơi mặt nạ”. Nga hỏi: “Thế nếu là con trai?”. Anh bảo: “À đấy là cuộc sống”. Nga cười: “Anh chán lắm nhỉ?”. Anh thở dài: “Không”. “Anh đừng đi nhanh thế. Búp bê đẹp tuyệt trần anh ạ”. Mặt anh rạng rỡ. Bao nhiêu xoong, chậu, bát đũa, tủ lạnh, máy giặt, bàn là, giường tủ xinh xắn.
Trẻ con trong khi đợi làm người lớn hãy để các em làm quen với cuộc sống không thể tránh được sau này. Cuộc sống bao giờ cũng là cuộc sống. Cuộc sống có lửa, nước, không khí và đất đai. Cái nhà này xinh nhỉ? Bao nhiêu là cửa sổ cho gió lọt vào, có bếp, có điện, lại có cả nhà tắm. Ngôi nhà đặt trên miếng gỗ có cỏ xanh rì rào rì rào… ồn ào, náo nhiệt và sáng lòa.
“Rước đèn ông sao, sao năm cánh tươi mầu. Em cầm đèn sao em hát vang vang. Đèn sao tươi màu tỏa đêm rằm liên hoan. Tùng rinh rinh rinh rinh tùng rinh rinh…”
Bài hát ấy của tuổi thơ anh.
Lộp bộp, lộp bộp… Mưa mau hạt. Lạ, mùa thu sao mưa như mùa hạ. Người ta xô nhau chạy về bày cỗ Trung thu. Anh và Nga chẳng vội vã gì. Họ đứng trú dưới một mái hiên. Sau cứ thế dắt nhau đi trong mưa. Mai anh sẽ ra biển. Anh sẽ không có Nga ở bên cạnh. Phụ nữ bao giờ cũng cần yên ổn, nề nếp, căn cơ. “Anh sẽ luôn nhớ em, viết thư cho em. Em gắng học giỏi nhé”. “Vâng…”. Anh muốn quên đi kỷ niệm cay đắng trong tuổi thơ về chiếc tàu, về chuyến ra khơi năm ấy. Nhưng có ai chạy thoát khỏi bóng mình? Anh sẽ cố gắng hàn gắn, giữ gìn để có kỷ niệm đẹp của ngày mai.
Con tàu và đồng đội đang chờ anh ở ngoài khơi kia. Nhớ làm chi chiếc tàu thuỷ bằng sắt tây hàn thiếc?
(Rút trong tập Nước Thiên đàng, NXB Phụ nữ, 1996)

suord (Evan)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét